Một hành trình mới lấy cảm hứng từ ‘Dũng sĩ Hesman’

hesman chien binh anh 1

Hình tượng nhân vật Hesman. Ảnh: Fundgo.

Hesman: Chiến binh thiết giáp là tác phẩm truyện tranh lấy cảm hứng từ thế giới của Dũng sĩ Hesman do tác giả Hùng Lân sáng tác. Là một tác phẩm ngoại truyện, Hesman: Chiến binh thiết giáp không tiếp nối nội dung của Dũng sĩ Hesman từ 30 năm trước mà xây dựng một câu chuyện riêng biệt.

Fan hâm mộ đưa Hesman về thời hiện đại

Tác phẩm lấy bối cảnh năm 2022 trên Trái đất. Robot khổng lồ Hesman bị một thế lực bí ẩn đưa từ tương lai về thời điểm hiện tại. Chìa khóa điều khiển robot này rơi vào tay hai đứa trẻ đang học cấp hai. Ngay sau khi nhận được nguồn sức mạnh này, cả hai nhanh chóng bị săn đuổi. Hai nhân vật chính vừa phải tìm cách sử dụng và điều khiển nguồn sức mạnh khổng lồ vừa nhận được, vừa phải tìm hiểu xem ai là kẻ chủ mưu đằng sau các sự kiện vừa xảy ra.

hesman chien binh anh 2

Tập 1 truyện Hesman: Chiến binh thiết giáp. Ảnh: Báo Nhi Đồng.

Đội ngũ sáng tác và biên tập đều là người hâm mộ cuồng nhiệt bộ truyện Dũng sĩ Hesman của tác giả Hùng Lân. Nhóm đã khai thác phiên bản digital có bản quyền của phiên bản gốc Dũng sĩ Hesman từ 2018.

Chia sẻ với Tri thức – ZNews, đại diện Comicola – đơn vị tổ chức sản xuất Hesman: Chiến binh thiết giáp – cho biết đội ngũ thực hiện đều thuộc thế hệ 8x. Họ lần đầu tiếp cận với phiên bản Dũng sĩ Hesman từ giữa thập niên 1990 khi bộ truyện mới ra đời, lúc ấy họ còn là các cô, cậu bé mới lên 7, lên 8.

Hồi tưởng lại không khí năm xưa, nhóm sáng tác vẫn nhớ Dũng sĩ Hesman đã tạo nên một cơn sốt, với lượng bán ra không kém cạnh các bộ truyện Nhật Bản Đô-rê-mon (Doraemon) hay 7 viên ngọc rồng (Dragon Balls).

“Ngày bé, chúng tôi cứ ngỡ ấy là một truyện tranh của nước ngoài. Sau này lớn lên, bắt đầu công việc sáng tác truyện tranh và gặp gỡ các tiền bối trong giới, chúng tôi rất bất ngờ khi biết Dũng sĩ Hesman do họa sĩ Hùng Lân sáng tác”, một đại diện khác của nhóm tác giả chia sẻ.

Sau nhiều năm gắn bó với công việc sáng tác truyện tranh, các fan hâm mộ của bộ truyện càng cảm nhận rõ hơn mong mỏi “làm được một tác phẩm mà có thể tự hào đưa cho con của mình và nói: ‘Hồi bố bằng tuổi con, bố cũng mê robot Hesman này lắm’. Hesman: Chiến binh thiết giáp được ra đời với cảm hứng như vậy”.

Không chọn tiếp tục mạch truyện cũ

Theo nhóm sáng tác, đối với độc giả hay tác giả truyện tranh thì phiên bản gốc của Hesman “là một huyền thoại trong giới truyện tranh nước nhà”. Tác giả Hùng Lân đã tạo ra một tác phẩm mà đến giờ hầu như chưa truyện tranh Việt Nam nào khác làm được: cạnh tranh sòng phẳng với những manga đến từ Nhật Bản ra cùng thời điểm.

hesman chien binh anh 3

Đường An Nhiên đang thực hiện công đoạn đi nét cho bộ truyện Hesman: Chiến binh thiết giáp. Ảnh: Comicola.

Vì ký ức với bộ truyện Hesman cũ đã quá trọn vẹn, đội ngũ sáng tác “chắc chắn không mong muốn viết tiếp bộ truyện này”, đại diện dự án bộc bạch. “Hesman: Chiến binh thiết giáp chỉ là một ‘spin off’ (tác phẩm phái sinh – PV), sử dụng nhân vật robot Hesman trong một bối cảnh mới, một thiết lập thế giới mới phù hợp với nhu cầu của độc giả nhí bây giờ”.

Theo ông Nguyễn Khánh Dương, Giám đốc Comicola, Hesman: Chiến binh thiết giáp được xây dựng theo tiêu chuẩn sản xuất truyện tranh của studio quốc tế, đảm bảo tiến độ ra mắt truyện trên tạp chí Manga Teen của báo Thiếu niên Tiền phong.

Nội dung kịch bản được đội ngũ biên tập viên của Comicola xây dựng từ đầu. Họa sĩ chính của dự án là họa sĩ truyện tranh Phan Kim Thanh, người phụ trách tạo hình, phối cảnh và phác thảo chi tiết. Bản phác thảo chi tiết sẽ được chuyển đến nhóm đi nét (line) do Đường An Nhiên phụ trách.

Sau khi đi nét, mỗi trang bản thảo sẽ được tô màu base (lớp đầu) và tô màu hoàn thiện. Nhóm tô màu gồm các họa sĩ Cá Vàng Đi Bộ, Phùng Thanh Nhật Uyên.

Mỗi chương truyện Hesman: Chiến binh thiết giáp gồm 20 trang. Nhóm dự án gồm sẽ mất khoảng 3 tuần để hoàn thiện chương truyện qua các công đoạn như trên.

Song song với phiên bản truyện giấy, Hesman: Chiến binh thiết giáp còn được sản xuất thành phiên bản truyện tranh động, có lồng tiếng và ghép hiệu ứng để đăng tải trên nền tảng YouTube. Quá trình sản xuất phiên bản YouTube này được team làm hoạt hình của Comicola triển khai, do Nguyễn Việt Hà dẫn dắt.

Nhóm sáng tác hy vọng có thể tạo ra một dự án giúp gắn bó các thế hệ độc giả Việt Nam, một bộ truyện mà khi dẫn con vào nhà sách, phụ huynh nhìn thấy sẽ có cảm xúc như gặp lại người bạn thân thiết năm xưa.

Hesman: Chiến binh thiết giáp thuộc dự án Hesman Legend, do công ty Cổ phần Comicola quản lý và vận hành. Dự án ra đời năm 2023 nhân kỷ niệm 30 năm ra mắt Dũng sĩ Hesman của tác giả Hùng Lân với hệ sinh thái các sản phẩm, từ đồ chơi, đồ dùng học tập, tượng sưu tầm và một phiên bản truyện/hoạt hình hoàn toàn mới.

Ý tưởng dự án được tác giả Hùng Lân và fan hâm mộ bộ truyện Dũng sĩ Hesman nhiệt thành ủng hộ. Dự án nhận đầu tư từ Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Fundgo, do các thành viên sáng lập quỹ cũng là độc giả trung thành của Hesman năm xưa.

Dũng sĩ Hesman là bộ truyện tranh khoa học viễn tưởng dài 160 tập được họa sĩ Nguyễn Hùng Lân sáng tác từ năm 1992 đến năm 1997, do Nhà xuất bản Mỹ thuật Hà Nội ấn hành (riêng tập 160 được sáng tác vào năm 2019).

Ban đầu, bộ truyện phóng tác từ phim hoạt hình Voltron – Defender of the Universe (tạm dịch: Voltron: Vệ binh Vũ trụ) được 4 tập: Cuộc vượt ngục, Hesman xuất hiện, Mãng xà giả dạngLọ nước thần. Sau đó ông tự ông sáng tác thêm 156 tập nữa dựa theo tuyến nhân vật đã có đồng thời tạo dựng thêm vài chục nhân vật khác. Nội dung các tập truyện này hoàn toàn do Hùng Lân sáng tác.

Tên Hesman do họa sĩ và biên tập viên mường tượng từ câu “He is man”, tức một robot có những đặc điểm như con người, cùng với cuộc phiêu lưu của các nhân vật vào thiên hà ở thế kỷ thứ 22.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.