Nhiều người cho rằng tắm đêm có thể gây ra đột quỵ. Ảnh: Freepik. |
Thời gian gần đây, thời tiết các tỉnh miền Nam đang trong đợt nóng gay gắt với nền nhiệt ban ngày đo được lên tới 37-38 độ C. Nhiệt độ thực tế cảm nhận có thể còn cao hơn.
Song song với đó, miền Bắc cũng bắt đầu buớc vào mùa nắng nóng. Thời tiết này khiến nhiều người khó chịu, thay đổi thời gian và thói quen tắm rửa hàng ngày, nhịp sinh hoạt cũng đảo lộn.
Suýt đột quỵ vì tắm nước lạnh buổi đêm
Ngọc Mai (24 tuổi, TP.HCM) bắt đầu có thói quen tắm ngay trước khi đi ngủ. Do máy lạnh đã hỏng, thời tiết nóng bức, tắm đêm là cách duy nhất giúp cô gái dễ ngủ.
“Thời tiết quá nóng ở TP.HCM gần đây khiến mình không ngủ được. Hầu như năm nào vào thời điểm này mình cũng thay đổi thói quen sang tắm buổi đêm cho dễ ngủ hơn”, Mai cho hay.
Mỗi lần tắm đêm, cô tắm hoàn toàn với nước lạnh và gần như chỉ tắm sau khi hoàn thành công việc và đêm muộn. Cô gái ý thức rõ đột quỵ xảy ra khi bước vào phòng máy lạnh ngay sau khi tắm. Do đó, chiếc điều hòa đã hỏng, nhiệt độ phòng vừa phải khiến Mai không mảy may lo lắng.
Một tuần trước, Mai đột ngột có hiện tượng đau đầu sau khi tắm. Cơn đau đầu chỉ kéo dài trong thoáng chốc nhưng cũng đủ khiến cô gái 24 tuổi giật mình nhớ đến nguy cơ đột quỵ. Cô chuyển sang tắm sớm hơn, trước 22h, tắm nhanh trong vòng 10 phút và tắm với nước ấm hơn.
Quy tắc tắm đêm an toàn
Chia sẻ với Tri thức – Znews, trung tá, thạc sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), không khuyến khích mọi người tắm đêm vì có thể gây ra nhiều rối loạn không tốt lên cơ thể.
Tuy nhiên, tắm đêm không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra đột quỵ. Tắm đêm không đúng cách mới là nguyên nhân thúc đẩy các yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng cấp cứu khẩn này.
Đột quỵ hay tai biến mạch máu não thường xảy ra đột ngột khi nguồn máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn, gián đoạn hoặc suy giảm. Khi đó, não bị thiếu oxy, dinh dưỡng và các tế bào của cơ quan này bắt đầu chết trong vòng vài phút.
Người bị đột quỵ có nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời. Đây là một trong những bệnh lý thần kinh nguy hiểm và phổ biến nhất.
“Điều quan trọng là mọi người cần tránh sự thay đổi đột ngột giữa trong và ngoài cơ thể khi tắm. Khi điều này xảy ra, mạch máu co lại. Lúc này, những người khoẻ mạnh bình thường cũng xuất hiện các dấu hiệu mệt mỏi. Đối với những người có bệnh nền, người có nguy cơ như người già, điều này có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ”, bác sĩ nhấn mạnh.
Trong trường hợp cần phải tắm đêm, mọi người nên tuân thủ 5 quy tắc sau đẻ hạn chế đột quỵ.
Đầu tiên, mọi người không nên tắm trước khi đi ngủ 2 giờ, không nên tắm quá khuya. Lúc này, cơ thể đã chuẩn bị vào cơ chế nghỉ ngơi, việc tắm rửa có thể gây ra một số rối loạn không tốt.
Thứ hai, dù trong mùa nóng, nhiệt độ nước vẫn nên duy trì trong khoảng 30-35 độ C, không tắm với nước quá lạnh.
Thứ ba, mọi người nên tắm từ từ, từ dưới lên để cơ thể thích nghi với nhiệt độ nước, tránh dội nước bất ngờ từ trên xuống.
Thứ tư, mọi người tuyệt đối không tắm sau khi sử dụng rượu bia.
“Bản thân rượu bia vốn dĩ đã gây ra những rối loạn điều nhiệt của cơ thể. Tắm sau khi sử dụng rượu bia có thể gây thay đổi nhiệt đột ngột trong cơ thể, tăng nguy cơ đột quỵ”, bác sĩ Nghĩa phân tích.
Cuối cùng, bác sĩ Nghĩa lưu ý mọi người tuyệt đối không bước vào phòng điều hoà quá lạnh ngay sau khi tắm.
Không có nghề nào tuyệt vời hơn nghề y
Nghề bác sĩ vất vả về mặt thời gian, tổn hao nhiều năng lượng và cảm xúc. Thế nhưng, trên thế gian này, không có nghề nào tuyệt vời hơn nghề y. Chạy trời không khỏi đau là tập hợp các ghi chép của tác giả Adam Kay trong 6 năm hành nghề y từ 2004 đến 2010, cuốn sách là bản báo cáo không khoan nhượng về công việc của đội ngũ y tế của Vương quốc Anh đang làm việc ngày đêm nhưng chưa được nhìn nhận và tôn trọng đúng mức.