Emily Stewart, phóng viên của tờ Business Insider, thấy cực kỳ xấu hổ khi một người bạn nhấn like bài đăng của cô trên LinkedIn. Cô phải giải thích ngay cho người bạn rằng bài đăng đó là một phần của công việc, không phải để mua vui.
“Tôi thấy rất tự ti về những gì mình đăng trên nền tảng chỉ toàn là công việc đó. Tôi không muốn tỏ ra quá nghiêm túc, quảng cáo bản thân quá nhiều”, Stewart viết.
LinkedIn là một nền tảng khiến nhiều người khó chịu. Vấn đề này đã được mổ xẻ trên Reddit, trên các phương tiện truyền thông và thậm chí cả chính LinkedIn.
LinkedIn cung cấp cho người dùng một nơi không chỉ để tìm kiếm việc làm, xây dựng mạng lưới mối quan hệ, mà còn là một không gian để họ có thể thể hiện bản thân và giao tiếp với nhau thông qua các bài đăng, bình luận và nội dung khác.
Tuy nhiên, nền tảng này cũng được mô tả như một không gian ảo, nơi mọi người thường cố gắng thể hiện những điều tích cực nhất về bản thân, nhưng đồng thời họ cũng lo lắng về việc khoe khoang lộ liễu.
Không thoải mái khi sử dụng LinkedIn là vấn đề của nhiều người dùng. Ảnh minh họa: Airam Dato-on/Pexels. |
Tại sao dùng LinkedIn khó chịu như thế?
LinkedIn là một nền tảng dành cho các chuyên viên, nhưng vẫn mang rất nhiều tính cá nhân của người dùng.
Ngay cả khi đăng bài bằng tên thật lên các trang mạng xã hội khác như Instagram, X hoặc TikTok, chúng ta có cảm giác người xem không biết quá nhiều về thông tin cá nhân.
Nhưng trên LinkedIn, chúng ta thể hiện nhiều điều về bản thân, từ hình ảnh, lịch sử công việc, trình độ học vấn, quá khứ nghề nghiệp, nguyện vọng, hoài bão tương lai…
Những người dùng LinkedIn thường vì mục đích thăng tiến trong sự nghiệp và mở rộng mạng lưới quan hệ. Họ hướng đến một đối tượng “khán giả” cụ thể, đó là nhà tuyển dụng hoặc khách hàng tiềm năng. Do đó, họ phải luôn thể hiện khía cạnh tốt nhất, chăm chỉ nhất của mình.
Nathan Allebach, chiến lược gia truyền thông xã hội và giám đốc sáng tạo, cho biết cách mọi người định vị bản thân và thảo luận về bất cứ điều gì trên LinkedIn đều chỉ là để thể hiện trước mọi con mắt đang đổ dồn vào họ.
Người dùng LinkedIn áp lực trong việc phải thể hiện bản thân trước mọi người. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels. |
“Thật khó để nghĩ về cách đăng bài, đăng nội dung gì khi bạn có sếp ở đó, sếp cũ cũng ở đó, chưa kể đến còn có sự theo dõi của bạn bè thời trung học, đồng nghiệp hiện tại hoặc thực tập sinh… Chúng ta thường hành xử khác nhau dựa trên người mà mình đang nói chuyện. Nhưng khi mọi người đó đều ở đó, thật khó khăn để tìm ra một cách mà chúng ta cảm thấy thoải mái”, Sunny Xun Liu, Giám đốc nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm truyền thông xã hội Stanford (Mỹ), nói.
Người dùng LinkedIn bị mắc kẹt trong văn hóa chuyên nghiệp. Con người mà chúng ta thể hiện trên LinkedIn để sếp và khách hàng thấy, có lẽ không phải là con người thật nhất. Bối cảnh này khiến việc đăng bài, hoặc thậm chí chỉ là tạo và duy trì một tài khoản cá nhân cũng trở nên cực kỳ khó khăn.
Làm thế nào để bớt ám ảnh bởi LinkedIn?
Brandon Smithwick, nhà sáng tạo nội dung trên LinkedIn, người đứng đầu mảng nội dung tại nền tảng quyên góp tài chính Kickstarter, cho biết các nội dung trên LinkedIn nên được viết ngắn gọn.
“Một bài đăng dài dòng hoặc quá nhiều đoạn văn sẽ là vô nghĩa, tôi sẽ lướt qua và sự thật là cũng không ai đọc cái đó”, anh nói.
Chuyên gia này cho biết việc sử dụng thêm meme để tương tác sẽ có tác dụng tốt. Tuy nhiên, cũng không sao nếu người dùng chỉ đăng bài một cách bình thường, như chia sẻ bài đăng mình thích, bình luận về bài viết của người khác hoặc chỉ có nhu cầu duy trì một tài khoản nhìn lịch sự, đẹp mắt.
Smithwick lên lịch cho các bài đăng của mình và khuyên những người khác cũng làm như vậy. Điều này khiến họ đỡ áp lực hơn khi không phải dùng quá nhiều thời gian trên LinkedIn.
Các chuyên gia cho rằng chúng ta không cần đăng bài nếu không thích, hoặc không nên làm những nội dung quá gượng ép. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels. |
Natalie Marshall, nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng trên TikTok, cho biết cách tiếp cận tốt nhất là tạo ra những nội dung không quá gượng ép.
Marshall cố gắng thêm một số câu chuyện cá nhân hoặc ví dụ vào các bài đăng của mình và sẽ hỏi những người theo dõi về kinh nghiệm, cách xử lý của họ. Tuy nhiên, Marshall cũng rất nhận thức về độ dài của câu từ.
“Chúng ta không phải người kể chuyện ở đây, hãy ngắn gọn thôi”, cô nói.
Ngoài ra, người dùng LinkedIn nên nhớ rằng chúng ta có thể không cần phải đăng bài.
“Nếu bạn không muốn đăng bài, đừng đăng. Tại sao lại có áp lực phải xây dựng thương hiệu cá nhân và xây dựng LinkedIn của bạn?”, Marshall nói.
Stewart tiếp tục hỏi ý kiến của 2 chuyên gia về quản lý mạng xã hội, những người này đưa ra một số mẹo như cố gắng đặt câu hỏi ở cuối bài đăng, thêm một số chi tiết bổ sung, có thể thêm một số hashtag…
“Rất khó để cảm thấy dễ chịu khi dùng nền tảng này. Bạn hãy coi việc sử dụng LinkedIn là một phần của công việc”, các chuyên gia kết luận.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.