Ngày 4/4, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Lễ tổng kết và trao Giải thưởng phát triển văn hóa đọc lần thứ VI và phát động Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024.
Phó vụ trưởng Vụ Thư viện Đoàn Quỳnh Dung cho biết Giải thưởng phát triển văn hóa đọc được Bộ VHTTDL tổ chức thường niên từ năm 2018, nhằm tôn vinh những đóng góp quý báu, động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực trong việc phát triển văn hóa đọc tại Bộ, ngành, địa phương, các vùng, miền và trong cộng đồng. Sau 5 lần trao giải thưởng, Bộ đã tôn vinh được 121 tập thể, cá nhân tiêu biểu.
Năm nay, Bộ VHTTDL quyết định trao tặng Giải thưởng phát triển văn hóa đọc cho 30 tập thể và cá nhân.
Bà Đoàn Quỳnh Dung nhận định, về cơ bản các tập thể, cá nhân có hồ sơ xét tặng đã bám sát các tiêu chí của quy chế và hướng dẫn của Bộ VHTTDL; chú trọng đánh giá thành tích của tập thể, cá nhân thông qua các số liệu. Thông tin thể hiện tính hiệu quả, thiết thực của hoạt động khuyến đọc. Các sáng kiến đề xuất mô hình cũng được đánh giá thông qua kết quả triển khai thực tiễn. Các dịch vụ, sản phẩm thông tin – thư viện được minh chứng bằng hình ảnh, thước phim cụ thể.
Đặc biệt, trong số những người giành giải, có chị Trần Thúy Nga (39 tuổi) ở xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ), là người khuyết tật và ông Đào Quang Huy (92 tuổi) – thư viện cộng đồng Song Khê 1 (xã Song Khê, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang).
Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ trao Giải thưởng phát triển văn hoá đọc cho các cá nhân, tập thể. Ảnh: BTC. |
Năm 14 tuổi, chị Trần Thuý Nga mắc căn bệnh viêm đa khớp, chân tay co cứng, biến dạng. Từ đó, chị không đi lại được, phải ngồi xe lăn, việc học hành cũng bị gián đoạn.
Tháng 1/2004, từ số sách truyện của chị gái đang làm việc ở TP.HCM gửi về, Thúy Nga mở cửa hàng cho thuê sách truyện nhỏ. Số tiền thu được từ cho thuê sách được tác giả dùng để mua sách mới. Khi số lượng đầu sách lớn dần, Thúy Nga không cho thuê sách nữa mà thuyết phục mọi người đến đọc, mượn sách miễn phí để khuyến đọc.
Từ một cửa hàng cho thuê sách nhỏ, một thư viện cộng đồng đã được dần được hình thành với hàng nghìn bản sách. Đến nay, thư viện của Nga có hơn 8.000 bản sách. Hàng năm, số sách được mượn thường xuyên là gần 1.000 bản.
Ông Đào Quang Huy (92 tuổi) là giáo viên về hưu. Năm 2012, TP Bắc Giang có chủ trương thành lập thư viện tại các xã, ông Đào Quang Huy đã đứng lên nhận nhiệm vụ trông coi, phát triển thư viện tại xã Song Khê.
Sau hơn 10 năm duy trì hoạt động, đến nay thư viện có hàng nghìn đầu sách các loại như sách văn học, lịch sử, y tế, khoa học – kỹ thuật, nông nghiệp và sách dành cho người khiếm thị.
Những ngày đầu thành lập thư viện, ông Đào Quang Huy đã đạp xe rong ruổi hết làng trên xóm dưới, mua lại những cuốn sách, báo cũ vẫn còn sử dụng được. Nhiều người thấy ông già vẫn nhiệt huyết với công việc, họ lại bán rẻ theo cân và tích cực ủng hộ.
Lúc đầu khi nhận công việc trông coi phát triển thư viện sách, con cháu trong gia đình can ngăn vì tuổi cao, sức yếu muốn ông được nghỉ ngơi. Nhưng vì quyết tâm yêu nghề, đến giờ mọi người trong gia đình cũng hiểu và đồng tình.
Với những nỗ lực không mệt mỏi đó, tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Ngày sách Việt Nam diễn ra ở Hà Nội năm 2019, ông Đào Quang Huy cũng vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tuyên dương và tặng bằng khen vì có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng thư viện cộng đồng và lan tỏa văn hóa đọc trong nhân dân.
Tại lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ khẳng định: “Điểm đặc biệt có ý nghĩa và đáng trân trọng của giải thưởng là nhiều tập thể, cá nhân sau khi nhận giải vẫn tiếp tục bền bỉ, tâm huyết, luôn đổi mới, tìm tòi cách làm hay, sáng tạo để tiếp tục phục vụ bạn đọc, đóng góp tích cực cho sự phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng. Giải thưởng cũng minh chứng cho việc không chỉ những người làm thư viện, văn hoá đọc đã được cộng đồng chung tay, góp sức phát triển, đóng góp vào xây dựng môi trường văn hoá cơ sở”.