Thế giới của những gánh xôi, xe phở, quán bún chả vùng Ông Tạ xưa

Khi nhớ về một xứ sở thân yêu, ta nhớ gì nhiều nhất? Đâu phải chỉ là những địa danh nổi tiếng, bề thế mà người ta hay check-in! Ta nhớ nhiều những thứ nhỏ nhắn, “quê mùa” hơn, như thúng xôi vỉa hè, hay một xe phở đêm khuya thơm lừng…

Viết về xứ Ông Tạ, Sài Gòn – nơi dân Bắc 54 di cư tới lập xóm làng, sống giữa miền Nam và tạo nên nhiều nét văn hóa đặc biệt – có nhà báo Cù Mai Công, đã ra mắt đến tập thứ 3 của bộ Sài Gòn một thuở – Dân Ông Tạ đó!.

Dan Ong Ta anh 1

Nếu tập 1 tập trung vào những câu chuyện lịch sử và địa lý, tập 2 tập trung vào Tết ở Ông Tạ và những thị dân tiếng tăm (văn nghệ sĩ, lính tráng, doanh nhân…) thì tập 3 này lại là về những điều… bình thường, nhỏ bé hơn, đôi khi còn không tên.

Đó là về mâm cơm gia đình, những món ăn Ông Tạ, những ông lão, bà lão buôn thúng bán bưng, là giọng nói Ông Tạ, là mái trường trên đất sình lầy xưa. Mà hoá ra, chính những thứ bình thường, quê mùa đó lại dễ “đánh gục” cảm xúc nhất, dễ khiến người đọc vấn vương, lưu luyến nhất…

Miếng ăn và con người cần lao xưa

Cù Mai Công đưa bạn đọc vào thế giới của bao la những gánh xôi, xe phở, quán bún chả, bánh cuốn, quán canh bún, quán bánh cuốn nóng, rồi xe cháo huyết, mâm quả cưới, kẹo lạc… Biết bao miếng ăn đạm bạc thuở nào, giờ được miêu tả lại, làm sắc màu, mùi vị, hương thơm vương đầy những trang sách.

Chẳng hạn, mâm cơm Ông Tạ hay có rau muống, vì sao? Vì xứ đó có cánh đồng An Lạc bao la, trồng được nhiều rau muống, làm nên những bữa cơm của con người thuở di cư nghèo khó. Đọc vừa thấy thương, vừa thấy buồn.

Suốt những miêu tả ẩm thực trong sách, Cù Mai Công như một nhà phê bình ẩm thực tuy không chuyên nhưng hết mực kỹ tính. Ví dụ, thế nào là xôi Nam Thái, xôi Ông Tạ? Hãy nghe tác giả nhắc: “Hạt xôi dẻo nhưng không nhão; hạt đậu xanh, đậu phộng mềm mà không nát; màu gấc tươi chứ không tái, vị ngọt nhẹ thơm thoảng nước cốt dừa”.

Còn tô phở như thế nào là tuyệt hảo? “Nước dùng thanh, ngọt nhẹ, ít béo; bánh phở mềm mà không nát; tô phở vừa đủ, không tú hụ thịt bánh, màu mỡ… Ăn xong đứng lên, bụng vẫn lưng lửng, miệng vẫn thòm thèm”…

Thế đấy, món Ông Tạ xưa thanh lành, nền nã, không quá ngập ngụa gia vị như quán xá bây giờ. Những món đó lưu giữ có một chút… khó tính lẫn phong lưu của người Hà Nội xưa, yêu cầu cao về chất lượng nguyên liệu lẫn sự vừa vặn, hài hoà của hương vị.

Ẩm thực Ông Tạ cũng nói lên nhiều khía cạnh khác về những người tạo nên chúng. Đó là lớp người lao động di cư, tạo dựng trên vùng đất mới bằng gánh hàng rong, xe đẩy, “rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm”, “mưa năm dãi dầu bao nhiêu năm tháng”.

Còn rất nhiều sự miêu tả, hồi ức về những nhân vật đời thường khác, ông giáo Dũng, võ sĩ Lý Tiểu Quảng, bà Rật xóm Mắm… Họ chỉ là những người bình thường, nhưng đại diện cho các lớp người khác nhau của thời kỳ đó, hiện lên với nét phẩm cách tảo tần, chăm chỉ, kiêu mạn…

Nỗi nhớ thuở còn “nhà quê”

Giống với những tập sách trước, Sài Gòn một thuở – “Dân Ông Tạ đó!” tập 3 được viết với chan chứa niềm hoài niệm ngậm ngùi về những thứ đã xưa, nay tuy chưa mất hẳn, nhưng cũng không còn dễ tìm.

Đọc sách, tôi nghĩ nhiều đến lời của nhà văn Hoài Thanh: “Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Xã hội luôn ào ào tiến về phía trước, mà muốn tiến lên nhanh thì phải bề thế, phải hoành tráng, phải sản xuất hàng loạt… Nhưng hẳn người Việt ngày nay vẫn nhớ thứ nhà quê, cần lao, cũ kỹ nhiều biết bao nhiêu.

Như tác giả Cù Mai Công, mỗi khi ăn một hàng bánh cuốn không đúng vị của Sài Gòn hôm nay, vẫn tần ngần nhớ về hương vị xưa, “nhớ những tấm bánh cuốn mỏng mảnh của lò làm bánh cuốn Thanh Trì”, “nhớ quán bánh cuốn nước mắm cà cuống gần hãng bong bóng Thanh Dung”…

Hoặc như lời kể trong sách, có người Ông Tạ đi nước ngoài nay trở về, vẫn “để mình lang thang qua các khu ngõ ở vùng Ông Tạ thấy gì ăn đó”, cố tìm lại cái chất phở quê lâu ngày thiếu thốn.

Nhà văn Nguyên Ngọc, khi viết về Hội An của ông, cũng từng thiết tha một nỗi nhớ tương tự – nhớ về một ông lão chuyên gánh món “xíu mà” trên phố cổ: “Tôi có một mong ước: Hội An có một bảo tàng văn hóa. Và đến đó, ta có thể chiêm ngưỡng chiếc đòn gánh mòn vẹt của ông già xíu mà của chúng tôi” (trích Tản mạn Hội An).

Cái đòn gánh mòn vẹt của một ông già, gánh xôi của bà lão hay cái xe chè nhỏ… – chính những cái quê mùa, cần lao đó – mới thật sự làm nên hồn cốt của một vùng đất, một xứ sở.

Ta tự hỏi, làm sao những thứ rất bình dị, rất Việt Nam ấy được giữ gìn nguyên vẹn qua thời gian, chứ không chỉ hiện ra mơ màng trong khung trời hoài niệm hôm nay?