Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ 10 của Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ngày 13/1/2025. Ảnh: Dương Giang/TTXVN. |
Trong tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về “tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” chủ trì Phiên họp thứ 10 của Ban Chỉ đạo.
Không tính việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, dự kiến bộ máy của Chính phủ sau khi sắp xếp có 22 bộ, cơ quan, gồm 17 bộ, cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ, cơ quan) và 5 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 3 cơ quan); giảm 13/13 tổng cục, 519 cục, 219 vụ, 3.303 chi cục, 203 đơn vị sự nghiệp công lập. Dự kiến, tổng biên chế giảm khoảng 20%.
Đối với việc sắp xếp tổ chức bộ máy ngành thanh tra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương rà soát, hoàn thiện các phương án trình Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương.
Trong tuần, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Phiên họp thứ 9, đánh giá kết quả triển khai công tác cải cách hành chính năm 2024, bàn phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Cao Huy cho hay kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy tại 63 tỉnh, thành phố đã tiếp tục giảm 12 tổ chức chi cục, phòng và tương đương của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh; giảm 29 tổ chức phòng và tương đương thuộc Ủy ban Nhân dân cấp huyện; lũy kế đến nay, đã giảm 13 sở và tương đương, 2.613 tổ chức cấp phòng và tương đương ở địa phương.
Tổng số biên chế được tinh giản theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ là 16.149 người (trong đó bộ, ngành là 217 người, địa phương là 15.932 người).
Tạo đồng thuận, đảm bảo công bằng, nhân văn, hài hòa
Bắc Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện hợp nhất Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Tỉnh ủy, tên gọi mới là Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Bắc Ninh.
Tương tự, trong tuần, Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng đã tổ chức công bố quyết định hợp nhất Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Dân vận Tỉnh ủy. Đây là đơn vị cấp tỉnh đầu tiên trong các cơ quan Đảng, chính quyền tỉnh Lâm Đồng tổ chức hợp nhất.
Để tạo thuận lợi cho công tác sắp xếp cán bộ, công chức trong cuộc “cách mạng” tinh gọn bộ máy, ở Nghệ An đã có hàng trăm đơn tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi. Điều này thể hiện sự tiên phong, gương mẫu hy sinh lợi ích của cá nhân trong cán bộ, đảng viên thực hiện chủ trương lớn của Đảng.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Nghệ An, cho biết thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao và Sở Du lịch hợp nhất thành Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An. Do đó, ông đã chủ động xin nghỉ hưu trước tuổi để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức, sắp xếp bộ máy.
Ông Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An. Nguồn: Báo Nghệ An. |
Tìm hiểu cách làm ở một số địa phương cho thấy các cấp, ngành đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Thời gian đầu, cán bộ, công chức cũng có nhiều tâm tư. Tuy nhiên, sau khi được huyện, ngành tuyên truyền, các đồng chí đã đồng thuận ủng hộ, chấp nhận hy sinh một phần quyền lợi cá nhân để đạt mục tiêu chung của tập thể. Điều này tạo đồng thuận trong việc sắp xếp, bố trí cũng như sự chủ động tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi của cán bộ, công chức.
Chia sẻ về nội dung tinh gọn bộ máy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái Nông Việt Yên cho biết cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong ngành đều đồng thuận và chấp hành nghiêm chủ trương tinh gọn bộ máy theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh ủy.
Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động này còn gặp khó khăn như: ngành văn hóa, thể thao, du lịch có chức năng quản lý khá rộng, nhiều lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi trình độ chuyên ngành cao nên khó tuyển dụng công chức, viên chức đúng chuyên môn để thay thế các vị trí dự kiến sẽ nghỉ công tác hoặc đang khuyết nhưng chưa tuyển dụng được. Lĩnh vực quản lý di sản, do bắt buộc phải giảm số lượng phòng chuyên môn nên được giao cho Phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình. Do vậy, Phòng này sẽ có chức năng, nhiệm vụ chiếm tới 50% chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của Sở.
Một số cán bộ, công chức có quyết định nghỉ và hưởng chế độ từ 1/1/2025 băn khoăn về chế độ áp dụng theo Nghị định 29/2023/NĐ-CP ngày 3/6/2023 của Chính phủ quy định “về tinh giản biên chế” chỉ được hưởng trợ cấp 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.
Ông Hà Xuân Khanh, Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) làm đơn xin nghỉ hưu trước 3 năm. Ảnh: TTXVN. |
Trong khi đó, theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 quy định chế độ hỗ trợ là 5 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. Điều này cần được các cấp nghiên cứu để có chế độ công bằng đối với tất cả cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy.
Vừa qua, Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng có công văn báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố đề xuất các chế độ, chính sách đối với người quản lý và người lao động khi tiến hành giải thể Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nhà xuất bản Tổng hợp Đà Nẵng (Nhà xuất bản Đà Nẵng).
Cụ thể, với người lao động công ty trên sẽ chỉ có 3 người được nhận hỗ trợ trên 10 triệu đồng, 3 người nhận hỗ trợ từ 1-5 triệu đồng và có 5 người không được nhận chế độ hỗ trợ.
Đối với người lao động của đơn vị khác với mức tiền lương và bảo hiểm xã hội tương tự khi sắp xếp tổ chức bộ máy thực hiện theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP thì sẽ nhận trợ cấp với tổng kinh phí gấp khoảng 41 lần. Vì vậy, Sở Nội vụ báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng quan tâm, chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu các quy định về nguồn thu, chi của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn để tham mưu nguồn kinh phí hỗ trợ thỏa đáng đối với người lao động. Điều này nhằm hài hòa trong thực hiện chế độ, chính sách các đối tượng khi sắp xếp, tránh so sánh, khiếu nại; đồng thời hỗ trợ người lao động dôi dư tìm việc sau giải thể.
Hoàn thiện phương án sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Phó trưởng ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW vừa ký công văn bổ sung, hoàn thiện phương án sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
Phó Trưởng ban Chỉ đạo của Chính phủ đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị của địa phương hoàn thiện Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy (kèm theo dự thảo quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị) theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương và định hướng của Ban Chỉ đạo của Chính phủ.
Đồng thời, chuẩn bị kỹ lưỡng phương án nhân sự, chế độ chính sách, trụ sở, tài chính, tài sản, trang thiết bị, con dấu và các điều kiện bảo đảm khác để trình cấp có thẩm quyền ban hành ngay sau khi Trung ương, Quốc hội thông qua…
Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của bộ, ngành. Cùng với việc giữ nguyên tên gọi một số bộ sau hợp nhất, trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo của Chính phủ đề nghị tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bên trong của một số bộ, cơ quan ngang bộ.
Trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, các cơ quan cần chú ý làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, chế độ, chính sách đối với cán bộ, bảo đảm duy trì và thực hiện tốt công việc thường xuyên, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ sắp tới.
Chủ trì Phiên họp thứ 10 của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW vào ngày 13/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến yêu cầu tiếp tục làm tốt công tác tư tưởng và chế độ, chính sách với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để giữ vững đoàn kết, thống nhất trong các cơ quan và giữ chân, thu hút được những người tài, người làm được việc, có năng lực, phẩm chất, uy tín.
Những ngày qua, thông tin về chủ trương sáp nhập tinh gọn bộ máy thường xuyên được nhắc đến trong câu chuyện của người dân thôn Nước Mát (xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái).
Bà Lương Thị Dung (thôn Nước Mát) cho biết theo dõi thông tin thời sự về việc tinh gọn bộ máy, bà tin tưởng vào chủ trương lớn của Bộ Chính trị. Theo bà, việc tinh giản biên chế sẽ tạo điều kiện cho những người thật sự có năng lực làm việc, các bạn trẻ có cơ hội phát triển. Việc sáp nhập sẽ tạo đòn bẩy để các đơn vị phát triển vượt bậc. Cuộc sống của người dân sẽ ngày càng được nâng cao. Thế hệ con cháu sẽ được thụ hưởng những thành quả từ chủ trương lớn này.
Kinh tế Việt Nam: Thăng trầm và Đột phá
Cuốn sách Kinh tế Việt Nam: Thăng trầm và Đột phá của Thủ tướng, Phó Giáo sư Phạm Minh Chính và Vương Quân Hoàng, khái quát bức tranh toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam từ khi giành được độc lập tới cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Qua đó, giúp bạn đọc hiểu tường tận về một giai đoạn thăng trầm và đột phá của kinh tế nước nhà. Cuốn sách là kết quả của sự đầu tư nghiêm túc với lượng thông tin phong phú, được sưu tầm, tuyển chọn và tính toán từ nhiều nguồn trong nước và nước ngoài trong khoảng thời gian dài.