9h sáng thứ Sáu, Hoàng Hải (31 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội), trưởng phòng kinh doanh, thở dài khi văn phòng chỉ có 3/10 nhân sự. Sau khi kiểm tra hệ thống theo dõi nhân viên, hộp thư điện tử, anh nắm được thông tin rằng 7 người còn lại đều đăng ký work from home (làm việc tại nhà).
Công ty của Hoàng Hải xây dựng môi trường làm việc hybrid (kết hợp làm từ xa và tại văn phòng), đồng thời loại bỏ hoàn toàn máy chấm công. Lãnh đạo cấp cao cho rằng thiết bị chấm công chỉ tạo ra thái độ đối phó, không thực sự gia tăng năng suất.
Tuy nhiên, công tác quản lý của Hoàng Hải gặp nhiều khó khăn khi thiếu quy định về thời gian, không gian làm việc cụ thể. Theo chính sách của doanh nghiệp, nhân sự của anh có quyền đăng ký 2 ngày làm việc ở nhà trong tuần.
Các doanh nghiệp đang dần loại bỏ hình thức chấm công truyền thống để giữ chân nhân sự. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Chấm công đã là hình thức khai báo về sự hiện diện tại chỗ làm của nhân sự, được các doanh nghiệp áp dụng trong suốt thời gian dài.
Việc chấm công từng được xem là cách giúp các lãnh đạo dễ quản lý nhân viên. Căn cứ vào bảng chấm công hàng tháng chủ doanh nghiệp cũng như bộ phận nhân sự, kế toán sẽ có thể nắm được chi tiết số ngày, số giờ làm việc của mỗi người lao động.
Tuy nhiên, khi môi trường làm việc có nhiều chuyển biến, nhiều nhân viên cảm thấy máy chấm công đang khiến họ bí bách, việc chấm công đúng giờ không thể hiện đúng năng lực, hiệu suất làm việc, tâm huyết của họ dành cho doanh nghiệp.
Trước áp lực giữ chân nhân sự, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang dần chuyển đổi hoặc loại bỏ hình thức chấm công truyền thống. Tuy nhiên, thay đổi này cũng khiến các quản lý gặp không ít khó khăn.
Quản lý bối rối
Để tránh ảnh hưởng đến công việc chung của bộ phận, Hải yêu cầu nhân sự có mặt tại văn phòng vào thứ Hai để họp giao ban, triển khai các đầu việc trong tuần. Vì thế, nhân sự của anh thường đăng ký làm online vào nửa cuối tuần, dồn với lịch nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật.
Theo thống kê của trưởng phòng này, thứ Sáu là ngày có nhiều nhân viên đăng ký làm từ xa nhất. Thông thường, chỉ 50% nhân sự có mặt tại văn phòng trong ngày này. Đỉnh điểm, phòng ban của anh chỉ có 2-3 nhân viên ngồi giữa 10 bàn làm việc trống.
Đề cao sự linh động về mặt thời gian, nhân sự của Hoàng Hải cũng không cần chấm công khi đến và lúc rời khỏi công ty. Họ chỉ phải đảm bảo xuất hiện trước giờ họp, do đó thường có mặt vào những khung giờ khác nhau, gây xao nhãng không khí làm việc chung.
Nhiều nhân sự phòng kinh doanh chỉ đến vào khung giờ ăn trưa, ở văn phòng 1-2 tiếng đồng hồ rồi vội về. Với đặc thù công việc phải gặp gỡ khách hàng, họ lấy lý do đi tiếp khách, khiến Hải khó cấm cản.
Duy Anh thường xuyên phải chấn chỉnh tác phong làm việc của nhân sự. Ảnh: NVCC. |
Một người ra về ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của bộ phận, khiến cả phòng muốn nhanh chóng kết thúc công việc.
“Tôi không hài lòng với thái độ này, nhưng khó mở lời chấn chỉnh vì nhân viên không vi phạm nội quy công ty”, Hoàng Hải nói.
Nơi làm việc của Duy Anh (31 tuổi, quận 10, TP.HCM), quản lý phòng marketing, đã không sử dụng máy chấm công nhiều năm qua.
Tuy nhiên, Duy Anh đưa ra quy định nhân viên đều phải có mặt làm việc mỗi ngày, nếu đăng ký work from home phải báo trước cho anh 1 ngày. Bên cạnh đó, số ngày làm việc tại nhà của một người tối đa là 4 ngày/tháng.
“Việc chấm công là không cần thiết, chỉ mang hình thức đối phó. Tôi muốn nhân viên xây dựng tính tự giác và hiểu được tầm quan trọng của việc đến công ty làm việc”, anh nói.
Việc không có máy chấm công khiến nhân sự đỡ áp lực về mặt thời gian. Cấp dưới do anh quản lý được thong thả đến công ty trước 10h. Tuy nhiên, nếu không thường xuyên nhắc nhở, nhân sự của anh cũng dễ rơi vào tình trạng chểnh mảng, ung dung đến công ty vào trưa hoặc đầu giờ chiều.
“Tôi thỉnh thoảng vẫn phải nhắc nhở mọi người đi làm đúng giờ. Không thể vì công ty không chấm công mà nhân sự muốn đi làm giờ nào cũng được”, anh nói.
Nhân viên hào hứng
“Tương lai của công việc ngày càng nghiêng về các lựa chọn làm việc từ xa và linh hoạt. Các công ty không thích ứng được với xu hướng này có nguy cơ mất đi những nhân tài hàng đầu”, đó là nhận xét của bà Elena Chow, nhà sáng lập của công ty công nghệ tài chính ConnectOne, nhận định.
Theo Báo cáo Nhân tài Khởi Nghiệp Đông Nam Á 2024 do công ty tuyển dụng Glints thực hiện, cho thấy sắp xếp công việc linh hoạt, bao gồm mô hình hybrid, là yếu tố hàng đầu để giữ chân nhân tài.
Bắt đầu công tác tại một doanh nghiệp công nghệ từ sau Tết Nguyên đán, Trang Anh (25 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội), nhân viên thiết kế, cho biết cô ứng tuyển vào công ty này vì mô hình làm việc linh hoạt không gian, thời gian.
Trang Anh ưu tiên ứng tuyển vào những công ty có mô hình làm việc linh động, không sử dụng máy chấm công. Ảnh: NVCC. |
Tốt nghiệp đại học và gia nhập thị trường lao động vào thời kỳ đại dịch Covid-19, Trang Anh xây dựng thói quen làm việc online trong 3 năm nay.
Cô chỉ ứng tuyển vào những đơn vị triển khai mô hình làm việc remote (từ xa) hoặc hybrid (kết hợp giữa lên văn phòng và ở nhà). Cô và nhiều bạn bè đồng trang lứa chưa từng tiếp xúc với máy chấm công.
Trụ sở công ty mới cách nhà Trang Anh hơn 10 km, do đó cô chỉ đến văn phòng 2 lần trong hơn 1 tháng làm việc. Nhân viên thiết kế này chủ yếu sử dụng mail, tin nhắn để trao đổi với đồng nghiệp và sếp.
Hàng ngày, Trang Anh thức dậy từ 8h sáng và ngồi vào bàn làm việc luôn. Cô không mất thời gian, công sức di chuyển quãng đường 10 km, tránh đối mặt với tình trạng kẹt xe, “mua bực vào người” trước khi bắt đầu ngày làm việc mới.
Đặc thù công việc của Trang Anh cũng yêu cầu tính sáng tạo cao. Cô thừa nhận không thể đem đến sản phẩm ấn tượng nếu luôn lo lắng về thời gian chấm công.
“Tôi thường thức muộn làm việc để phát huy trí tưởng tượng vào ban đêm. Như vậy, máy chấm công không thể đo lường chính xác thời gian cống hiến của tôi”, nhân viên thiết kế 25 tuổi chia sẻ với Tri thức – ZNews.
Trong khi đó, Uyên Kha (25 tuổi, quận 3, TP.HCM), nhân viên truyền thông, cho biết nhiều lần muốn nghỉ việc tại công ty cũ vì luôn bị trừ lương nếu đi làm trễ.
“Chính sách hà khắc trong việc chấm công của công ty là điều khiến tôi muốn từ bỏ công việc nhất. Chỉ cần đi làm trễ 15 phút, tôi phải viết mail giải trình, CC cho sếp và nhân sự, chưa kể còn phải đóng phạt cho mỗi lần”, Kha bức xúc.
Kha cho rằng công việc của cô cần không gian sáng tạo, thay vì phải ngồi 8 tiếng ở văn phòng, e dè nhìn sếp từ bàn đối diện.
Từ khi chuyển sang công ty mới, cô đề cao việc nhân sự không phải chấm công. Lương thưởng mỗi tháng đều được đo lường qua KPI, báo cáo tuần, quý. Kha vẫn phải có mặt tại công ty mỗi ngày, song không còn cảnh hớt hải mỗi buổi sáng.
“Để giữ chân nhân sự, tôi nghĩ các công ty nên sớm loại bỏ hình thức chấm công truyền thống”, cô nói.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.