Để trải nghiệm một cuộc sống nhiều giá trị hơn, chúng ta phải có một cái nhìn thành thực về những cơn nghiện mềm của mình. Nhưng những cơn nghiện mềm là gì và làm thế nào để biết được ta đang mắc phải chúng? Nghiện mềm là những thói quen tưởng chừng như vô hại – mua sắm, ăn uống quá độ, xem TV nhiều, nghiện lướt web, tán gẫu, trì hoãn – đó là những thứ ngăn cản chúng ta trở thành phiên bản tốt đẹp hơn.
Cho dù bạn có nhận ra hay không, những cơn nghiện mềm tiêu tốn của chúng ta nhiều tiền bạc, thời gian, gây tê liệt cảm xúc và u mê tâm trí, cũng như rút cạn năng lượng sống. Và tất cả chúng ta đều mắc phải chúng.
Ảnh minh họa. Nguồn: CBC. |
Một khảo sát của The Harris Poll (Công ty phân tích và khảo sát thị trường của Mỹ) cho thấy 91% người Mỹ thừa nhận họ mắc phải chứng nghiện mềm. Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy rằng 9% còn lại là những người từ chối thừa nhận, bởi tôi chưa từng gặp bất cứ một ai không mắc phải chứng nghiện mềm.
Sau khi tiếp xúc với vô số người Mỹ và đặt chân đến rất nhiều quốc gia trên thế giới – tiếp xúc với những con người từ những chủng tộc, tôn giáo, độ tuổi và giai tầng khác nhau – thì tôi thấy rằng câu hỏi không phải là “Tôi có mắc phải chứng nghiện mềm không?” mà là “Tôi mắc chứng nghiện mềm nào?” và “Cái giá của nó là gì?”.
Nghiện mềm không phải là cái gì đó tội lỗi. Chúng chỉ đơn giản là những nỗ lực lạc lối nhằm chăm sóc bản thân – một cách để giải toả sang một ngày mệ mỏi, để đánh lạc hướng hoặc tự làm mình phấn chấn, hay là một cách để đối đầu với những cảm xúc nặng nề.
Vấn đề ở đây là những cơn nghiện mềm không mang lại thêm gì cho cuộc đời chúng ta, chúng chỉ hút cạn những nguồn lực quý giá mà lẽ ra chúng ta nên dành vào những mục đích tích cực hơn. Chúng không chăm sóc, cũng không tái tạo năng lượng, mà cũng chẳng đem lại sự thoải mái mà chúng ta thực sự xứng đáng. Chúng lấy đi thì nhiều mà mang lại thì ít.
Tất cả chúng ta đều có nhu cầu giải tỏa căng thẳng; chúng ta cần giải trí, sạc lại tinh thần, tái tạo năng lượng và nhiều thứ khác nữa. Nhưng chúng ta xứng đáng với những phương thức triệt để – chứ không phải là ngồi tóp tép đồ ăn vặt với khuôn mặt vô hồn dán vào màn hình điện thoại hoặc là lướt hết video này đến video khác trong một sự vô tri. Chúng ta cần phải tự thoả mãn mình bằng một phương pháp giúp nuôi dưỡng tâm hồn, tái tạo năng lượng và tự mình giải trí – những thứ thực sự mang lại nhiều hơn chứ không phải bớt đi.
Vượt qua chứng nghiện mềm không phải là đoạn tuyệt với thiệt bị điện tử trong suốt phần đời còn lại, cũng không phải là đoạn tuyệt với ly trà sữa chữa lành của bạn mãi mãi, càng không phải là bỏ hẳn mua sắm hay cắt xoẹt dây mạng. Mục đích thực sự ở đây là kiến tạo một cuộc đời toàn vẹn, viên mãn, nơi mà thân – tâm – trí cùng được nuôi dưỡng.
Điều đó có nghĩa rằng tám kỹ năng trong cuốn sách này không chỉ giúp bạn giải phóng bản thân khỏi sự phụ thuộc vào những thói quen đã cướp đi quyền sống của bạn mà còn tạo ra những chất liệu cho một cuộc sống tuyệt vời – cuộc đời nhiều giá trị hơn.
Mọi người thường hỏi tôi rằng nghiện mềm với nghiện cứng khác nhau như thế nào. Nghiện cứng, ví dụ như cồn và cần sa, là những chất gây nghiện có khả năng đe doạ đến tính mạng. Với nghiện mềm, những kích thích và hành vi tự nó không nguy hiểm. Điều khiến nó trở thàn vấn đề là cách thức và liều lượng mà ta sử dụng chúng.
Chúng ta không nhất thiết phải uống rượu hay sử dụng ma tuý thì mới sống được, nhưng chúng ta không thể từ bỏ mua sắm, ăn uống và mạng xã hội. Vì lẽ đó, bạn không thể cai nghiện mềm bằng cách đoạn tuyệt với những nguồn kích thích đó. Thay vào đó, bạn phải thay đổi mối liên kết với những hoạt động đó và học thêm những kỹ năng mới. Khác với nghiện cứng, nghiện mềm không vi phạm đạo đức xã hội. Chúng là những hoạt động mà tất cả mọi người đều là và chia sẻ cùng nhau. Chúng liên tục được xuất hiện trên truyền thông, quảng cáo và tạp chí.
Cơn nghiện mềm phát tác một cách âm ỉ và nằm dưới vùng phủ sóng của ra-đa nhận thức, nhưng chúng vẫn đồng thời gây tiêu tốn nguồn lực và suy giảm động lực sống. Chúng dần ăn sâu tới mức toàn bộ lối sống của chúng ta được định hình bởi một mạng lưới những cơn nghiện mềm.