Mỗi 5 tin tuyển dụng trực tuyến thì có 1 tin không thực sự tồn tại, khiến người tìm việc thêm phần thất vọng. Ảnh: ThisIsEngineering/Pexels. |
Không ít người từng trải qua cảm giác băn khoăn khi nhìn thấy một tin tuyển dụng với tiêu đề hấp dẫn, mức lương lý tưởng và môi trường làm việc chuyên nghiệp, nhưng lại nghi ngờ liệu công việc đó có thực sự tồn tại hay không. Đây là trải nghiệm phổ biến đối với nhiều người tìm việc hiện nay.
Nhiều tin tuyển dụng xuất hiện trong thời gian dài mà không có thay đổi gì. Những vị trí này được gọi là việc làm “ma” – công việc mà doanh nghiệp đăng tuyển nhưng không có ý định tuyển dụng thực sự.
Theo dữ liệu phân tích từ nền tảng tuyển dụng Greenhouse, 18-22% tin tuyển dụng trong năm 2024 là những vị trí không có thật, Wall Street Journal đưa tin.
Cảnh giác với việc làm “ma”, khi các công ty đăng tin tuyển dụng mà không có ý định thực sự tuyển dụng ứng viên. Ảnh: John Diez/Pexels. |
Tuyển dụng “ma” trong doanh nghiệp
Sự tồn tại của những công việc này không chỉ khiến người tìm việc thất vọng mà còn làm dấy lên sự hoài nghi đối với các nhà tuyển dụng, khiến quá trình tìm việc vốn đã khó khăn trở nên nặng nề và bất công hơn.
Thực tế, doanh nghiệp có nhiều lý do để đăng tải những công việc không có thật. Một số công ty muốn tạo ấn tượng rằng họ đang phát triển, hoặc giữ tin tuyển dụng để “chờ đợi” ứng viên xuất sắc. Ngoài ra, một số vị trí phải được đăng công khai để tuân thủ quy định pháp lý, dù công ty đã có sẵn ứng viên nội bộ hoặc qua giới thiệu.
Dữ liệu từ Greenhouse – nền tảng phục vụ hơn 7.500 khách hàng như J.D. Power, Major League Baseball và HubSpot – cho thấy gần 70% doanh nghiệp đã đăng ít nhất một tin tuyển dụng “ma” trong quý II năm ngoái. Đáng chú ý, 15% doanh nghiệp thường xuyên đăng tin tuyển dụng giả, với một nửa số tin này không nhằm mục đích việc tuyển dụng thực sự.
Sau hàng trăm đơn xin việc, Serena Dao nhận ra rằng đôi khi những tin tuyển dụng chỉ là những “vị trí ảo” không hề tồn tại trong thực tế. Ảnh: Anthony Baca Photography. |
Các ngành có tỷ lệ việc làm “ma” cao nhất bao gồm xây dựng, nghệ thuật, ẩm thực và pháp lý. Điều này cho thấy việc tìm kiếm việc làm không chỉ phụ thuộc vào năng lực của ứng viên mà còn bị ảnh hưởng bởi những chiến lược tuyển dụng không minh bạch từ phía doanh nghiệp.
Điển hình cho những khó khăn mà ứng viên gặp phải là câu chuyện của Serena Dao, sinh viên tốt nghiệp từ trường Kinh doanh Tepper thuộc Đại học Carnegie Mellon (Mỹ). Với mong muốn chuyển sang các vị trí quản lý trong ngành y tế hoặc công nghệ khí hậu, Serena đã nộp hơn 260 hồ sơ xin việc.
Thế nhưng, cô nhận lại 124 thư từ chối và không nhận phản hồi từ 116 công ty, ngay cả khi đã vượt qua nhiều vòng phỏng vấn và hoàn thành các bài kiểm tra kéo dài hàng giờ. Điều này khiến cô không khỏi nghi ngờ liệu những vị trí đó có thực sự tồn tại hay chỉ là những công việc “ma”.
May mắn thay, cơ hội cuối cùng đã mỉm cười với Serena khi cô ứng tuyển vào The Engine – một vườn ươm khởi nghiệp tại Boston thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ). Nhờ mối quan hệ với công ty mà cô từng làm nghiên cứu sinh trước đây, Serena được giới thiệu đến nhà tuyển dụng và có được công việc mong muốn. Trải nghiệm này khiến Serena nhận ra rằng các công ty hiện nay tìm kiếm ứng viên “đạt 120%, không chỉ là 100%”.
Nhận diện tin tuyển dụng ‘ma’
Tuy nhiên, không phải ứng viên nào cũng may mắn như Serena. Trên thực tế, không dễ để nhận biết một tin tuyển dụng có phải là việc làm “ma” hay không. Những tin tuyển dụng không ghi rõ thời gian đăng tải hoặc đã xuất hiện từ nhiều tháng trước thường là dấu hiệu đáng ngờ.
Bên cạnh đó, các tin tuyển dụng trên nền tảng như Indeed nhưng không xuất hiện trên website chính thức của công ty cũng cần được xem xét cẩn trọng.
Giải pháp từ các nền tảng như Greenhouse và LinkedIn giúp nâng cao tính minh bạch trong tuyển dụng, bảo vệ ứng viên khỏi công việc “ma”. Ảnh: LinkedIn. |
Theo Peter Duris, CEO của Kickresume – một trang web sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để điều chỉnh hồ sơ xin việc – ứng viên nên chủ động gọi điện trực tiếp đến công ty để kiểm tra mức độ nghiêm túc của nhà tuyển dụng.
Nhận thức được những bất cập này, các nền tảng tuyển dụng lớn như Greenhouse và LinkedIn đã nỗ lực tăng cường tính minh bạch. Greenhouse triển khai huy hiệu xác nhận dành cho những doanh nghiệp có quy trình tuyển dụng rõ ràng và gửi thư từ chối thay vì “bỏ rơi” ứng viên.
LinkedIn cũng áp dụng nhãn “đã xác thực” cho các tin tuyển dụng thật. Những giải pháp này không chỉ giúp ứng viên tiết kiệm thời gian và công sức mà còn góp phần xây dựng niềm tin giữa người lao động và nhà tuyển dụng.
Ưu tiên nhân viên tài năng hay thâm niên?
Có bao nhiêu người trong số nhân viên của bạn mà nếu tuyển dụng lại bạn sẽ chọn họ? Bao nhiêu trong số họ chỉ dừng ở mức tầm trung và bao nhiêu người bạn chỉ đang chịu đựng? Đó cũng là câu hỏi khiến hai tác giả Andreas Krebs và Paul Williams phải băn khoăn trong cuốn Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại.