Queen of Tears (Nữ hoàng nước mắt) đang là bộ K-drama gây sốt toàn cầu, đặc biệt tại các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Rating bộ phim mới của đài tvN còn cao hơn cả tác phẩm đình đám trước đó là Marry My Husband (Cô đi mà lấy chồng tôi).
Bên cạnh kịch bản thú vị cùng dàn diễn viên thực lực, Nữ hoàng nước mắt còn lôi cuốn người xem châu Á bởi những chi tiết được cài cắm, thể hiện sự châm biếm đối với chế độ gia trưởng, trọng nam khinh nữ, trong văn hóa Hàn Quốc ngay tập đầu tiên.
Nam chính trong phim là Baek Hyun-woo (do Kim Soo-hyun thủ vai), tốt nghiệp luật Đại học Quốc gia Seoul và là cháu rể lớn nhất của Queens Group. Anh kết hôn với Hong Hae-in (do Kim Ji-won thủ vai) – cháu gái của một gia đình tài phiệt này. Chuyện phim xoay quanh cuộc sống ở rể của Hyun-woo, khi anh bị vợ áp đặt, gia đình vợ coi thường và sai khiến, ngột thở đến mức anh quyết định phải ly hôn để giải thoát cho mình.
Trong tập mở đầu đã có phân cảnh thú vị: Tại đám giỗ của bà nội Hae-in, hơn 10 người đàn ông mặc tạp dề đứng trong bếp để nấu nướng chuẩn bị cho đám giỗ. Không có người phụ nữ nào xuất hiện. Và tất cả đàn ông đứng bếp đều là con rể và cháu rể nhà họ Hong.
Thực tế, những chàng rể nhà họ Hong đều tốt nghiệp các trường nghệ thuật và kiến trúc hàng đầu, nhưng đều phải vào bếp vì nhà vợ quyền lực hơn họ rất nhiều. Baek Hyun-woo đã than thở về việc bắt những anh chàng giỏi giang phải xếp đồ ăn lên đĩa là “lãng phí tài năng”.
Theo Korea Times, Queen of Tears không chỉ là một bộ phim truyền hình mà còn là tấm gương soi cho xã hội, phản ánh sự phi lý của sự phân biệt giới tính.
Đổi vai
Trong tập 1 còn có đoạn Hong Soo-cheol, cháu trai của chủ tịch, dắt một chàng rể mới vào bếp để làm quen với các anh rể khác. Soo-cheol nói rằng việc đàn ông nấu giỗ là truyền thống trong các gia đình quyền lực thời xưa, đây là một việc tiến bộ và hợp thời. Nhưng khi các anh rể hỏi “Nếu nó là tiến bộ, tại sao cậu không nấu?” thì Soo-cheol tìm đủ lý do và bỏ đi.
“Đây là lễ giỗ nhà họ Hong, nhưng không ai ở đây mang họ đó cả”, “Họ nên tự chuẩn bị lễ giỗ chứ”, những chàng rể trong bếp than thở.
Thay vì phụ nữ như thông lệ, đàn ông đứng nấu ăn cho lễ giỗ của nhà họ Hong. |
Cảnh này không chỉ mang lại cảm giác hài hước mà còn phản ánh những bất bình ngoài đời thực của những phụ nữ Hàn Quốc sau khi kết hôn, phê phán một cách tinh tế sự phân biệt giới tính thể hiện trong các phong tục mang tính gia trưởng.
Cảnh phim châm biếm những tàn dư của văn hóa gia trưởng bằng cách để nam giới đảm nhận những vai trò truyền thống dành riêng cho phụ nữ ở Hàn Quốc, đặc biệt là trong quá trình chuẩn bị jesa (nghi lễ cúng tổ tiên). Nhiệm vụ này, về mặt lịch sử, là trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình, được miêu tả một cách khác biệt, khi bộ phim sử dụng kỹ thuật “phản chiếu” để phê phán những kỳ vọng đặt lên phụ nữ.
Suốt thời gian dài, phụ nữ Hàn Quốc đã bày tỏ sự bức xúc, mệt mỏi khi phải dành hết thời gian của những kỳ nghỉ lễ để nấu nướng cho gia đình nhà chồng.
Lễ Chuseok (Trung Thu) trở thành nỗi ám ảnh của những phụ nữ đã kết hôn. Theo nghiên cứu của M-Brain Trend Monitor trên 1.000 nam giới và phụ nữ trong độ tuổi 19-59, 88% cho rằng lễ Chuseok là điều không dễ dàng đối với phụ nữ, 69% đồng tình rằng đây là khoảng thời gian người nội trợ phải làm việc nặng nhọc, theo Straits Times.
Nữ hoàng nước mắt phán ánh chế độ gia trưởng tại Hàn Quốc. |
Tầm ảnh hưởng của bộ phim vượt ra ngoài Hàn Quốc, gây được tiếng vang với người xem ở những quốc gia châu Á, nơi phong tục gia trưởng cũng ăn sâu tương tự.
Một khán giả 22 tuổi ở Indonesia bày tỏ sự đồng tình với chủ đề của bộ phim: “Ở Indonesia, tỷ lệ kết hôn ở giới trẻ đang giảm. Giống như Hàn Quốc, phong tục gia trưởng đã ăn sâu vào xã hội. Nhiều phụ nữ vẫn sống với quan niệm phải nấu ăn. cho chồng và gia đình họ. Thật là sảng khoái khi nói về văn hóa gia trưởng với gia đình tôi thông qua một bộ phim truyền hình Hàn Quốc. Ở một khía cạnh nào đó, ‘Queen of Tears’ mang tính giáo dục”.
Thách thức chế độ gia trưởng
Nhà phê bình phim truyền hình Gong Hee-jung ca ngợi Queen of Tears vì sự châm biếm cốt lõi của chế độ phụ hệ, đánh dấu một bước quan trọng trong văn hóa đại chúng chính thống, hướng tới thách thức và thay đổi các chuẩn mực giới tính.
Bộ phim do Park Ji-eun viết kịch bản, người nổi tiếng với bộ phim Crash Landing on You (Hạ cánh nơi anh, 2019).
Nữ hoàng nước mắt cũng phá vỡ công thức phim hài lãng mạn truyền thống bằng cách loại bỏ câu nói sáo rỗng “hoàng tử cưỡi ngựa trắng”.
Thay vào đó, Hong Hae-in, nữ giám đốc điều hành của Queens Group, đóng vai trò chính trong mối quan hệ, đảo ngược vai trò giới tính truyền thống và đưa ra một góc nhìn mới về câu chuyện “Lọ Lem”. Cô chủ động trong chuyện tình cảm bằng cách lái trực thăng về vùng nông thôn để thổ lộ tình yêu của mình với Baek Hyun-woo.
Trong bộ phim, vai trò của nam, nữ trong mối quan hệ truyền thống được đảo ngược. |
Sự đảo ngược vai trò giới tính này, kết hợp với chuyện đặt câu hỏi về việc theo đuổi hạnh phúc thông thường thông qua những tưởng tượng lãng mạn, là yếu tố chính tạo nên sự nổi tiếng của bộ phim, mang đến sự pha trộn giữa hài kịch đen và một góc nhìn mới mẻ về tình yêu và trao quyền cá nhân.
Nhà phê bình văn hóa Jung Duk-hyun cho rằng sự nổi tiếng của bộ phim là do sự đảo ngược vai trò giới tính và sự hài hước giống như phim hài đen. “Bộ phim đã lật ngược kịch bản của những bộ phim hài lãng mạn một lần nữa với một câu chuyện cho thấy ngay cả việc trở thành Lọ Lem cũng không đảm bảo hạnh phúc”.
Khán giả cũng bày tỏ sự thích thú trước sự đảo ngược vai trò trong mối quan hệ lãng mạn. Trên các diễn đàn chia sẻ về phim, nhiều fan cùng bình luận “Gia trưởng mới lo được cho anh” khi nhận thấy vai trò “làm chủ” của nữ chính trong hôn nhân.
Queen of Tears tiếp tục thu hút người xem bằng cách kể chuyện sáng tạo và phê phán xã hội, là minh chứng cho sự thay đổi năng động trong nền giải trí Hàn Quốc và sự cộng hưởng toàn cầu của nó.
Thành công hiện tại của bộ phim và những cuộc thảo luận mà nó khơi dậy cho thấy tác động của nó sẽ tiếp tục được cảm nhận, cả trong lĩnh vực giải trí lẫn trong diễn ngôn rộng hơn về bình đẳng giới.
Khi bước vào một căn phòng toàn những người xa lạ, chúng ta có thể cảm nhận được ai gây ấn tượng với mình chỉ dựa vào hình thức bên ngoài, nhờ vào “sự hấp dẫn giới tính”, bao gồm những dấu hiệu về tuổi tác, giới tính, tình trạng sinh sản và phẩm chất của mỗi cá nhân, cùng với đó là các đáp ứng kích thích được lập trình đối với những đặc tính tình dục và cả những đặc điểm khác nữa.