Trung Quốc mất 155 tỷ phú trong hai năm qua

Tỷ phú giàu nhất Trung Quốc Chung Thiểm Thiểm. Ảnh: The Economic Times.

Báo cáo Hurun Global Rich List 2024 chỉ ra toàn cầu hiện có 3.279 tỷ phú, tăng 167 người so với năm ngoái, sở hữu khối tài sản 15.000 tỷ USD, tăng 9% so với 2023.

Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là nơi có nhiều tỷ phú nhất toàn cầu, hơn 14 người so với quốc gia xếp sau là Mỹ. Dù vậy, trong vòng hai năm qua, 155 doanh nhân nước này đã mất danh hiệu tỷ phú, chủ yếu trong các lĩnh vực bất động sản và năng lượng tái tạo. Nhưng nhìn chung, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn bổ sung 120 tỷ phú trong năm 2023.

“Vua nước đóng chai” Chung Thiểm Thiểm (70 tuổi) vẫn giữ vị trí là người giàu nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, tâm điểm lại đổ dồn vào Colin Huang (44 tuổi) – người đã vượt qua Pony Ma (53 tuổi) của Tencent và Zhang Yiming (40 tuổi) của ByteDance – để giành vị trí thứ hai khi hoạt động kinh doanh trong nước và quốc tế của Pinduoduo tiếp tục thách thức kỳ vọng của thị trường.

Trung Quốc và Mỹ gần như áp đảo bảng xếp hạng, bởi Ấn Độ xếp thứ 3 nhưng chỉ có 271 tỷ phú, bằng 1/3 so với hai quốc gia đứng đầu.

Top 10 quốc gia có nhiều tỷ phú nhất toàn cầu
Nguồn: Hurun Global Rich List 2024.
Nhãn Trung Quốc Mỹ Ấn Độ Anh Đức Thuỵ Sĩ Nga Ý Pháp Brazil
814 800 271 146 140 106 76 69 68 64

Hurun cho biết trí tuệ nhân tạo (AI) là động lực chính cho sự tăng trưởng tài sản, tạo ra hơn một nửa tài sản mới năm qua. Đồng thời, số lượng tỷ phú được biết đến trên thế giới đã tăng 5% chủ yếu nhờ hiệu quả hoạt động trên thị trường chứng khoán, theo ông Rupert Hoogewerf – Chủ tịch Hurun Report, đồng thời là nhà nghiên cứu trưởng.

“Trong khi Jensen Huang đã thu hút nhiều sự chú ý khi Nvidia vượt qua mốc 2.000 tỷ USD và đưa anh vào top 30 Hurun thì các tỷ phú đứng sau Microsoft, Google, Amazon, Oracle và Meta cũng chứng kiến tài sản gia tăng đáng kể bởi các nhà đầu tư đặt cược vào giá trị do AI tạo ra”, ông Rupert Hoogewerf khẳng định.

Theo báo cáo, Mỹ dẫn đầu về số lượng tỷ phú mới khi thị trường chứng khoán tăng lên mức cao kỷ lục.

Một trường hợp đặc biệt là Taylor Swift. Nữ ca sỹ người Mỹ vừa gia nhập câu lạc bộ tỷ phú với 1,2 tỷ USD ở tuổi 34. Tuy nhiên, hơn một nửa tài sản của Taylor Swift đến từ tiền bản quyền và các chuyến lưu diễn, bao gồm 190 triệu USD từ chặng đầu tiên của chuyến lưu diễn Eras và 35 triệu USD từ phim hòa nhạc.

Phần còn lại được thúc đẩy nhờ giá trị danh mục âm nhạc của Taylor, đặc biệt là sau khi 6 album đầu tiên của cô được bán cho Shamrock Capital với giá 300 triệu USD vào năm 2020.

Sự tăng trưởng lượng tỷ phú của Mỹ đã giúp New York giành lại danh hiệu “thủ đô tỷ phú của thế giới” lần đầu tiên sau 7 năm.

Trong khi đó, Ấn Độ cũng có một năm bứt tốc siêu mạnh mẽ khi có thêm gần 100 tỷ phú. Ông Rupert Hoogewerf đánh giá niềm tin vào nền kinh tế này tăng lên mức kỷ lục.

Còn ở khu vực châu Á, Mumbai đã vượt qua Bắc Kinh để trở thành “thủ đô tỷ phú” và top 3 thành phố toàn cầu.

Trong hơn 20 năm qua, Hurun Global Rich List trở thành một tài liệu tham khảo về giới siêu giàu, bên cạnh các xếp hạng của Forbes, Bloomberg.

Tri thức – Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.