Gen Z cảm thấy lo lắng khi nhận hoặc thực hiện các cuộc gọi điện thoại trực tiếp. Ảnh: Ivan Samkov/Pexels. |
Gen Z (sinh năm 1997-2012) hiện phải đối mặt với nỗi lo sợ khi thực hiện hoặc nhận các cuộc gọi điện thoại, một hội chứng được gọi là “telephonophobia”. Để giải quyết vấn đề này, trường Cao đẳng Nottingham (Anh) đã mở các khóa học nhằm giúp sinh viên tự tin hơn khi sử dụng điện thoại trong công việc và cuộc sống.
“Nhiều người trẻ thường xuyên gặp phải tình trạng căng thẳng khi gọi điện vì cảm thấy thiếu tự tin khi giao tiếp”, Liz Baxter (53 tuổi), cố vấn nghề nghiệp tại trường Cao đẳng Nottingham (Anh), chia sẻ với BBC.
Khóa học bao gồm các buổi huấn luyện thực hành, nơi sinh viên tham gia các hoạt động nhập vai như trả lời các câu hỏi phỏng vấn. Ngoài ra, học viên được khuyến khích gọi đến nhà hàng để hỏi giờ mở cửa hoặc gọi cửa hàng để kiểm tra hàng tồn kho. Bà Baxter cho biết những bài tập này giúp người trẻ dần vượt qua giới hạn của bản thân.
Bà Baxter hướng dẫn thế hệ Gen Z vượt qua nỗi sợ điện thoại thông qua các bài tập và bài học thực tế. Ảnh: X/Nottingham College. |
Những người mắc hội chứng này thường trì hoãn hoặc tránh thực hiện cuộc gọi, cảm giác lo lắng cực độ trước, trong và sau cuộc gọi, cùng với việc ám ảnh về nội dung sẽ nói. Nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến buồn nôn, tim đập nhanh, khó thở, chóng mặt và căng cơ.
Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng nỗi sợ này liên quan đến chứng rối loạn lo âu xã hội, bắt nguồn từ nỗi sợ bị đánh giá hoặc xấu hổ. Thay vì gọi điện, Gen Z thường chọn nhắn tin hoặc giao tiếp qua mạng xã hội như Instagram, TikTok và Snapchat, đặc biệt trong công việc hoặc chuyện tình cảm.
“Hầu hết chọn cách chia tay qua tin nhắn để tránh cuộc trò chuyện khó xử”, Kean (26 tuổi) chia sẻ.
Evie (17 tuổi) cho biết những người duy nhất cô gọi điện thoại là bố mẹ. Ảnh: BBC. |
Trong một cuộc khảo sát của Uswitch với 2.000 người cho thấy gần 70% người 18-34 tuổi thích nhắn tin hơn gọi điện, với 23% cho biết họ không bao giờ nhận cuộc gọi. Hơn một nửa nghĩ rằng cuộc gọi đột ngột thường mang tin xấu.
“Tôi cảm thấy lo lắng khi điện thoại đổ chuông vì thế hệ của chúng tôi đã quen với việc nhắn tin. Nếu ai đó gọi, tôi luôn nghĩ đó là chuyện khẩn cấp”, Donna (16 tuổi) nói.
Evie (17 tuổi) cũng cảm thấy không thoải mái khi mỗi nhận cuộc gọi. Cô cho biết chỉ gọi cho bố mẹ và không muốn người khác gọi cho mình vì cảm thấy điều đó quá trang trọng.
Kyle Butterworth cho biết sau vài cuộc gọi, chúng ta sẽ nhận ra ở phía bên kia đầu dây cũng chỉ là một người bình thường. Ảnh: BBC. |
George Heritage, Giám đốc dịch vụ khách hàng tại Express Recruitment, chia sẻ rằng sự gia tăng hội chứng này đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh, đặc biệt sau đại dịch Covid-19.
Ông nhận định các khóa học của trường Cao đẳng Nottingham là một bước đi cần thiết, giúp cải thiện kỹ năng giao tiếp qua điện thoại, từ đó nâng cao hiệu quả công việc và sự tự tin trong môi trường làm việc hiện đại.
Kyle Butterworth (28 tuổi) từng rất sợ nghe điện thoại khi mới đi làm vào năm 2022. Anh cho rằng sự phát triển của các dịch vụ trực tuyến đã khiến mọi người ngày càng ít giao tiếp trực tiếp.
“Giờ đây, bạn có thể đặt lịch hẹn với bác sĩ hay gọi đồ ăn mà không cần nhấc máy. Mọi thứ đều không cần trò chuyện trực tiếp”, anh chia sẻ.
Để vượt qua nỗi sợ này, Kyle khuyên mọi người nên luyện tập gọi điện và chủ động kiểm soát cuộc trò chuyện. Hãy chuẩn bị trước những gì cần nói, dần dần việc nghe điện thoại sẽ trở nên tự nhiên hơn.
Nhà giáo dục và hùng biện người La Mã Quintilian từng nói rằng: “Chúng ta phải xây dựng tâm trí của mình thông qua đọc sâu hơn là đọc rộng”. Thực hành đọc sâu là một quá trình rèn luyện có chủ đích. Mục Lifestyle giới thiệu với độc giả 6 nguyên tắc phát triển thói quen đọc sâu để không chỉ khám phá thế giới và kiến thức mà còn khám phá về chính bản thân mình.