Nước chấm là một phần quan trọng giúp cho các món ăn trở nên đậm đà, tròn vị. Ảnh: SCMP. |
Nước chấm là một phần quan trọng giúp cho các món ăn trở nên đậm đà, tròn vị. Nhiều người thể hiện sự khéo léo của mình với những món nước chấm đòi hỏi sự pha chế cẩn thận, tinh tế.
Trong bữa cơm hàng ngày, nhiều người vẫn thường tiếc chén nước chấm còn nhiều, không nỡ đổ đi mà để dành lại cho lần sử dụng sau.
“Bỏ đi lãng phí, không có mùi khó chịu là được”
Thanh Huyền (25 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) rất thích dùng nước nắm, đặc biệt là các loại đậm đặc, chưa qua pha chế. Cô thường đặt mua các loại nguyên chất, được vận chuyển từ những địa phương nổi tiếng về làm nước mắm nên rất chắt chiu khi sử dụng.
“Mỗi lần lấy nước mắm để chấm, nếu thừa, tôi thường cất đi để dùng tiếp cho bữa sau chứ không đổ đi. Tôi mua loại nguyên chất, giá đắt hơn so với nước nắm công nghiệp nên thấy rất lãng phí nếu bỏ đi”, chị Huyền nói.
Có thói quen tương tự, Phạm Dung (24 tuổi, Phú Thọ) cũng thường xuyên để lại nước chấm còn thừa sau mỗi bữa cơm để tiếp tục dùng.
“Tôi pha nước chấm khá cầu kỳ, luôn phải đủ gia vị như chanh, tỏi, ớt… Những ngày có món đặc biệt, nước chấm cũng phải theo công thức riêng. Bỏ đi nước chấm rất lãng phí, nước mắm cũng thường để được khá lâu, không có mùi khó chịu”, chị Dung chia sẻ.
Phạm Dung cho hay cô thường bảo quản phần còn dư của chén nước chấm trong vào tủ lạnh để dành cho lần sau sử dụng tiếp.
Thực tế, thói quen để lại chén nước mắm từ bữa này sang bữa khác, để lại qua đêm thường khá phổ biến trong bữa cơm của người Việt.
Thói quen để nước mắm lưu trữ từ bữa này sang bữa khác khá phổ biến ở Việt Nam. Ảnh: Pexels. |
Đừng tưởng vô hại
Chia sẻ vấn đề này với với Tri thức – Znews, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng nước mắm có độ mặn cao, bảo quản được lâu nên nhiều người để lại sau dùng tiếp. Chúng ta thường tưởng hành động này vô hại, nhưng thực thế không như vậy.
“Nước mắm đã qua sử dụng chứa rất nhiều thứ trong đó, không còn nguyên chất. Ví dụ, bạn chấm rau, thịt, cá, thậm chí nước bọt của bạn cũng có trong bát nước mắm. Vi khuẩn ở trong miệng hay từ đũa có thể có trong đó. Ngoài ra, các chất hữu cơ lạ từ thức ăn cũng khiến chúng biến chất và dễ bị hỏng”, PGS Thịnh nói.
Ông phân tích thêm nếu là nước mắm nguyên chất có thể chúng không hỏng. Nhưng loại đã qua sử dụng, bị pha loãng bởi thức ăn khi chấm sẽ có các vi sinh vật tấn công. Nhiệt độ môi trường bên ngoài không đảm bảo, để bát nước chấm càng lâu, nguy cơ nhiễm khuẩn càng lớn.
Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, người dân không nên tiếc một chút nước chấm mà giữ lại để sử dụng. Nếu thấy quá lãng phí và còn nhiều, bạn có thể cho vào nêm nếm các món đang đun nấu khác như cá kho, thịt kho….
Ngoài ra, chuyên gia cũng nhấn mạnh vấn đề cả nhà dùng chung bát nước chấm sẽ làm tăng nguy cơ lây lan virus, vi khuẩn. Người dân có thể lây nhiễm chéo là hoàn toàn có thể xảy ra.
“Giải pháp là nếu xác định gia đình có người mắc bệnh truyền nhiễm thì nên sử dụng bát nước chấm riêng hoặc phần ăn riêng trong mâm cơm. Bạn không nên thấy nặng nề mà đây là việc để bảo vệ sức khỏe chung của cả gia đình”, PGS Thịnh cho hay.
Chuyên gia cho rằng tốt nhất ngay từ công đoạn chuẩn bị, pha chế nước chấm, chúng ta nên cân đối lượng thực phẩm sử dụng, lấy lượng nước chấm vừa phải, hết có thể đổ thêm.
Sau khi bữa ăn kết thúc, nước chấm dù rất ngon cũng nên đổ đi. Điều này giúp bạn đảm bảo sức khỏe cho chính mình và cả gia đình.
Bác sĩ là một công việc bận rộn, nhiều áp lực song không ít “thiên thần áo trắng” làm việc tại bệnh viện vẫn dành tình yêu cho sách, cho việc sáng tác những tác phẩm của riêng mình.
Từ những kiến thức y khoa được chia sẻ một cách dễ hiểu, gần gũi, cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe uy tín cho độc giả đến những câu chuyện đời, chuyện nghề tự mình chứng kiến và trải nghiệm, nhiều bác sĩ đã tạo nên những cuốn sách giàu giá trị, được đánh giá cao.