Nhà vô địch Olympic Trung Quốc hứng chỉ trích vì cho con học ở nhà

Hai vợ chồng Yang đã đưa ra quyết định cho con học tại nhà. Ảnh: SCMP.

Yang Wei là cựu vận động viên thể dục dụng cụ từng giành huy chương vàng Olympic Bắc Kinh 2008, đồng thời là người dẫn dắt đội tuyển nam Trung Quốc giành huy chương danh giá này. Vợ anh là Yang Yun, cũng là vận động viên thể dục dụng cụ xuất sắc.

Theo SCMP, hai vợ chồng Yang đã đưa ra quyết định cho con học tại nhà. Ngày 12/3, trên TikTok, tài khoản của Yang Wei với hơn 2 triệu người theo dõi đã đăng tải một video có tiêu đề “Trải nghiệm không đi học lớp 1, chỉ học với gia sư riêng sẽ như thế nào?”.

Trong video, Yang Wei tiết lộ hai con gái sinh đôi của anh hiện đã đủ tuổi vào học lớp 1, nhưng đang được học tại nhà. Quyết định này được đưa ra sau khi các bé bị ốm nặng 3 lần vào năm ngoái.

Anh cho biết vợ mình hiện đóng vai trò là “hiệu trưởng”, xây dựng chương trình học riêng cho các con. Trong khi đó, anh đưa đón con đến lớp gia sư riêng.

Mỗi tuần, các bé có các buổi học tiếng Trung và Toán cùng các gia sư khác nhau. Lớp học của các bé chính là phòng họp tại công ty của Yang Wei. Bên cạnh việc học tập buổi sáng, Yang Wei còn sắp xếp cho các con tham gia luyện tập thể dục dụng cụ vào buổi chiều.

Người cha cho rằng vì gia sư chỉ tập trung dạy hai bé nên việc học tập sẽ được chú ý kỹ lưỡng hơn, đồng thời cũng cải thiện đáng kể hiệu quả học tập của các con.

“Trước đây, tôi liên tục bị tấn công bởi vô số tin nhắn trên các nhóm phụ huynh. Bây giờ, nhóm phụ huynh của chúng tôi chỉ có 3 người và chúng tôi nhận được các báo cáo học tập ngắn gọn về các cháu. Sau giờ học, giáo viên cung cấp cho các cháu những gợi ý về phương pháp học tập. Hiệu quả học tập của các cháu dường như được cải thiện đáng kể”, Yang chia sẻ trong video.

Theo Yang, phương pháp học này cho phép các con có thêm thời gian rảnh rỗi, sẽ được lấp đầy bằng các hoạt động ý nghĩa khác.

“Tôi hướng dẫn các con làm việc nhà, tham gia các hoạt động ngoài trời, gần gũi với thiên nhiên. Điều đó làm cho tuổi thơ của các con trọn vẹn hơn”, anh nói.

Ngoài ra, nam phụ huynh thấy việc học tại nhà ít căng thẳng hơn nhiều so với việc cho con đến trường.

“Tôi từng rất lo lắng về việc các con có thể nhiễm các loại virus khác nhau từ bên ngoài, hai đứa thường xuyên bị cảm lạnh. Bây giờ, chúng thường xuyên được tôi quan sát, tâm trí tôi cũng thoải mái hơn”, anh chia sẻ.

Video của Yang nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý, dấy lên tranh luận trên mạng. Một số người ủng hộ cách tiếp cận của vợ chồng Yang, đồng thời cho biết sự thất vọng của họ về những phức tạp của hệ thống trường học hiện tại.

“Nếu tôi có thể, tôi cũng sẽ làm vậy. Tôi đã muốn rời khỏi những nhóm học trực tuyến lộn xộn đó từ lâu. Tôi mệt mỏi với tất cả những tin nhắn về việc sắp xếp bài tập về nhà và các công việc khác”, một người chia sẻ.

Ngược lại, nhiều ý kiến khác cho rằng trẻ em nên trải nghiệm cuộc sống học đường và phát triển các kỹ năng. Họ lo ngại việc học tại nhà có thể khiến trẻ thiếu các kỹ năng xã hội cần thiết.

“Nền giáo dục tốt nhất là ở trường học, không chỉ môn tiếng Trung, Toán và tiếng Anh, mà còn là các môn học khác. Sự tương tác, hợp tác và cạnh tranh giữa các bạn cùng lớp là những điều mà giáo dục tại nhà không thể cung cấp được”, một người bày tỏ quan điểm.

Sách về nghề giáo

Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo – một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:

Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.

Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.

Thầy giáo cõng học trò ngủ quên về nhà suốt 2 năm

Suốt 2 năm, nam giáo viên thường xuyên cõng học trò ngủ gật về nhà do cậu bé mắc căn bệnh hiếm gặp.