Thái Lan, Singapore ứng dụng công nghệ vào du lịch ra sao?

Singapore, Thái Lan là hai trong số quốc gia tại khu vực Đông Nam Á đón lượng khách quốc tế vượt trội. Ảnh: @zaobaosg.

Khi thế giới thoát khỏi đại dịch, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam là 5 nước tại Đông Nam Á chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của các doanh nghiệp trực tuyến, thu hút đầu tư vào công nghệ kỹ thuật số, theo Mayank Dayal, nhà khoa học dữ liệu và quản trị máy học tại ngân hàng DBS.

Trong đó, Singapore, Thái Lan là hai quốc gia đạt con số ấn tượng về lượng khách quốc tế năm 2023 nhờ các biện pháp kích cầu du lịch hiệu quả và áp dụng sớm công nghệ vào du lịch.

Song, ngành du lịch tại xứ sở chùa Vàng, đảo quốc sư tử nói riêng và một số quốc gia thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) nói chung vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn so với thời điểm trước dịch. Trong khi các châu lục khác ghi nhận mức hồi phục đáng kể, lên đến 94% với châu Âu, và 90% với châu Mỹ, theo UNWTO.

Cụ thể, theo Tổng cục Du lịch Singapore (STB), nước này ghi nhận đón 13,6 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023. Với con số này, du lịch Singapore phục hồi khoảng 71% so với trước đại dịch.

Còn Thái Lan, Ủy ban Chiến lược Quyền lực mềm quốc gia (NSPSC) chi hơn 5 tỷ baht (gần 143 triệu USD) thúc đẩy quyền lực mềm trên 11 lĩnh vực, tạo doanh thu cho du lịch và các ngành liên quan. Tuy nhiên, con số thu về chỉ khoảng 23,4 triệu lượt khách quốc tế năm 2023. Cuối năm ngoái, chính phủ nước này đã lên kế hoạch “tái khởi động ngành du lịch” với 10 biện pháp nhằm đón 40 triệu lượt khách quốc tế (tức phục hồi 100% so với mức trước dịch) trong năm nay.

du lich so anh 1

Singapore nỗ lực tạo ra sản phẩm ứng dụng công nghệ để hút khách. Ảnh: @mightyfineshindig.

Tuy nhiên, trong bài phân tích ngắn về tình hình du lịch khu vực châu Á, tờ Yahoo Finance tin rằng châu lục có diện tích lớn nhất thế giới vẫn đầy tiềm năng phát triển du lịch dù nơi đây chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 đầu tiên. Bằng chứng là châu Á vẫn có 8/10 nơi lọt vào danh sách điểm đến hàng đầu năm 2024 của Tripadvisor do độc giả trên toàn thế giới bình chọn.

Hướng đến mục tiêu hồi phục hoàn toàn ngành du lịch vào năm 2024, Thái Lan và Singapore đều chú trọng đẩy mạnh phát triển nền tảng công nghệ.

Vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là xứ sở chùa Vàng và đảo quốc sư tử – hai quốc gia thuộc top đầu về thị phần khách quốc tế năm 2023 – đang chạy đua ra sao trên con đường ứng dụng công nghệ vào du lịch? Và định hướng phát triển nền tảng du lịch số của cả hai nước khác nhau như thế nào?

Nền tảng công nghệ tích hợp

So với Thái Lan, Singapore đi trước một năm khi nhắc đến ứng dụng du lịch quốc gia.

Theo ông Mayank Dayal, công nghệ kỹ thuật số đóng một vai trò quan trọng trong việc thu thập một lượng lớn thông tin. Thông qua dữ liệu khai thác được, đội ngũ IT có thể tạo ra các giải pháp sáng tạo nhằm nâng cao trải nghiệm tổng thể cho khách du lịch, cũng như tối ưu hóa hiệu quả hoạt động cho các doanh nghiệp và định hình các mô hình kinh doanh mới trong ngành du lịch Singapore.

Vị này cho rằng có 8 loại hình có thể áp dụng công nghệ trong ngành du lịch:

1. Đặt vé, phòng khách sạn trực tuyến

2. Đề xuất được cá nhân hóa

3. Ứng dụng di động

4. Phần mềm dịch thuật tự động

5. Bản đồ kỹ thuật số và GPS

6. Giải pháp thanh toán kỹ thuật số

7. Bảo mật nâng cao

8. Giải quyết khủng hoảng du lịch.

Năm 2022, Ủy ban Du lịch Singapore (STB) tích hợp 8 tính năng này vào chung một ứng dụng, mang tên Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Du lịch (TIH – Tourism Information & Service Hub).

Theo trang web chính thức của TIH, đây là nền tảng tài nguyên kỹ thuật số một cửa giúp các doanh nghiệp lữ hành tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc bằng cách cung cấp nội dung cập nhật về các sản phẩm, dịch vụ phần mềm du lịch.

Các doanh nghiệp có thể tiếp cận, tìm nội dung ứng với nhu cầu tiếp thị và đổi mới của doanh nghiệp thông qua API (giao diện lập trình ứng dụng).

Người dùng cũng có thể kết nối với các doanh nghiệp du lịch để hợp tác. TIH đặt mục tiêu xây dựng một ngành du lịch Singapore sôi động và sáng tạo thông qua sự hợp tác, đồng sáng tạo và đổi mới.

Nền tảng hỗ trợ dịch thuật 4 thứ tiếng: Anh, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Ngoài ra, TIH còn hỗ trợ hiển thị sản phẩm, điểm đến theo dạng 3D, giúp doanh nghiệp/dự án tiết kiệm chi phí xây dựng môi trường thực tế ảo mở rộng (XR).

Ra mắt năm 2023, ThailandCONNEX – nền tảng du lịch quốc gia của Thái Lan do Cơ quan Xúc tiến kinh tế số Thái Lan (DEPA) triển khai – cũng có nhiều điểm tương đồng với TIH của Singapore.

Theo đó, cả hai ứng dụng đều hướng đến việc xây dựng một trung tâm tập hợp và lưu trữ dữ liệu người dùng, doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ du lịch, điểm đến,… đáng chú ý là phân tích hành vi, xu hướng và sở thích của du khách. Từ đó, đơn vị làm việc trong ngành du lịch có thể lên ý tưởng thiết kế sản phẩm du lịch, triển khai kế hoạch quảng bá hiệu quả thông qua dữ liệu thu thập được.

Về phía TIH, nền tảng này nhỉnh hơn ThailandCONNEX nếu so kè về trải nghiệm người dùng. Bằng chứng là TIH cung cấp hơn 14.000 hình ảnh, video, thậm chí xây dựng tài nguyên mô hình 3D kỹ thuật số miễn phí bản quyền, giúp tăng tính thẩm mỹ cho điểm đến, sản phẩm du lịch của doanh nghiệp, thúc đẩy lượng khách truy cập và tăng cường mức độ tương tác sau chuyến thăm, cũng như thu hút khách hàng.

2024 hướng đến thị trường trẻ trung bằng du lịch ảo

Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình số hóa và sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số trên toàn thế giới bao gồm cả Đông Nam Á.

Đây là nhận định của TS. Beh Swan Gin, Thứ trưởng thường trực phụ trách phát triển Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore, trong một bài phỏng vấn năm 2021 của Trường Cao đẳng Dịch vụ Dân sự Singapore.

Sự bùng nổ của vũ trụ tiền ảo (metaverse) khiến các nhà chức trách một số nước cân nhắc áp dụng chúng vào ngành du lịch với hy vọng sẽ thu về quả ngọt.

Năm 2022, Nithee Seeprae – Phụ trách nghiên cứu và phát triển kỹ thuật số, Tổng cục Du lịch Thái Lan – cho rằng NFT (một loại token mã hóa trên blockchain) và metaverse là cách để du lịch tiếp cận nhóm khách hàng gen Z, tức những người sinh từ năm 1997 đến 2012, nếu ngành du lịch nước này mất nhiều thời gian để đạt con số 40 triệu lượt khách như trước đại dịch.

Tổng cục Du lịch Thái Lan tiết lộ chính phủ đang thực hiện và sắp cho ra mắt nhiều dự án khác nhau như cho phép khách du lịch sử dụng token kỹ thuật số để mua sắm, đơn cử là dự án “Thành phố Metaverse Phuket” hay nền tảng vũ trụ ảo Amazing Thailand.

Nhận định về việc áp dụng metaverse trong du lịch, ông Garth Simmons, Giám đốc phụ trách Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tập đoàn khách sạn Accor, cho rằng không thể “một sớm một chiều” đánh giá ngay hiệu quả cụ thể của vụ trụ ảo trong việc phát triển du lịch. Song, vị này khẳng định metaverse là một phần trong cuộc sống và đại diện cho sự phát triển của con người.

Nhằm cập nhật xu thế du lịch trong nước và quốc tế, cũng như nâng cao kiến thức và năng lực tiếp thị, truyền thông cho các doanh nghiệp du lịch, Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với Tạp chí Tri Thức – ZNews và Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis Adventure) tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi mô hình kinh doanh du lịch để theo kịp xu hướng trên thế giới”.

Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, ban, ngành liên quan cùng nhiều đơn vị kinh doanh du lịch trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp khai thác thị trường khách quốc tế. Thông qua hội thảo, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý sẽ cùng thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm thích ứng với những thay đổi trên thị trường, trong đó có xu hướng chuyển đổi từ mô hình B2B thành B2C để đến gần hơn với du khách, từ đó thu hút khách du lịch đến TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Sự kiện diễn ra ngày 4/4 tại Khách sạn Majestic TP.HCM.

Toàn bộ sự kiện sẽ được livestream trên kênh YouTube Du lịch TP.Hồ Chí Minh và dẫn lại trên Tạp chí Tri Thức – Znews.

Cách du lịch Việt Nam ‘bắt tay’ công nghệ

Việt Nam đang hướng đến phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách trong thời đại số, đồng thời thúc đẩy du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn.

Việt Nam ‘chạy’ ra sao trong cuộc đua giành khách MICE quốc tế?

Theo chuyên gia, Việt Nam nên chú trọng vào nhóm khách MICE từ Nam Á như Pakistan, Sri Lanka và đặc biệt là thị trường có mức chi cao – Ấn Độ.