Học cách lắng nghe người khác

Tam ly phu nu anh 1

Người phụ nữ tinh tế luôn biết cách lắng nghe người khác, từ đó xây dựng mối quan hệ chất lượng. Ảnh: AIA.

Quan tâm đến bản thân là bản tính của con người, mức độ quan tâm đến nhu cầu và vấn đề của bản thân vượt xa người khác, việc khác. Chịu ảnh hưởng của tâm lý này, khi nói đến chủ đề liên quan đến bản thân, phần lớn mọi người đều thao thao bất tuyệt, hoàn toàn không suy nghĩ đến cảm nhận của người nghe. Tuy nhiên, trong cuộc sống, phụ nữ có sức hút thường không phải là người nói không ngớt, mà là người giỏi lắng nghe.

Có nhà tâm lý học từng nói rằng: “Lắng nghe cuộc nói chuyện của người khác bằng sự đồng cảm và thấu hiểu là phương pháp hiệu quả nhất để thắt chặt quan hệ, duy trì tình bạn.” Mọi người khao khát nhận được sự công nhận và tán thưởng, cũng tha thiết hy vọng có được người nghe. Trong tình trạng ai nấy đều mang theo tâm lý này, người có thể buông bỏ bản thân, lựa chọn lắng nghe người khác hiển nhiên là hiếm có và đáng quý.

Có báo cáo chỉ ra rằng, rất nhiều nam giới Nhật Bản vì áp lực công việc và gia đình, sau khi tan làm thường sẽ không về nhà ngay lập tức. Có người sẽ bỏ tiền ra thuê người trò chuyện với mình, mục đích là để có thể nắm giữ quyền chủ động trong cuộc nói chuyện, thể hiện giá trị cá nhân, tìm lại lòng tự tôn bị đè nén.

Có thể thấy, biết lắng nghe có thể thỏa mãn nhu cầu tâm lý, giành được sự tin tưởng của người khác. Vì vậy, học cách lắng nghe là một kỹ xảo mà phụ nữ phải nắm vững trong cuộc sống thường ngày và ở chốn công sở.

Cái gọi là toàn tâm toàn ý lắng nghe, không phải chỉ dùng tai lắng nghe là đủ. Khi lắng nghe người khác nói chuyện, phải dẹp bỏ mọi nhân tố khiến bản thân phân tâm, dùng trái tim đi nhìn thấu tâm ý của đối phương. Không tùy tiện cắt ngang lời đối phương mà chỉ cần yên lặng lắng nghe, duy trì sự tiếp xúc bằng ánh mắt, khiến đối phương cảm nhận được sự chuyên chú của bạn.

Lúc này, nhu cầu được tôn trọng, được tán thưởng của người nói được thỏa mãn, sẽ sản sinh ấn tượng tốt đẹp với bạn từ đáy lòng, thậm chí sẽ cho bạn vào hàng ngũ “người mình”, nói ra những lời với bạn chân thật.

Khi lắng nghe, phải chú ý duy trì tư thế chuyên chú, không được nhìn đông liếc tây, cũng không được làm ra những động tác không tôn trọng người nói như rung đùi, khoanh tay. Làm như vậy tuy cũng là đang nghe, nhưng đồng nghĩa với biến tướng nói với người nói rằng “Tôi không hề có hứng thú với lời bạn nói”, sẽ đả kích tôn nghiêm của người nói.

Có người nói rất để tâm đến phản hồi của người nghe, còn có một số người có tính cách hướng nội, tuy họ có mong muốn biểu đạt, song lại có nhiều lo lắng, khi nói chuyện sẽ xuất hiện tình trạng ngập ngừng ấp úng, muốn nói lại thôi. Lúc này đòi hỏi người lắng nghe phải cho sự khích lệ thích hợp, giúp đối phương thổ lộ tiếng lòng.

Ví dụ, khi đối phương dừng lại hoặc muốn nói lại thôi, có thể ám thị ngôn ngữ, dùng những lời động viên như: “Sau đó thì sao”, “mời tiếp tục”, “hãy nói thêm một chút cho tôi nghe đi”… để khích lệ đối phương nói nhiều hơn, Thông thường, câu càng ngắn gọn càng có sức mạnh, có thể khiến người nói cảm nhận được sự quan tâm cao độ của bạn, từ đó càng phấn khởi hơn.

Một nhà triết học người Pháp từng nói rằng: “Nếu bạn muốn kết thù, hãy thể hiện xuất sắc hơn bạn của bạn; còn nếu bạn muốn có được bạn bè, vậy thì hãy để bạn của bạn thể hiện xuất sắc hơn bạn.”

Dùng trái tim lắng nghe đối phương, khi nói chuyện coi đối phương là trung tâm, có thể khiến đối phương tỏa ra vầng hào quang của nhân vật chính, nảy sinh thiện cảm đối với bạn; khi lắng nghe, tìm thấy điểm đối phương hứng thú, lấy sự việc đối phương cảm thấy hứng thú làm đề tài, dễ công phá được phòng tuyến tâm lý của đối phương hơn, từ đó khiến đối phương thổ lộ tiếng lòng.

Trần Huy học lớp hai của một trường huyện, bởi tính cách hướng nội, về cơ bản Trần Huy không nói chuyện với bạn bè trong lớp, lúc nào cũng lủi thủi một mình, kể cả hoạt động của lớp. Cô Lưu chủ nhiệm lớp nhìn thấy vậy, trong lòng sốt sắng.

Một ngày cuối tuần, cô Lưu đến thǎm nhà Trần Huy. Sau vài câu chào hỏi cha mẹ Trần Huy, cô Lưu đến phòng của Trần Huy. Nhìn thấy trong phòng cậu có bày la liệt mô hình máy bay, cô Lưu bèn cất giọng hỏi: “Em rất thích máy bay à?”

Trần Huy gật đầu: “Vâng, em thích làm phi công.”

Cô Lưu nở nụ cười hòa nhã: “Phi công rất tuyệt! Có giấc mơ, là chuyện tốt, cô ủng hộ em.”

Trần Huy ngẩng đầu lên, kinh ngạc mừng rỡ nói: “Thật sao ạ? Cô Lưu nghĩ như vậy thật ạ?”

Sau khi nhận được thái độ khẳng định của cô Lưu, Trần Huy không còn kiệm lời như thường ngày, nói với cô Lưu bao nhiêu điều xung quanh chuyện máy bay và phi công, cô Lưu mỉm cười lắng nghe, chốc chốc lại khích lệ cậu nói tiếp.

Cuối cùng, Trần Huy nói với cô Lưu rằng, sở dĩ cậu không thích nói chuyện với bạn bè trong lớp, là bởi mọi người đều cười nhạo cậu, nói cậu cản trở lớp học, không học hành tử tế, cả ngày chỉ nằm mơ được làm phi công.

Sau khi cô Lưu biết được nguyên nhân này, đã lấy chủ đề giấc mơ để mở cuộc họp lớp, cho các bạn trong lớp nói thỏa thích, mọi người đều phát biểu sôi nổi, nói về giấc mơ của mình. Từ đó về sau, không có ai cười nhạo Trần Huy nữa, tính cách của cậu cũng dần trở nên cởi mở hơn, có thể chung sống hòa hợp với bạn bè.

Khi trò chuyện với người khác, đừng có lúc nào cũng muốn thể hiện bản thân, chiếm giữ quyền dẫn dắt đề tài. Phụ nữ phải học cách nhường vị trí trung tâm, để người khác có được cơ hội thể hiện, cho người khác cảm giác được quan tâm.

Nhà tâm lý học thông qua quan sát phát hiện ra rằng, mọi người thích người giỏi lắng nghe hơn là người giỏi nói. Trong quá trình lắng nghe, bởi vì nhu cầu của đối phương, bạn sẽ trở thành một người được chào đón nồng nhiệt. Thêm ám thị, sự khích lệ, hưởng ứng thích hợp, phụ nữ có thể dễ dàng nhận được sự tin tưởng của người khác, khiến người khác nói ra tiếng lòng của mình, trở thành “người mình” trong lòng họ.