Theo Từ điển Thành ngữ – Tục ngữ Việt Nam (NXB Văn hóa – Thông tin), “Nuôi ong tay áo” có nghĩa là nuôi dưỡng, giúp đỡ kẻ xấu, phản chủ, rắp tâm hại mình mà không biết.
Trong bài Truy tìm nguồn gốc của một số thành ngữ thuần Việt có nhiều cách giải thích đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ, 9/2012, ThS Đỗ Thị Thu Hương và GS.TS Nguyễn Đức Tồn cũng chỉ ra phần lớn các từ điển giải thích thành ngữ “nuôi ong tay áo” là nuôi dưỡng, giúp đỡ kẻ xấu, làm hại mình.
Tuy nhiên, đi sâu tìm hiểu các thành tố cấu tạo nên thành ngữ này thì có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng “ong” là con ong, “tay áo” tức là ống tay áo, một bộ phận của cái áo.
Hiểu theo cách này, nuôi ong tay áo nghĩa là nuôi con ong trong tay áo, như vậy sẽ có ngày bị ong đốt. Song, ai lại dại dột đến mức nuôi ong trong tay áo mình?
ThS Đỗ Thị Thu Hương và GS.TS Nguyễn Đức Tồn cho rằng đây là một cách hiểu sai lệch về từ nguyên dân gian, có liên quan đến nguồn gốc của thành ngữ trên.
Thực tế, ong tay áo là một loại ong màu đen. Đây là một loài ong rất quen thuộc với những người dân ở các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên…
Ong tay áo thường làm tổ trên cành cây, tổ ong buông thụng xuống như hình dáng ống tay áo nên có tên gọi như vậy. Khi ong tay áo không tìm được chỗ làm tổ trên cây, chúng thường chọn những cột gỗ ngoài hiên, ngoài hè để làm tổ.
Theo quan niệm xưa, loại ong này làm tổ trong nhà thường mang đến những điều không may mắn cho gia chủ, vì vậy, người ta thường hun khói để xua đuổi chúng.
Trái với ong tay áo, loại ong vàng thường làm tổ hình tròn như đài sen, trông rất đẹp. Ong vàng làm tổ trong nhà được coi như một điềm lành, vì vậy, chúng không bị xua đuổi như ong tay áo.
Từ đặc điểm nói trên của loài ong tay áo, người ta quan niệm nuôi con ong tay áo trong vườn nhà tức là nuôi dưỡng mầm họa, nó sẽ mang tai ương đến cho chủ nhà lúc nào không hay.
Do vậy, dân gian có câu thành ngữ “Nuôi ong tay áo”. Sự chuyển nghĩa, từ “con ong tay áo” sang nghĩa “(nuôi dưỡng) mầm họa” dựa vào cơ chế liên tưởng tương đồng, tức ẩn dụ.
Gần nghĩa với thành ngữ “Nuôi ong tay áo” còn có các thành ngữ: Nuôi cò cò mổ mắt, Nuôi khỉ giữ nhà, Nuôi hùm để họa, Nuôi cáo trong nhà, Dưỡng hổ di họa…
Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn
Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ “tuột xích”, về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.