- Đồng sáng lập và CEO The Outbox Company – công ty cung cấp thông tin chuyên sâu về du lịch, khách sạn và điểm đến
Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), năm 2023, ngành du lịch thế giới đã đạt mức 88% so với trước Covid-19 với khoảng 1,3 tỷ lượt khách du lịch quốc tế. Trong đó, ngoại trừ thị trường châu Á vẫn còn bị ảnh hưởng, chủ yếu do sự mở cửa chậm hơn của thị trường Trung Quốc, đa phần các thị trường khác trên toàn cầu đã gần đạt mức phục hồi (như châu Âu 94%, châu Mỹ 90%…) hoặc thậm chí vượt mức năm 2019 như Trung Đông (vượt 22%).
Với sự trở lại của thị trường châu Á, nhu cầu du lịch toàn cầu tiếp tục gia tăng và năng lực kết nối hàng không quốc tế tiếp tục được phục hồi, du lịch thế giới được dự báo rất nhiều khả năng sẽ đạt trạng thái phục hồi hoàn toàn vào năm 2024, với ước tính sơ bộ cho thấy mức tăng trưởng 2% so với năm 2019.
Đà phục hồi tích cực
Du lịch quốc tế của Việt Nam đã đạt mức phục hồi 70% vào năm 2023, xấp xỉ mức phục hồi trung bình của khu vực Đông Nam Á (72%) và cao hơn mức trung bình chung của châu Á – Thái Bình Dương (65%).
Đà phục hồi về quy mô thị trường của du lịch Việt Nam vẫn tiếp tục giữ mức tăng trưởng tích cực trong những tháng đầu năm 2024 khi ghi nhận được hơn 3 triệu lượt khách ngoại trong hai tháng đầu tiên của năm 2024, tăng 68,7% so với cùng kì năm 2023.
Du khách quốc tế thưởng thức cà phê tại một quán tại Thảo Điền (TP Thủ Đức, TP.HCM). Ảnh: Phương Lâm. |
Tuy nhiên, nếu phân tích sâu hơn giai đoạn sau dịch và các năm trước, có thể nhận thấy một đặc điểm rõ nét là cơ cấu nguồn khách quốc tế đến Việt Nam tương đối ổn định qua các năm và gần như không có sự xáo trộn nhiều về mặt tỷ trọng đóng góp của các thị trường khách trong top 15 thị trường hàng đầu trong suốt nhiều năm qua, ngay cả trước và sau dịch.
Ngoại trừ sự tăng trưởng đột biến của thị trường Ấn Độ giai đoạn sau Covid-19, hay sự suy giảm về tỷ trọng của thị trường Nhật Bản hay Nga vì các nguyên nhân khác nhau, các thị trường nguồn có đóng góp lớn về tỷ trọng cho du lịch Việt Nam ở giai đoạn sau Covid-19 không có quá nhiều thay đổi so với trước đây.
Với khả năng phục hồi hoàn toàn quy mô thị trường vào năm 2024, đặc điểm quan trọng này của cơ cấu thị trường khách quốc tế đến Việt Nam cho thấy một bức tranh thị trường gần như không đổi so với thời kì vàng của du lịch Việt Nam là 2018-2019.
Chân dung du khách của mỗi thị trường
Trên thực tế, cấu trúc quy mô và cơ cấu thị trường không có nhiều thay đổi nhưng sau Covid-19, ngành du lịch thế giới đang chứng kiến một sự thay đổi lớn trong hành vi du lịch của du khách. Nói một cách khác, đó chính là sự thay đổi lớn từ chính mỗi du khách.
Khách du lịch trên toàn cầu được khẳng định là đã có những thay đổi rõ rệt trong nhận thức và hành vi khi đi du lịch. Khoảng nghỉ bắt buộc do Covid-19 gây ra kết hợp cùng sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng công nghệ hỗ trợ kết nối dễ dàng với điểm đến khiến cho du khách ngày càng yêu cầu nhiều hơn về những trải nghiệm mang tính cá nhân hoá hay có xu hướng tự thực hiện các chuyến đi tự túc ngày càng nhiều hơn, bất kể họ đến thị trường nào.
Du khách tên Alex (người Kazakhstan) chụp ảnh tại chợ Bến Thành, TP.HCM vào năm 2023. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Một ghi nhận của The Outbox Company vào năm 2022 về hình thức lựa chọn chuyến đi du lịch nước ngoài dựa trên việc khảo sát hơn 4.000 du khách từ ba thị trường truyền thống chiếm khoảng 30% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam hàng năm là Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan cho thấy xu hướng du lịch tự tổ chức chuyến đi đang dần trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu khi đi du lịch nước ngoài của du khách đến từ các thị trường này.
Cụ thể, có đến 75% du khách từ thị trường Hàn Quốc, 61% du khách từ thị trường Nhật Bản và 75% du khách từ thị trường Đài Loan được hỏi cho biết OTAs là nền tảng đặt khách sạn chủ yếu của họ cho các chuyến đi du lịch nước ngoài.
Trong một nghiên cứu khác vào cuối năm 2023 cũng của The Outbox Company đối với thị trường khách Hàn Quốc – thị trường khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam trong năm cũng cho thấy kết quả tương tự khi có đến 72,3 % du khách Hàn Quốc lựa chọn du lịch tự túc hoặc tự túc kết hợp với mua các tour tham quan tại điểm đến khi đi du lịch nước ngoài. Thậm chí, đối với nhóm du khách chưa từng đi du lịch nước ngoài thì cũng có đến 66,2% du khách vẫn có sự lựa chọn tương tự khi được hỏi.
Các kết quả khảo sát riêng đối với một số thị trường tại châu Á ở trên mặc dù không đại diện cho toàn bộ các thị trường nhưng cũng đủ cho chúng ta thấy một bức tranh chuyển dịch rõ rệt về xu hướng du lịch của du khách trong bối cảnh hiện tại. Ở những khu vực có tỷ lệ phục hồi cao hơn như châu Âu hay Bắc Mỹ, đương nhiên con số này sẽ còn có khả năng cao hơn rất nhiều. Điều này một lần nữa khẳng định sự thay đổi trong chân dung du khách các thị trường với việc tăng trưởng mạnh mẽ của nhu cầu du lịch tự túc của khách du lịch trên toàn cầu.
Sự bùng nổ của hình thức du lịch tự túc đi kèm với nhu cầu cá nhân hoá cũng là nền tảng cho việc hình thành các xu hướng du lịch mới trong thời gian tới. Đa phần các xu hướng đều gắn bó chặt chẽ với sự đa dạng trong chân dung và nhu cầu khác nhau của du khách như: phát triển các phân khúc ngách, xu hướng lựa chọn bền vững, sự tăng tưởng của các “du khách chủ động”, chi tiêu hướng tới giá trị, tính bản địa hay ứng dụng AI trong du lịch.
Yêu cầu mới cho ngành cho du lịch Việt Nam
Những thay đổi bắt buộc xuất phát từ nhu cầu của du khách, những người tiêu dùng trực tiếp, đương nhiên sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp du lịch truyền thống trên toàn cầu cần có những thay đổi mới nhằm thích nghi với “tình hình mới”. Các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ.
Sự thay đổi trong chân dung du khách không chỉ đơn thuần là sự thay đổi về hình thức lựa chọn chuyến đi từ theo tour sang tự túc mà còn là điểm bắt đầu của những thay đổi lớn về hệ thống phân phối du lịch, giá trị sản phẩm hay khả năng ứng công nghệ hiệu quả trong du lịch hay thậm chí là chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Đối với một ngành du lịch vốn lâu nay vẫn được xem là thiên nhiều về “phục vụ và vận hành” như tại Việt Nam, những thay đổi trong chân dung du khách có thể được xem là một bài toán lớn cần phải vượt qua không chỉ đối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch mà còn của cả hệ thống ngành du lịch Việt Nam.
Du khách Phil (25 tuổi) và Amy (24 tuổi), cùng là người Anh, thưởng thức ẩm thực tại TP.HCM. Ảnh: Phương Lâm. |
Trong số rất nhiều yêu cầu cần phải làm đòi hỏi ngành du lịch Việt Nam cần có một kế hoạch dài hơi, có thể liệt kê một số yêu cầu chuyển đổi trước mắt mà các doanh nghiệp du lịch Việt Nam có thể ưu tiên thực hiện để nhanh chóng thích nghi với thị trường
▸ Nghiên cứu thị trường và thấu hiểu chân dung khách hàng: Trong bối cảnh chân dung du khách ngày càng đa dạng và liên tục thay đổi như hiện nay, một trong những yêu cầu đầu tiên mà các doanh nghiệp cần học cách thích nghi là lắng nghe và tìm hiểu khách hàng của mình một cách chi tiết và rõ ràng thông qua ứng dụng dữ liệu thay cho phương thức cảm tính trước kia.
▸ Đầu tư vào hoạt động truyền thông quảng bá: Sẽ không thể có khách hàng nếu không đầu tư vào quảng bá tiếp thị. Bên cạnh việc tham gia các sự kiện hội chợ du lịch truyền thống, các doanh nghiệp cũng cần đầu tư và nâng cao hiệu quả hơn cho các hoạt động tiếp thị trực tuyến hướng trực tiếp vào đối tượng du khách – người dùng cuối.
▸ Tận dụng lợi thế của doanh nghiệp bản địa: Sự phát triển của hình thức du lịch tự túc không đồng nghĩa là du khách không có nhu cầu sử dụng các tour du lịch do đơn vị lữ hành cung cấp mà thực chất mang lại nhiều lợi ích hơn cho các doanh nghiệp bản địa tại điểm đến như ở Việt Nam, bởi du khách sẽ có xu hướng tìm kiếm các doanh nghiệp địa phương để trải nghiệm thay vì phải mua một tour trọn gói từ nơi khởi hành.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp bản địa có nhiều cơ hội để phát huy các hiểu biết và lợi thế bản địa của mình trong việc đầu tư xây dựng sản phẩm đặc trưng. Điều này đặt ra yêu cầu về nâng cao năng lực sáng tạo sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước.
Nhằm cập nhật xu thế du lịch trong nước và quốc tế, cũng như nâng cao kiến thức và năng lực tiếp thị, truyền thông cho các doanh nghiệp du lịch, Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với Tạp chí Tri Thức – ZNews và Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis Adventure) tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi mô hình kinh doanh du lịch để theo kịp xu hướng trên thế giới”.
Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, ban, ngành liên quan cùng nhiều đơn vị kinh doanh du lịch trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp khai thác thị trường khách quốc tế. Thông qua hội thảo, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý sẽ cùng thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm thích ứng với những thay đổi trên thị trường, trong đó có xu hướng chuyển đổi từ mô hình B2B thành B2C để đến gần hơn với du khách, từ đó thu hút khách du lịch đến TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Sự kiện diễn ra ngày 4/4 tại Khách sạn Majestic TP.HCM.
Toàn bộ sự kiện sẽ được livestream trên kênh YouTube Du lịch TP.Hồ Chí Minh và dẫn lại trên Tạp chí Tri Thức – Znews.