Nhiều học sinh có điểm thi, kết quả học kỳ I không như kỳ vọng, khiến phụ huynh từ ngỡ ngàng đến thất vọng. |
Sau khi kết thúc buổi họp phụ huynh cuối học kỳ 1, chị Trịnh Thị Xuân (35 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) vội vã từ trường về nhà chất vấn cậu con trai lớp 6: “Học hành kiểu gì mà kết quả như thế này?”.
Hàng ngày, hàng tuần chị đều nhắn tin trao đổi tình hình học tập của con với cô giáo. Cô luôn khen con chăm chỉ, lực học giỏi, thế nhưng điểm các môn thi cuối kỳ lẹt đẹt toàn 6 với 7, duy nhất môn Toán được 10 điểm.
Với điểm số ấy, con trai chị Xuân chỉ được đánh giá xếp loại tiên tiến của lớp. Chưa kể, con còn bị cô bêu tên khi hay nói chuyện riêng, ăn quà vặt trong lớp.
“Suốt 5 năm tiểu học, con luôn đứng top đầu lớp, trở thành niềm tự hào của gia đìn. Thế mà chỉ sau một học kỳ đầu của cấp học mới, kết quả học tập giảm sút khiến tôi khá sốc”, chị Xuân nói và tỏ thái độ không hài lòng khi thấy điểm số của con không như mong đợi.
Khi nữ phụ huynh hỏi nguyên nhân, cậu con trai chỉ biết cúi gằm mặt xin lỗi và nói bản thân đã chủ quan trong lúc làm bài thi. Trong cơn nóng giận, chị Xuân la mắng con trai, đồng thời cấm con Tết này không được đi chơi, hoàn thành hết các bài tập về nhà và bài nâng cao. “Làm tốt sẽ thưởng, còn làm sai thì phải phạt. Có như thế con mới cố gắng vươn lên được”, chị Xuân nói.
Không ít phụ huynh có phản ứng gay gắt khi con bị điểm kém. |
Chị Đoàn Bích Diệp (42 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) cũng sốc khi nhận kết quả thi học kỳ 1 của con gái lớp 9, trong khi hàng tuần cô giáo đều gửi nhận xét rằng con lực học khá, chịu khó học tập. Chị hoang mang khi không biết đâu mới là lực học thực sự của con và nguyên nhân khiến con làm bài thi tệ như vậy.
Điểm thi học kỳ của con gái chị 3 môn Toán, Văn, Anh chỉ đạt mức trung bình khá 6-7 điểm. Trong khi gia đình đang mong muốn con đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 một trường THPT công lập thuộc top giữa Hà Nội trong kỳ tuyển sinh sắp tới.
“Điểm cuối kỳ khiến của con khiến cả nhà hụt hẫng bởi những năm học trước, con luôn giữ vững học lực khá, thậm chí nhiều kỳ lên giỏi. Với điểm số này, gia đình tôi phải cân nhắc, tính toán lại để chọn trường phù hợp, nếu không sẽ dễ trượt hết”, chị Diệp nói.
Con gái đang tham gia một lớp học nhảy tại trung tâm từ đầu năm. Tuy nhiên thấy tình hình học tập đi xuống, chị Diệp và chồng đồng lòng ra quyết định cho con nghỉ để tập trung vào việc học, mặc con tỏ thái độ không vừa ý.
Trên thực tế, không ít phụ huynh có phản ứng giống như chị Xuân, chị Diệp trong câu chuyện trên khi biết con thi học kỳ bị điểm kém.
Thầy Nguyễn Văn Đường, giáo viên trường THPT Phú Xuyên A (Hà Nội) cho biết không ít học sinh có kết quả học tại trường khá cao nhưng trong các đợt thi học kỳ, thi tốt nghiệp thì điểm thấp. Do đó, điểm số đôi khi chưa đánh giá được tất cả.
“Nếu con bị điểm kém, phụ huynh đừng vội trách mắng, phạt con mà cần bình tĩnh, nhìn lại trách nhiệm của đã đồng hành với con ra sao trong việc học. Từ đó có giải pháp giúp con vượt qua những hạn chế, yếu kém trong học tập”, thầy Đường nói.
Nam giáo viên khuyên phụ huynh nên đồng hành với con trong học tập ngay từ bậc tiểu học, không nên ỷ lại hết cho giáo viên mà cần theo dõi, hỏi han việc học của con mỗi ngày.
“Hãy trao cho con tình yêu thương, sự động viên, khích lệ chứ đừng trao cho con những cảm xúc tiêu cực, dễ khiến các em buông xuôi, mất tự tin vào bản thân”, thầy Đường đưa lời khuyên.
Cô Đinh Thị Thu Uyên (giáo tiểu học quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng cho rằng, đề kiểm tra học kỳ sẽ có 70-80% câu hỏi mang tính chất kiểm tra kiến thức cơ bản và đan xen câu hỏi phân loại. Lúc ôn thi, các cô sẽ ôn kiến thức sâu hoặc nâng cao để các con được rèn luyện. Đề thi do nhà trường ra.
Nguyên nhân của việc học lực tốt nhưng điểm thi kém do học sinh áp lực tâm lý khi làm bài thi, hoăc chủ quan khi làm bài thi. Đôi lúc nguyên nhân cũng đến từ việc kiến thức chưa thực sự nắm chắc nên các em lúng túng khi gặp các câu hỏi ngoài sách giáo khoa, có tính phân loại cao hơn.
Cô Thu Uyên cũng thẳng thắn nói rằng nếu đánh giá thực chất, nhiều học sinh sẽ không đạt được kết quả như xếp loại, nhưng kết quả này một phần xuất phát từ chính phụ huynh.
“Một số phụ huynh vẫn thích con được khen hơn là chê. Ngay cả trong các cuộc họp, nhiều giáo viên không dám đánh giá thực chất học sinh vì sợ phụ huynh ngại”, cô nói.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo – một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.