Trẻ nhỏ không thích chơi cùng chúng bạn có đáng ngại?

Bi an huong noi anh 1

Cha mẹ không cần quá lo lắng khi con muốn chơi một mình. Ảnh: PNO.

Trên thực tế, trong mắt nhiều người lớn, một đứa trẻ chỉ bình thường khi chúng vui vẻ, hòa đồng vào một nhóm bạn. Ngược lại, sẽ là bất bình thường nếu đứa trẻ ấy luôn thích dành thời gian ở một mình hơn túm năm tụm ba như nhiều đứa trẻ cùng trang lứa. Hay sẽ là bất bình thường nếu đứa trẻ ấy chỉ thích ở “một mình” dù chẳng hờn dỗi hay xung đột với gia đình và thế giới ngoài kia. Khi được hỏi, chúng sẽ chỉ đáp: “Con thực sự thích ở một mình, không có lý do đặc biệt nào cả.”

Đây chính là điểm đặc biệt của một đứa trẻ hướng nội. Những đứa trẻ hướng ngoại có thích ở một mình không? Tất nhiên là có chứ. Nhưng chúng dường như luôn có ít nhất một lý do cho việc một mình. Có thể chúng muốn né tránh sự quản giáo, ánh nhìn soi xét từ gia đình, họ hàng; hoặc đơn giản là chúng thích chơi một mình trong một khoảng thời gian nhất định nào đó.

Trái lại, một đứa trẻ hướng nội không nhất thiết phải có lý do để ở một mình. Nếu có, cũng chỉ vì chúng thích và khao khát như vậy mà thôi.

Vì vậy, hãy tránh đưa ra những câu hỏi có thể khiến trẻ hướng nội cảm thấy không thoải mái như: “Tại sao con lại cứ lủi thủi một mình như vậy?”, “Có chuyện gì không hay đã xảy ra với con sao?” hoặc “Có phải con có chuyện gì buồn hay chán nản không?” v.v.

Hãy tinh ý và cảm nhận ngôn ngữ cơ thể của đứa trẻ ấy. Chúng có đang thoải mái với việc ở một mình không? Ánh mắt chúng có bừng sáng mỗi khi tự mình khám phá được một điều gì đó mới mẻ không? Chúng có chán nản hay cáu bẳn khi phải ở một mình quá lâu không? v.v.

Quan sát và lắng nghe chính là chìa khóa để tiếp cận một đứa trẻ hướng nội một cách an toàn và tự nhiên nhất. Người lớn chúng ta nhiều khi không thực sự tinh ý, cứ đánh giá về trẻ em và cho rằng đó chỉ là những lời bông đùa, vô thưởng vô phạt.

Trên thực tế, trẻ con hoàn toàn có thể cảm thấy tổn thương khi bị so sánh, đặc biệt là những đứa trẻ hướng nội nhạy cảm. Suy cho cùng, các cuộc thảo luận về trẻ hướng nội nên tập trung vào việc thấu hiểu và chấp nhận hơn là so sánh và hy vọng chúng thay đổi theo cách mà người lớn vẫn luôn cho là đúng.

Đôi khi, trẻ hướng nội chỉ bước ra khỏi vùng an toàn chậm hơn một chút so với các bạn cùng lứa mà thôi. Chúng sẽ thực sự tỏa sáng khi được là chính mình và có thể khám phá thế giới thỏa thích bằng nội tâm.

Không thể phủ nhận, một đứa trẻ hay người trưởng thành hoạt ngôn cũng sẽ có lúc thu mình trước những mảnh ghép mới lạ xuất hiện trong cuộc sống. Trẻ hướng nội sẽ cần nhiều thời gian hơn để hòa nhập với môi trường hoàn toàn mới.

Tôi còn nhớ hai cô em họ của mình. Chúng là những đứa trẻ sống nội tâm và khá khép kín. Điểm đáng chú ý ở đây là cô chị lại có phần sống thu mình hơn cô em.

Bố hai đứa từng ngậm ngùi kể với tôi rằng: “Con bé H cứ ở lì trên phòng suốt, ngay cả ra ngoài ngõ nó cũng không dám đi.” Bố nó còn nghiễm nhiên phỏng đoán: “Hình như con bé H nhà chú nó tự kỷ rồi cũng nên. Chẳng có đứa trẻ bình thường nào lại cứ im hơn thóc như thế.”

Tuy nhiên, sau khi thấy cô bé thoải mái cười đùa với các chị em trong nhà, tôi biết rằng em chỉ muốn mở lòng với những người thân quen thôi. Việc đi ra ngoài khiến em cảm thấy không thoải mái nên em mới thích ở trong phòng suốt như vậy.

Là một người hướng nội, tôi biết mình phải làm sao để có thể tiếp xúc và làm thân với một đứa trẻ như thế. Tôi từ tốn hỏi thăm và đem lại cho con bé cảm giác an toàn khi ở bên cạnh mình. Thế rồi nó cũng dần dần mở lòng, kể cho tôi những câu chuyện rất đáng yêu và chưa từng được chia sẻ với ai khác.

Đôi khi, chính cách tiếp cận sai lầm của người lớn khiến những đứa trẻ hướng nội bộc lộ cảm xúc không thoải mái của mình một cách tiêu cực. Nếu có thể, hãy tạo cho chúng một môi trường thoải mái và tự do trong khuôn khổ. Đó là bước đầu để thắt chặt sợi dây kết nối giữa người lớn và đứa trẻ ấy, cũng như giữa đứa trẻ ấy với thế giới ngoài kia.