Chi phí nhiên liệu tăng khiến người sở hữu xe hơi lo ngại. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
“Mua thì dễ, ‘nuôi’ ôtô mới khó”, Tùng Vũ (29 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) nhận định.
Mở ứng dụng quản lý tài chính cá nhân trên điện thoại, Tùng nhận thấy chi phí “nuôi” ôtô trong tháng 2 vừa qua lên đến gần 7 triệu đồng. Số tiền này tương đương với khoản chăm sóc xe máy trong một năm.
Tậu chiếc Toyota Innova 2.0G với giá 1 tỷ đồng nhờ bố mẹ hỗ trợ vào năm ngoái, Tùng Vũ được bạn bè cảnh báo về hàng loạt loại phí duy trì hoạt động của xế hộp.
Tuy nhiên, anh vẫn bất ngờ khi lập tức phải đóng tiền đăng kiểm, bảo hiểm, lên đến gần 15 triệu đồng/năm, ngay khi rinh xe về.
Bên cạnh các chi phí cố định này, xăng cũng là mục tốn kém đối với chủ sở hữu xe hơi 29 tuổi. Giá xăng ngày càng tăng cao khiến Tùng lo lắng. Ngày 28/3, giá xăng trong nước tăng 410-530 đồng/lít. Từ đầu năm đến nay, giá nhiên liệu này đã có 8 lần tăng và 5 lần giảm.
Chủ sở hữu xe hơi ái ngại khi chi phí “nuôi” xế hộp cao hơn dự tính. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Tùng Vũ không phải trường hợp cá biệt. Nhiều chủ sở hữu ôtô mới cũng gặp khó khăn trong việc cân đối chi phí “nuôi” xe hơi, lần đầu giải bài toán kinh tế với xế hộp.
Đối với các chủ xe mới, “tiết kiệm là thượng sách”. Trong khi một số kiếm dòng xe đỡ tốn nhiên liệu hơn, nhiều người lại dành thời gian nghiên cứu kỹ mức độ uy tín của cơ sở sửa chữa, giá thành các gói dịch vụ để tránh “mất tiền oan”.
Bài toán ‘nuôi’ xe
Theo tính toán sơ bộ của Tùng Vũ, anh đóng phí bảo trì đường bộ 1,5 triệu đồng/năm, bảo hiểm dân sự 873.000 đồng/năm, đăng kiểm 340.000/năm và bảo hiểm thân vỏ 12 triệu đồng/năm. Tổng chi phí cố định của chiếc xe này là 14,7 triệu đồng/năm.
Tùng Vũ lo ngại khoản tiền đóng phạt vi phạm khi bắt đầu điều khiển ôtô. |
Dòng ôtô mà Tùng Vũ lái tiêu hao khoảng 9,1 lít xăng/100 km. Nếu mỗi ngày di chuyển trung bình 30 km, anh phải dành khoảng 1,8 triệu đồng/tháng cho xăng xe.
Với đặc thù công việc thỉnh thoảng phải đi công tác liên tỉnh, Tùng cần chi thêm khoảng 500.000 đồng/tháng cho vé ở các trạm thu phí đường bộ.
“Tháng nào dùng ít, tôi tiêu 5 triệu đồng. Tháng nào đi nhiều, khoản ‘nuôi’ xe lên đến 7 triệu đồng. Chi phí trên cũng chưa bao gồm tiền nộp phạt nếu vi phạm luật an toàn giao thông”, Tùng Vũ chia sẻ với Tri thức – ZNews.
Khi mới chuyển sang lái ôtô năm ngoái, Tùng bất ngờ vì tiền phạt vi phạm của chủ sở hữu ôtô cao gấp khoảng 10 lần xe máy. Từ đó, anh không dám lơ là khi điều khiển xe hơi, tránh tốn thêm một khoản lớn.
Giống với Tùng Vũ, Anh Dũng (35 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội) lần đầu cầm lái chiếc Hyundai Tucson vào năm 2023, còn bỡ ngỡ với những khoản chi liên quan đến xế hộp.
Dũng ưu tiên xe lướt, tậu một chiếc ôtô đã qua sử dụng để phục vụ nhu cầu di chuyển của gia đình, tiết kiệm được một số chi phí cố định do chủ cũ đóng trước.
Không lo lắng nhiều về phí cố định, song Anh Dũng cần cân đối tiền xăng và gửi xe. Ôtô của anh được xếp vào loại tốn nhiên liệu, ngốn khoảng 14-15 lít xăng/100 km.
Với quãng đường di chuyển nội đô 1.000 km/tháng, Dũng dành khoảng 3,5 triệu đồng để đổ xăng. Chi phí gửi xe tại hầm chung cư là 1,5 triệu đồng.
Ngoài ra, Anh Dũng cũng lái xế hộp đưa gia đình đi ăn uống, cà phê, vui chơi dịp cuối tuần. Với mỗi lần gửi xe tại các điểm vui chơi, anh rút ví 50.000 đồng. Trong một tháng, anh thường gửi 10 lần như vậy, tốn hơn 500.000 đồng.
Chi phí lưu động cuối cùng là thay dầu nhớt, bảo dưỡng, hao mòn tự nhiên hay sơn sửa sau va chạm. Dũng nhẩm tính khoản chi này là 1 triệu đồng/tháng.
Như vậy, tổng chi phí “nuôi” ôtô của Anh Dũng là hơn 6,5 triệu đồng/tháng, chiếm tỷ trọng lớn trong ngân sách tiêu dùng hàng tháng.
Tiết kiệm thế nào?
Nhận thấy giá nhiên liệu tăng, Anh Dũng bắt đầu suy nghĩ về việc đổi ôtô, lựa dòng xe đỡ tốn xăng hơn. Anh thừa nhận chưa tìm hiểu kỹ về mức tiêu hao xăng của dòng xe này.
“Kinh nghiệm xương máu của tôi là nên chọn loại ôtô tiết kiệm nhiên liệu nếu muốn sử dụng lâu dài”, Anh Dũng nói với Tri thức – ZNews.
Ngoài ra, Dũng cũng nhờ bạn bè có kinh nghiệm lái ôtô lâu năm tư vấn địa chỉ sửa chữa uy tín, tham khảo giá các gói dịch vụ kỹ lưỡng trước khi giao xe. Khi đỗ xe tại các bãi gửi, anh cũng đề cao cảnh giác, tránh va chạm không đáng có, dẫn đến tốn tiền sơn sửa.
Theo Anh Dũng, đây là việc các lái mới có thể dễ dàng thực hiện để tiết kiệm tối đa phí bảo dưỡng. Không chỉ đi xe, anh còn cố gắng giữ xe nhằm hạn chế những khoản chi vượt quá ngân sách.
Nhiều chủ sở hữu xe hơi tìm cách cắt giảm chi phí xăng xe, chỗ gửi, bảo dưỡng. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Trần Hùng (31 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) mới đặt tay lên vô lăng chiếc ôtô đầu tiên từ giữa năm 2023, nhận thấy khả năng va quệt cao. “Cẩn tắc vô áy náy”, anh mua bảo hiểm vật chất giá 9 triệu đồng/năm cho chiếc Toyota Vios.
Với bảo hiểm này, anh chỉ tốn khoảng 500.000 đồng kiểm định cho mỗi lần bảo dưỡng, sơn sửa sau va chạm.
Ngoài ra, Tùng cũng có nhà riêng trước khi mua xe, thoải mái đậu trước cửa, tiết kiệm được 1,5-2 triệu đồng phí gửi xe hàng tháng. Theo anh, tiền gửi ôtô qua đêm vốn chiếm gần 1/2 tổng chi phí “nuôi” xe hơi, là một khoản tiêu không nhỏ đối với các chủ sở hữu.
“Khi tìm mua nhà, những người có ý định tậu xế hộp nên cố chọn căn có khoảng sân rộng rãi phía trước”, Hùng nói.
Bài toán nuôi xe là nỗi lo chung của nhiều chủ sở hữu xe hơi trên thế giới. Tại xứ cờ hoa, Hiệp hội ôtô Mỹ (AAA) đưa ra một số phương án tiết kiệm chi phí “nuôi” xe mà tài xế có thể áp dụng:
- Chọn xe phù hợp với chủ: Để chọn ôtô thích hợp, người lái cần nắm rõ khả năng tài chính của bản thân. Nếu ngân sách chăm sóc xe có giới hạn, tài xế nên chọn dòng phương tiện ngốn ít xăng.
- “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”: Nếu chiếc xe đưa ra cảnh báo, lời nhắc bảo trì, người lái không nên trì hoãn. Nếu kéo dài thời gian, ôtô có thể đối mặt với tình trạng hao mòn, hỏng hóc lớn hơn, gây tốn kém khi sửa chữa.
- Tìm cơ sở bảo dưỡng uy tín, ước lượng giá cả sửa chữa: Để đảm bảo không tốn kém nhiều khi xe hơi hỏng hóc, va chạm, người lái nên tìm hiểu kỹ về địa chỉ sửa xe. Ngoài ra, chủ xe cũng cần tham khảo trước mức giá cho các loại dịch vụ, không chi trả nhiều hơn cho những dịch vụ không cần thiết.
Để có một cuộc sống chất lượng vượt trội
Trong cuốn sách Đầu tư thông minh của Anthony Robbins, tác giả cho rằng sự giàu có đích thực không chỉ dừng lại ở tiền bạc mà nằm ở cảm xúc, tâm lý và tâm hồn. Nếu bạn không hạnh phúc, bạn không thể có một cuộc sống tuyệt vời, bất kể ví tiền của bạn dày như thế nào.