Những người trẻ ở TP.HCM tuần đi cà phê 5-6 lần

Công ty hiện tại không yêu cầu lên văn phòng thường xuyên nên Hồng Hạnh (27 tuổi, sống tại TP.HCM) thường đi cà phê làm việc.

Uống cà phê cũng trở thành thói quen của Hạnh nhiều năm nay. Cô gần như không thể bắt đầu một ngày nếu thiếu ly cà phê. Thói quen và số tiền mà cô chi cho món đồ uống này cũng thay đổi theo thời gian.

Trước đây, mỗi ngày cô chỉ uống một ly rồi tăng lên hai. Nhiều tuần, cô ngồi ở quán cà phê tới 5-6 ngày. Có thời điểm, thấy mỗi ngày đều tốn 50-70.000 đồng quá “xót”, Hạnh chuyển sang làm việc tại nhà nhưng nhanh chóng bỏ cuộc.

“Làm việc ở nhà, tôi vẫn sẽ lên app đặt trà sữa, cà phê về uống cho tỉnh táo, nên cũng không tiết kiệm được là bao. Tôi vẫn thích ra quán cà phê hơn bởi không khí ở đó mới khiến tôi có động lực làm việc. Tôi cũng thường rủ bạn bè ra ngồi làm việc chung. Những hôm lên văn phòng, tôi còn rủ đồng nghiệp đặt cà phê hoặc trà sữa để bonding (kết nối)”, Hồng Hạnh nói với Tri thức – Znews.

Không riêng Hồng Hạnh, nhiều người trẻ coi cà phê, trà sữa là khoản chi thiết yếu. Theo khảo sát mới của iPOS.vn, có tới 6% người Việt tham gia khảo sát thừa nhận đi cà phê mỗi ngày. Họ là nhóm khách hàng thường xuyên đến cà phê nhằm mục đích gặp gỡ công việc, hoặc sinh viên và người làm việc tự do (freelancer).

Khoản chi cho trải nghiệm

“Ngồi cà phê làm việc hay đi cà phê tụ tập với bạn bè mang lại cho tôi năng lượng vui vẻ, so với chi phí bỏ ra thì xứng đáng. Đổi lại, có một số thứ tôi có thể cắt bớt để tiết kiệm như mua sắm quần áo, đi spa”, Hồng Hạnh nói.

Hiện tại thu nhập bị giảm 30% do công ty khó khăn, Hồng Hạnh nói rằng cà phê là khoản cô “không thể cắt”.

Tuy nhiên, cô đã phải giảm tần suất làm việc ở quán cà phê xuống còn 3 ngày/tuần. Những ngày khác, cô tự pha cà phê và làm việc tại nhà.

di ca phe lam viec anh 1

Trọng Phúc thường xuyên đi cà phê học bài hay gặp gỡ bạn bè và coi đó là khoản chi cho trải nghiệm.

Vào mùa thi, Nguyễn Trọng Phúc (sinh năm 2004, ngụ ở quận 7, TP.HCM) có thể đi cà phê 5-6 lần/tuần. Anh cho biết mình sẵn sàng chi 45.000-60.000 đồng cho một ly nước tại quán.

Con số này cũng sát với lựa chọn của hơn một nửa số người tham gia khảo sát từ iPOS.vn – với gần 60% người được hỏi sẵn sàng chi từ 41.000 đồng cho một lần đi cà phê gặp gỡ.

Còn với nhóm đặt cà phê, trà sữa mang về, mức chi tiêu phổ biến nhất là 31.000-50.000 đồng. Thực khách có thu nhập từ 11 triệu đồng trở lên chi tiêu mạnh tay cho đặt đồ uống nhất.

“Một số người có thể cho rằng việc ra quán cà phê học bài, làm việc thường xuyên là tốn kém. Nhưng với tôi, tiền cà phê không chỉ giúp tôi mua nước mà còn mua không gian, mua trải nghiệm. Thay vì chỉ ở nhà để tiết kiệm tiền, tôi sẽ tiêu tiền để nhận lại lợi ích”, Phúc nói.

Anh từng cho rằng việc tỏ ra bận rộn với máy tính, giấy bút ở không gian hàng quán là một dạng của “nỗ lực ảo”.

Thế nhưng, dần dà sinh viên này lại nhận ra hiệu quả không ngờ của việc học bài, làm việc trong quán cà phê. Khi nhìn những người xung quanh chú tâm vào việc của mình hay dòng xe cộ di chuyển trên đường phố, Phúc cảm thấy có động lực, cảm hứng hơn để tập trung học.

“Những bài tập, vấn đề mất nhiều thời gian giải quyết ở nhà, tôi có thể xử lý trong một buổi đi cà phê”, anh chia sẻ.

Khi chọn một quán cà phê, Phúc sẽ ưu tiên không gian, sau đó là chất lượng đồ uống và cuối cùng là giá thành. Đi cà phê thường xuyên nhưng anh lại có rất ít quán “ruột” vì chỉ thích ngồi ở những không gian mới lạ.

Theo khảo sát của iPOs.vn, chất lượng đồ uống được coi là yếu tố tiên quyết để thực khách đến trải nghiệm, với hơn 63% doanh nghiệp lựa chọn. Gần một nửa số doanh nghiệp (41,6%) cho rằng phong cách quán độc đáo tạo nên điểm nhấn riêng; 34,6% tự tin vào không gian đẹp. Trong khi đó, giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh khi chỉ có 38,1% doanh nghiệp tự tin vào yếu tố này.

Mua không gian

Chiều thứ 3, Okee Cafe – nằm trong chung cư trên đường Nguyễn Trãi, quận 1 – gần như kín khách. Ngọc Thảo, nhân viên quán, cảm thấy bất ngờ vì không phải cuối tuần nhưng quán vẫn đông như vậy.

“Có thể giai đoạn này gần thi cuối kỳ nên các bạn học sinh, sinh viên tới học đông hơn. Đây cũng là nhóm khách hàng chính của quán chúng tôi”, Ngọc Thảo nói.

Sinh viên, người làm tự do (freelancer) cũng là một trong những nhóm khách hàng thường xuyên đi cà phê với mục đích học tập, làm việc, theo khảo sát mới nhất của iPOS.vn về thói quen chi tiêu của người Việt trong mảng F&B.

Ngọc Thảo cho biết với tệp khách hàng như trên, quán sẽ đông nhất vào các mùa thi cử và lượng khách giảm xuống vào trước và sau Tết – khi sinh viên về quê nghỉ lễ. Khách tới đây thường ngồi lâu, có thể từ sáng đến chiều.

di ca phe lam viec anh 3

Nhóm bạn của Ngọc Tuyết thường tới quán cà phê để cùng làm dự án vào cuối kỳ.

Đang có bài tập cuối kỳ, Ngọc Tuyết (học viên tại Design Anthropology School) cùng nhóm bạn rủ nhau tới quán cà phê trong khu tổ hợp ở quận 1 cùng làm bài. Để có bàn lớn đủ ngồi chung, một thành viên trong nhóm đã liên hệ trước để đặt bàn.

Cô cho biết mỗi lần có kỳ thi, nhóm luôn tìm nơi để cùng trao đổi. “Chúng mình ưu tiên có bàn lớn, ổ điện, Wi-Fi mạnh rồi mới cân nhắc đến giá cả”, cô nói.

Việc tới quán cà phê học bài tốn kém hơn so với ở nhà, nhưng cả nhóm sẵn sàng chi mức tiền 50.000-70.000 đồng để có không gian thoải mái.

“Nhưng thường xuyên đến các quán có mức giá cao thế này cũng khá ‘đau ví’ nên chúng mình phải chọn lọc. Nếu không cần làm việc thì chúng mình sẽ chọn ngồi trà chanh vỉa hè chém gió, với giá mềm hơn”, Ngọc Tuyết nói thêm.

Nắm bắt được nhu cầu của nhóm khách chính, quán cà phê của Ngọc Thảo cũng có nhiều chính sách để thu hút khách hàng.

“Chúng tôi có sẵn máy in, giá đỡ laptop, nước lọc miễn phí để khách có thể thoải mái ngồi lâu nhất có thể. Quán cũng trừ thẳng 5.000 đồng vào hóa đơn để hỗ trợ phí gửi xe, vì biết rằng khách chủ yếu là sinh viên nên kinh tế không dư dả”, cô nói.

Vị trí của cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới

Theo sách Bản đồ thế giới cà phê của James Hoffmann, sản lượng cà phê lớn ở Việt Nam từ thập niên 1990 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp cà phê toàn cầu. Năm 1990, hàng loạt công ty mới được thành lập ở Việt Nam, trong đó có nhiều công ty tập trung sản xuất cà phê trên quy mô lớn. Sản lượng cà phê Việt Nam tăng gấp đôi trong giai đoạn 1996-2000, tác động lớn đến giá cà phê thế giới. Đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Dù vậy, tác giả James Hoffmann cho rằng chất không đi với lượng ở thị trường tiềm năng này.

TP.HCM nắng gắt đến bao giờ?

Tình trạng nắng nóng gay gắt ở khu vực Nam Bộ đã kéo dài hết tháng 3 và dự kiến tiếp tục gia tăng cường độ trong hai tháng tới.