Trải nghiệm của người mắc chứng sợ xã hội

chung so xa hoi anh 1

Ảnh minh họa. Nguồn: Freepik.

Con người không thể tách biệt khỏi xã hội để tồn tại độc lập. Bất cứ ai cũng phải tiếp xúc và giao lưu với người khác. Thế nhưng người mắc chứng sợ xã hội chỉ cần tiếp xúc với người khác lại nảy sinh tâm lý bất an tột độ, thậm chí bộc lộc những biểu hiện sinh lý như đỏ mặt tía tai và tim đập nhanh. Vậy bình thường những người mắc chứng sợ xã hội đối diện với việc giao tiếp như thế nào?

Hồng Dung là một người rất dễ đỏ mặt. Cô tạo cho mình thói quen lấy tóc che mặt để người khác không phát hiện ra nhược điểm ấy. Mỗi khi tiếp xúc với mọi người mà cảm thấy không thoải mái, cô sẽ lấy tóc che mặt và tránh nhìn vào mắt người khác. Dù vậy, cô vẫn rất để tâm tới trạng thái của mình và lo lắng về phản ứng của những người khác. Cô sẽ không ngừng suy nghĩ: “Họ có nhận ra mình đỏ mặt không? Họ đang nhìn gì vậy? Họ đang nghĩ gì vậy? Họ có đang giễu cợt mình không?”.

Suy nghĩ ấy càng kéo dài, Hồng Dung càng lo lắng, càng muốn thoát khỏi tình cảnh đó. Vậy nên cô vô thức đi lùi về sau. Khổ nỗi lúc này, mọi người sẽ càng tiến lại gần cô hơn, chủ yếu để tiện giao lưu hơn. Những hành động này ngày càng khiến Hồng Dung căng thẳng, cô cảm thấy mình và mọi người đều đang nhìn mình và phát hiện ra dáng vẻ lúng túng của mình. Vì vậy, tình hình ngày càng trở nên trầm trọng.

Trong cuộc sống hàng ngày, rất nhiều người mắc chứng sợ xã hội sẽ cố tránh gặp gỡ bạn bè hoặc tránh tham gia các hoạt động mang tính trang trọng nhất có thể. Nếu không thể tránh được, họ sẽ có những hành động giúp bản thân cảm thấy an toàn. Chẳng hạn: duyệt đi duyệt lại nội dung định nói trong đầu, kiểm tra đi kiểm tra lại xem nội dung đó có chính xác không, vội vàng vớ một vật gì đó để che một số bộ phận nhất định trên cơ thể, cố tình trang điểm đậm hoặc cúi gằm mặt xuống để không lộ gương mặt đỏ bừng; khi phải tham gia sự kiện nào đó thì luôn đến muộn hoặc về sớm để tránh phải trò chuyện với người khác…

Mỗi trải nghiệm xã hội đều là một thách thức đối với người mắc chứng sợ xã hội. Mỗi lần như thế, kỳ vọng cũng như đánh giá tiêu cực từ người khác sẽ ảnh hưởng đến lần giao tiếp tiếp theo của họ. Cứ như thế hình thành một vòng lặp ác tính, khiến họ khó bước ra khỏi khổ cảnh của việc giao tiếp xã hội.