‘Khen học sinh trước đây thường chỉ là tiền nay có kèm theo sách’

Tôi biết đọc sớm hơn bạn cùng lứa một chút. Ba tôi là một thầy giáo, ông có một tủ sách gia đình phong phú. Ngày nghỉ ông hay dạy tôi làm quen với sách nên tôi thích sách lắm. Còn nhỏ nhưng tôi đã mày mò đọc những Cổ học tinh hoa, Tam quốc chí, Việt Nam sử lược, Trường ca Đam San

Có quyển đọc hiểu được đôi chút, có quyển đọc xong chẳng hiểu bao nhiêu nhưng nói chung vẫn giữ tính ham đọc sách. Có những bộ tạp chí của ba chuyên về nông nghiệp gần trăm cuốn, tôi đọc hết. Ngày nào cũng đọc sách, có khi vừa ăn cơm vừa đọc sách, ba má phải nhắc nhở mới thôi. Nhiều truyện ngắn của nhà văn Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc… tôi nhớ đến giờ.

Ba biết tôi ham đọc sách nên hay mua thêm sách cho tôi. Ba khuyến khích tôi sử dụng tủ sách của ông. Năm học lớp 6 tôi được thầy giáo dạy văn khen vì đã một mình soạn được một bài thuyết trình trước lớp. Tôi nhớ nhan đề của bài thuyết trình đó là “Ngày xưa đi sứ”. Các số liệu, sự kiện, nhân vật… cho bài thuyết trình tôi lấy từ các sách liên quan trong tủ sách của ba. Thầy và các bạn rất ngạc nhiên vì số lễ vật của triều đình nước ta phải cống nạp rất lớn và quý hiếm. Đôi khi để giữ hòa hiếu cho đôi bên, hòa bình cho dân tộc, các triều đại phong kiến nước ta chọn cách làm như thế.

Tang sach anh 1

Lớn lên chút, tôi biết đến Tố Tâm của Song An Hoàng Ngọc Phách, biết đến các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn với Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam… rồi thơ của Xuân Diệu, Chế Lan Viên… Tôi say mê với văn chương của Nguyễn Tuân với Chữ người tử tù, Chiếc lư đồng mắt cua, mãi đến hàng mấy chục năm sau với Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi.

Các em của tôi cũng được truyền cảm hứng đọc sách từ ba. Khen thưởng con trong nhà, ba thường tặng sách chứ không cho tiền hay mua đồ chơi. Ba thích con cái đọc, mua, tự tạo tủ sách cho mình. Ba luôn nhắc nhở nên tìm đọc sách của tác giả tên tuổi, sách có giá trị được quảng bá trong học đường để nâng cao kiến thức và kỹ năng đọc, viết văn.

Tôi biết đến cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước là nhờ tìm đọc được các tạp chí, sách báo của ba. Đất nước thống nhất, tôi học tiếp phổ thông rồi vào sư phạm. Khi đi dạy, tôi mang niềm đam mê đọc sách đến với học sinh. Lương tháng một thầy giáo như tôi những năm 1980 là 38-50 đồng. Gạo 1 hào 1kg. Tôi vẫn để dành tiền mua sách, làm phong phú tủ sách riêng của tôi. Cuốn nào tôi cũng ghi trên trang đầu tiên câu nói của M.Gorki: “Hãy quý trọng sách, vì sách là nguồn gốc của tri thức”.

Tôi nhớ có lần một đồng nghiệp của ba chuyển về quê, người này thích một quyển sách của tôi lắm. Quyển này hiếm, không có tái bản, tôi đắn đo. Nghe lời ba, sách tặng cho một người biết quý sách là điều nên làm, tôi đồng ý. Ngày được nhận sách, ông cảm ơn tôi rất nhiều và hứa giữ gìn cẩn thận.

Tôi khuyến khích học sinh đọc sách. Thẻ độc giả ở thư viện tỉnh của tôi dày đặc ngày tháng mượn đọc sách, có đến hàng trăm cuốn một năm. Tôi hướng dẫn các em đọc sách như thầy. Học sinh có thành tích, tôi tặng sách. Sách tặng cũng chú ý đến sở thích của các em, thiên về lĩnh vực nào cho phù hợp: sách văn học, nghệ thuật, cả giáo dục giới tính.

Tôi vui vì được bạn bè, người thân, học sinh tặng sách. Sách tặng tôi ghi lời đề tặng trân trọng và cũng rất vui khi được tặng sách có chữ ký của người tặng. Mua sách tôi cũng tìm cách có được chữ ký của tác giả để làm kỷ niệm. Tôi cũng được đồng nghiệp hưởng ứng cách làm trên. Trước đây khen học sinh thường chỉ là tiền, nay có kèm theo sách. Học sinh trước tặng nhau quà hiện vật, bánh kẹo, đồ dùng cá nhân, nay có thêm sách.

Sách học cũng quý, sách tham khảo cũng quý, truyện đọc tiếng Việt và cả song ngữ càng quý hơn. Tôi tạo điều kiện cho học sinh tham gia các cuộc thi đọc bình chọn sách hay của các nhà xuất bản trung ương, địa phương. Lớp lập hẳn một giá sách báo với những quyển phù hợp cho học sinh tìm đọc. Rồi toàn trường 40 lớp nhiều năm qua, lớp nào cũng có một giá sách riêng phục vụ học sinh.

Kỹ năng đọc sách nâng cao, chất lượng học thay đổi, học sinh hăng hái tham gia các phong trào thi đọc sách, viết thư, kể chuyện, vẽ tranh theo sách… Quan trọng là làm thay đổi thói quen trong đồng nghiệp và các em là đọc sách tặng sách cho nhau. Thư viện nhà trường thêm phong phú với các phong trào tặng sách cho trường.

Tủ sách Bác Hồ được thành lập, các em gửi tặng sách và được sử dụng chung. Văn hóa tặng sách cho nhau đã từng bước hình thành trong học sinh ở trường tôi và các trường bạn ở địa phương như thế. Rồi các ban ngành đoàn thể cũng bắt đầu tham gia phong trào tặng sách cho các thành viên. Sách mới mua có, sách đã sử dụng nay tặng lại cho tủ sách dùng chung hay cá nhân đều được hoan nghênh. Thư viện trường, thư viện địa phương tổ chức giới thiệu sách hay để mọi người tìm đọc và tặng nhau.

Tôi rất vui khi thấy sách các em học sinh tặng trường, tặng cho nhau và để làm giàu tủ sách cá nhân đa dạng về đề tài. Ngay cả những tác giả lớn trong và ngoài nước những vấn đề có vẻ trên tầm nhận thức của các em về môi trường, lao động, việc làm, bình đẳng giới, hòa bình, chủng tộc, công dân toàn cầu… cũng được quan tâm.

Ngày lễ Tết, tôi rất vui khi nhận được quà tặng là sách từ học sinh. Càng vui hơn khi có phụ huynh các em cùng tặng. Có học sinh đã ra trường nhiều năm ở nhiều vùng miền khác nhau, nhớ thầy cũng gửi sách tặng. Tôi rất trân trọng món quà đó. Tôi tin rằng việc tặng sách sẽ trở thành nét văn hóa đẹp trong cộng đồng.