Vì sao fan nổi giận khi thần tượng K-pop hẹn hò

Ngôi sao K-pop Karina xin lỗi người hâm mộ sau khi công khai hẹn hò với nam diễn viên Lee Jae-wook. Ảnh: Yonhap.

“Tôi chân thành xin lỗi vì đã gây ngạc nhiên cho những người hâm mộ ủng hộ tôi”, trưởng nhóm nhạc nữ aespa viết.

Cô ấy đã phạm lỗi gì? Đơn giản là công khai mối quan hệ tình cảm với nam diễn viên Lee Jae-wook.

Việc Karina buộc phải xin lỗi vì công khai yêu đương đã khiến nhiều người bên ngoài K-pop bất ngờ. Tuy nhiên, điều này đã gợi lên vấn đề về thế giới của những “fan cuồng” K-pop.

Họ phát đi phát lại các bài hát của thần tượng K-pop mà bản thân yêu thích ngay cả khi ngủ để tăng thứ hạng cho thần tượng. Trong các mùa giải, nhiều người hâm mộ K-pop còn tổ chức các buổi bình chọn tập thể và, đôi khi, thuê bảng quảng cáo kỹ thuật số ở Quảng trường Thời Đại để đăng hình thần tượng.

Một tình yêu đắt giá

Khi tin tức về mối quan hệ của Karina được công bố, một số “fan cuồng” đã lái xe tải đến trước công ty quản lý của cô.

“Chúng tôi ủng hộ tương lai tươi sáng của Karina, tin vào giấc mơ chung nhưng mọi điều Karina làm cho thấy chúng tôi đã sai”, một bảng quảng cáo điện tử trên xe viết.

“Tình yêu mà người hâm mộ dành cho bạn chưa đủ sao?”, một bảng quảng cáo khác ghi.

Điều này ngược lại với cách mà những người nổi tiếng trên thế giới đón nhận khi công khai chuyện tình cảm. Bởi lẽ, các thần tượng quốc tế thường được khen ngợi và hưởng ứng nhiều hơn khi công khai tình cảm.

than tuong kpop hen ho anh 1

Lá thư xin lỗi được viết tay của Karina. Ảnh: Instagram của Karina.

Ví dụ, khi tham gia Super Bowl vào tháng 2 để cổ vũ bạn trai Travis Kelce, Taylor Swift đã giúp trận đấu trở thành chương trình truyền hình được nhiều người xem nhất ở Mỹ, sánh ngang với sự kiện lần đầu tiên con người đặt chân lên Mặt Trăng năm 1969.

Các cuộc khảo sát cho biết cứ 5 người xem Super Bowl thì có 1 người ủng hộ Kansas City Chiefs vì mối quan hệ giữa Kelce với Taylor Swift.

Tại sao thái độ của người hâm mộ K-pop lại chênh lệch đến thế?

“Họ cảm thấy bị xúc phạm”, nhà báo chuyên mục truyền thông Hàn Quốc Jeong Deok-hyeon cho biết. Ông nói thêm người hâm mộ K-pop thường xem bản thân là người có mối quan hệ thân thiết với các thần tượng.

Điều này giống như một mối quan hệ đơn phương. Trong đó, một bên thì dành cho đối phương lượng lớn thời gian, tiền bạc, năng lượng và cảm xúc. Bên còn lại thì không hề biết sự tồn tại của đối phương.

“Ảo tưởng thân mật”

“Khi ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc càng khuyến khích người hâm mộ thể hiện tình cảm cho thần tượng thông qua chủ nghĩa tiêu dùng thì người hâm mộ càng mong được ‘đền bù’ (cho những khoản đầu tư của họ – PV). Điều này làm một số người đưa các yêu cầu vô lý, và đôi khi là đe dọa, đến các thần tượng”, ông Jeong nói với BBC.

Một số người cho rằng chính nghệ sĩ và các công ty quản lý cố tình tạo ra một “ảo tưởng thân mật” giữa thần tượng và người hâm mộ.

Thậm chí, cách đây 10 năm, các công ty giải trí K-pop thường cấm các ngôi sao mới hẹn hò hay sử dụng điện thoại cá nhân.

Các công ty cũng tạo ra những ứng dụng mạng xã hội dành cho nghệ sĩ giúp người hâm mộ hiểu hơn về cuộc sống hàng ngày của các thần tượng. SM – gã khổng lồ của K-pop và là người đứng sau aespa – đã giới thiệu một mạng xã hội vào năm 2020. Ứng dụng này được thiết kế để người hâm mộ có cảm giác thần tượng đang nhắn tin trực tiếp với mình.

Một số ngôi sao cũng mua quà cho những người hâm mộ may mắn hoặc gọi trực tiếp cho họ.

“Các công ty K-pop luôn nói với người hâm mộ thần tượng được tạo ra bởi người hâm mộ”, Areum Jeong, Phó giáo sư Nghiên cứu Hàn Quốc tại Đại học Bang Arizona, cho biết.

than tuong kpop hen ho anh 2

Nhóm nhạc nữ aespa được quản lý bởi “gã khổng lồ” SM Entertainment của Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap.

Cedabough Saeji từ Đại học Quốc gia Pusan ​​gọi câu chuyện của Karina là “một trường hợp kinh điển về việc người hâm mộ cố gắng ‘kiểm soát và trừng phạt’ các ngôi sao”.

“Họ tức giận vì cô ấy đã hẹn hò và sau đó tức giận vì cô ấy đã xin lỗi sai cách”, Saeji, Phó giáo sư Nghiên cứu về Hàn Quốc và Đông Á, cũng nhắc đến một số người hâm mộ cảm thấy Karina nên xin lỗi trên diễn đàn của người hâm mộ thay vì Instagram. “Thời nay, quyền riêng tư của các ngôi sao K-pop hầu như không hề tồn tại”.

Xem thần tượng như “của cải”

Bà Jeong, người tự nhận là một “fan K-pop” tận tụy, cũng tham gia nhiều hoạt động vì thần tượng. Bà liên tục nghe những bài hát của nhóm nhạc nam yêu thích – NCT 127 – và trả tiền cho họ trên các nền tảng âm nhạc.

Có hàng chục nền tảng âm nhạc kỹ thuật số khác nhau dành cho thần tượng K-pop, mỗi nền tảng đều có bảng xếp hạng Top 100 bài hát được nghe và tải xuống nhiều nhất. Các “fan cuồng” tự tổ chức thành các tiểu đội để “cày view” cho thần tượng theo từng nền tảng.

“Người hâm mộ đã bỏ công sức để giúp nhóm nhạc thành công. Do đó họ xem thần tượng là ‘của cải’ của mình. Và do muốn thấy ‘của cải’ phát triển trên sân khấu, họ sẽ đầu tư ngày càng nhiều công sức hơn”, bà Jeong nói.

Ở cộng đồng người hâm mộ của nhóm nhạc nam Seventeen, có một bộ quy tắc “hướng dẫn cày view” được phát hành. Trong đó có những hướng dẫn như “Chỉ xem hai hoặc MV của Seventeen một lúc với tổng thời lượng xem phải từ 7 đến 10 phút”, “Không tạm dừng, chuyển tiếp hay tua lại”.

than tuong kpop hen ho anh 3

Người hâm mộ K-pop ủng hộ bằng cách đầu tư thời gian, tiền bạc lẫn cảm xúc cho thần tượng. Ảnh: Rachel Cheung.

Các cộng đồng người hâm mộ lớn còn có nhiều hoạt động khác. ARMY, cộng đồng người hâm mộ của BTS – nhóm nhạc lớn nhất thế giới, đã thay mặt thần tượng thực hiện các dự án từ thiện, vận hành các tài khoản mạng xã hội để quảng bá hình ảnh nhóm nhạc.

“Những người hâm mộ cuồng nhiệt còn gây quỹ, vận động bình chọn… Một số còn túc trực trên mạng xã hội để phản biện và hạn chế những thông tin tiêu cực về thần tượng”, bà Jeong phân tích. “Tất cả đều là tiền bạc và thời gian. Ngành công nghiệp thu lợi nhuận từ đó”.

Một dấu ấn khác của cộng đồng người hâm mộ K-pop là tiệc sinh nhật cho thần tượng. dù họ không có mặt. Một số người hâm mộ thuê cả quán cà phê cho các sự kiện tương tự.

Lời xin lỗi của Karina

Nhà báo chuyên mục K-pop Jeff Benjamin cho biết một số thần tượng có thể cảm thấy bản thân “có nghĩa vụ làm cho người hâm mộ của họ hạnh phúc”. Nhiều người cảm thấy sự nghiệp của họ rất mong manh và phải phụ thuộc vào người hâm mộ.

“Các cộng đồng hâm mộ thường tồn tại trong thời gian ngắn, khoảng 4 đến 5 năm… Tôi nghĩ phần lớn nguyên nhân chính khiến Karina xin lỗi là vì cô ấy là trưởng nhóm của aespa và muốn hứa rằng cô sẽ làm việc chăm chỉ hơn trong tương lai”, ông nói.

“Thật trớ trêu khi những nghệ sĩ hát về tình yêu lại bị cấm yêu. Tôi đồng cảm với họ”, anh nói thêm.

Tuy nhiên, khi K-pop đã phát triển ra thị trường thế giới, ảo tưởng về sự thân mật cũng đã thay đổi.

Nhiều người hâm mộ quốc tế của Karina cũng bày tỏ sự phẫn nộ khi cô buộc phải xin lỗi. “Cô ấy không đáng bị đối xử như vậy”, một người bình luận trên X (trước đây là Twitter), trong khi một người khác nói “Karina xin lỗi vì THÍCH ai đó là một trong những điều điên rồ nhất thế giới”.

Một số người hâm mộ Hàn Quốc cũng cho rằng Karina không cần phải xin lỗi. “K-pop đã lan ra toàn cầu từ lâu nhưng ‘fan cuồng’ Hàn Quốc vẫn nghĩ các thần tượng phải phụ thuộc vào họ. Thật đáng xấu hổ cho các ‘fan cuồng’ ở Hàn Quốc khi các tờ báo quốc tế đưa tin về lời xin lỗi của Karina”, một người viết.

Theo Allied Market Research, thị trường K-pop toàn cầu được định giá 8,1 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến đạt 21 tỷ USD vào năm 2031.

than tuong kpop hen ho anh 4

BTS, sau khi được Liên Hợp Quốc bổ nhiệm làm đặc phái viên, đã biểu diễn tại trụ sở chính của tổ chức này tại New York vào năm 2021. Ảnh: Big Hit Music.

Các nhóm nhạc Hàn Quốc cũng đã được mời biểu diễn tại các sự kiện quốc tế. Chẳng hạn, Seventeen sẽ trở thành nhóm nhạc K-pop đầu tiên biểu diễn tại Lễ hội Glastonbury năm nay. BTS, sau khi được Liên Hợp Quốc bổ nhiệm làm đặc phái viên, đã biểu diễn tại trụ sở chính của tổ chức này tại New York vào năm 2021.

Các album K-pop đã thu về 243,8 triệu USD trong 10 tháng đầu năm 2023. Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc là ba quốc gia hàng đầu trong việc tiêu thụ các sản phẩm K-pop.

than tuong kpop hen ho anh 5

Ở cộng đồng quốc tế, mối tình của Karina vẫn được nhiều người ủng hộ. Ảnh: SM Entertainment.

“Mọi thứ đang thay đổi khi lượng người hâm mộ K-pop quốc tế tăng lên. Tôi hy vọng lượng người hâm mộ này sẽ cởi mở với thần tượng hơn… Và ngành công nghiệp này có thể ít phụ thuộc hơn vào các chuẩn mực truyền thống”, ông Benjamin nói.

Một số người hâm mộ Karina ở Hàn Quốc vẫn tiếp tục ủng hộ cô.

“Không có gì phải xin lỗi… Dù bạn là người nổi tiếng hay người bình thường, bạn cũng cần có bạn tâm giao. Việc cô ấy có người yêu là điều đương nhiên”, Jeong So-yeon, một người hâm mộ 33 tuổi ở Seoul, cho biết.

“Những ngôi sao hàng đầu khác vẫn ổn ngay cả sau ‘một bê bối’ hẹn hò. Tôi rất mong chờ những album tiếp theo của cô ấy”, cô nói.

Gen Z quan tâm đến thế giới nội tâm nhiều hơn trước

Nguyễn Đoàn Minh Thư, tác giả của cuốn sách Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều là một người trẻ, một Gen Z sinh năm 2000. Cô tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Tâm lý tại Đại học East Anglia và hiện làm thực tập sinh tư vấn tâm lý cho Bộ Y tế Anh (National Health Service). Minh Thư cho biết câu chuyện được viết từ chính trải nghiệm của cô và nhấn mạnh mỗi người chỉ có thể cảm thấy hạnh phúc và bình yên khi hiểu chính mình.