Trở thành một người hướng nội hạnh phúc

Bi an huong noi anh 1

Một mình không đồng nghĩa với cô đơn, người hướng nội có cách riêng để tận hưởng cuộc sống. Ảnh: MITI.

Từ khi còn nhỏ, tôi thường bị gắn mác là một đứa ít nói, lì lợm và thậm chí cả “tự kỷ”. Mặc dù tôi biết những lời nói ấy không có ác ý gì, nhưng nếu ai đó gặng hỏi có buồn, có tủi thân không thì câu trả lời sẽ là có. Hồi còn nhỏ, tôi không hiểu tại sao mọi người lại nhìn tôi bằng ánh mắt như thể tôi là một đứa không bình thường.

Tôi không kiệm lời đến mức không cạy nổi miệng. Tôi nói chuyện rất nhiều với người thân, nhưng đôi khi lại im bặt, không nói một lời với những người vừa gặp. Tôi thường thích làm vài việc một mình, ví dụ như gặm nhấm nỗi đau hay ăn mừng chiến thắng.

Tôi còn nhớ trong suốt những năm tháng còn học cấp hai và cấp ba, tôi có nhiều thành tích có thể nói là khá ấn tượng. Thế nhưng, mãi cho tới khi nhận bằng khen, bố mẹ tôi mới biết tin. Lý do đơn giản là vì tôi muốn được tận hưởng tất cả những cảm xúc ngọt ngào và bất ngờ ấy với chính mình trước đã.

Tôi còn nhớ như in ngày mình nhận được thông báo trúng tuyển Đại học. Đó là một trong những khoảnh khắc vui nhất suốt những năm tháng tuổi trẻ đầy nắng và gió của tôi. Tôi và bố cùng đi nhận giấy báo và làm thủ tục nhập học chỉ vài ngày sau đấy.

Đó là cảm giác sau rất nhiều năm cố gắng, từ một đứa nhút nhát chỉ biết quẩn quanh ao làng, tôi cảm thấy bản thân dường như sắp trưởng thành, sắp được thỏa mong ước bay thật xa khỏi vòng tay bao bọc của bố mẹ. Thế nhưng, cuộc đời thật khéo đùa. Thời gian đầu bước chân vào cuộc sống tưởng là tự do ấy, tôi đã rất nhớ nhà. Người bình thường nhớ nhà một thì những đứa hướng nội như tôi nhớ nhà mười.

Chưa kể, tôi còn phải chạy đua để theo kịp các bạn cùng trang lứa ở trường. Vốn là một đứa ở quê ra, tiếng Anh đối với tôi chỉ là các bài đọc và cấu trúc ngữ pháp được ghi chép chi chít trong cuốn sổ lưu lại từ những năm còn học cấp hai. Lên đại học, bạn cùng lớp của tôi ai cũng giỏi, bất kể đến từ thành phố hay tỉnh lẻ, đến mức đã có lúc tôi chỉ muốn hét lên rằng mình quá nhỏ bé, mình muốn bỏ học, và trăm nghìn điều tiêu cực hơn thế.

[…]

Trong khi các bạn ở lớp đại học của tôi đã lập hết nhóm này đến nhóm kia thì tôi lại chọn cách ở một mình, làm mọi thứ một mình, thậm chí gặm nhấm nỗi buồn một mình. Có chăng chỉ thêm vài mối quan hệ hơi thân, đôi ba người bạn tôi cảm thấy có thể tin tưởng để chia sẻ. Nếu ai đó hỏi tôi có từng cảm thấy lạc lõng, mất phương hướng hay không, tất nhiên câu trả lời sẽ là có. Nhiều lần là đằng khác.

Tôi hiểu điều đó, đôi lúc tôi cũng cần chia sẻ chứ. Thế nhưng, nếu phải chọn tôi sẽ chọn được là chính mình thay vì phải lạc lõng giữa những tâm hồn khác. Nếu cố gắng ghép hai miếng ghép lệch lạc và không vừa vặn với nhau, bạn có thể sẽ làm hỏng cả bức tranh ấy đấy.

Sau cùng, tôi vẫn cảm thấy may mắn hơn nhiều người hướng nội cô đơn khác vì tôi hiểu mình cần gì và không cần gì. Đó là cả một hành trình dài không ngừng đi tìm đáp án trong chính con người sống nội tâm và nhạy cảm này. Tôi hiểu lúc nào cảm xúc của mình lên tới tột cùng và phải tìm cách để tự gặm nhấm hay kìm hãm nó lại.

Trên hành trình thấu hiểu chính mình, bạn có thể sẽ cảm thấy cô đơn hay muốn bỏ cuộc vì chỉ có một mình. Nhưng đồng thời, bạn cũng sẽ hiểu được những giá trị của bản thân mà trước đây bạn vẫn luôn nghi hoặc hay cố giấu kỹ trong ngăn tủ trái tim.

Trên hết, trước khi đi khám phá sâu hơn về những con người sống nội tâm, tôi muốn gửi đến bạn, người vẫn còn đang nghi hoặc vô lý về bản thân, và những người xung quanh một thông điệp rằng: Một mình không có nghĩa là cô đơn. Đâu đó, người ta vẫn thường gắn cái mác không mấy tốt đẹp cho những tâm hồn mê mẩn cảm giác được ở một mình.

Một mình là bị xa lánh? Một mình là không có bạn? Một mình là quay lưng lại với quy luật vốn có của xã hội? Một mình đồng nghĩa với cảm giác nhiều người vẫn luôn sợ, thậm chí ám ảnh, mang tên “cô đơn”? Người ta vẫn thường tự đặt những câu nghi vấn như vậy. Người ta còn chẳng buồn xác nhận lại những nghi hoặc hay thiên kiến đó với đối tượng vô tình được đặt lên bàn cân kia.

Vậy phải chăng “một mình” với “cô đơn” tuy hai mà một? Câu trả lời, có lẽ phải xuất phát từ chính bản thân bạn. Cách bạn định nghĩa và thái độ đón nhận cảm giác lẻ bóng ấy quyết định xem liệu bạn có thực sự đang cô đơn hay không.

Schopenhauer, một triết gia người Đức đã từng nói:“Con người, chỉ khi ở một mình, mới có thể tác thành chính mình.”

Tôi cũng nghe được ở đâu đó rằng: “Nếu bạn thoải mái và tận hưởng cảm giác ở một mình, cảm giác đó sẽ phần nào giúp bạn khai phá những con đường, ngõ ngách và dần tìm ra những viên ngọc sáng trong chính con người mình.”

Điều quan trọng là bạn có thực sự tận hưởng và dồn hết tâm huyết, trí lực vào khoảng thời gian ở một mình đó hay không. Nếu có, chắc chắn thời gian một mình dù nhiều đến đâu cũng chẳng thể làm mất đi sự kết nối với bản thân bạn. Và vì thế, sự kết nối giữa bạn với thế giới cũng thêm phần bền chặt.

Còn ngược lại, nếu bạn chỉ nhìn nhận khoảng thời gian ở một mình là tín hiệu cho một trạng thái tâm lý bất ổn, hoặc không thực sự kết nối với nội tâm trong khoảng thời gian đó, chắc chắn dù sớm hay muộn, nội tâm bạn cũng sẽ trở nên ngột ngạt và liên tục đòi quyền tự do vốn có mà thôi.

Vậy nên, một mình không có nghĩa là tách biệt với thế giới. Được bao quanh bởi nhiều người nhưng vẫn luôn cảm thấy như chỉ có một mình mới thực sự là nỗi cô đơn đáng bận tâm.