“Ngành công nghiệp này ở Mỹ chứng kiến sự bùng nổ. Dù bạn muốn mua một chiếc vòi xịt cũng khó mà mua được”, James Lin – người sáng lập BidetKing.com, nền tảng mua sắm thiết bị nhà tắm – nói.
“Tất cả đều đã bán hết… Đã có cuộc tranh giành lớn để mua được nhiều thiết bị hơn”, ông cho biết thêm.
Trong khi nhiều người Mỹ hối hận vì đã mua một số mặt hàng gia dụng, hoặc thậm chí là mua nhà, trong lúc rảnh rỗi thời kỳ đại dịch, họ lại không hề hối tiếc khi lắp các thiết bị xịt rửa ở toilet, theo Washington Post.
Thay vào đó, họ trở thành những “tín đồ” thực thụ, truyền đạt sự tiện lợi của vòi xịt rửa cho gia đình, và bạn bè, cố gắng giúp Mỹ bắt kịp phần còn lại của thế giới về việc sử dụng các thiết bị này.
Vòi xịt vệ sinh đang gây nên cơn sốt tại Mỹ. Ảnh: Kohler Co. |
“Tôi đã phải lòng chúng”
Rosanne Orgill, sống ở ngoại ô Thành phố Salt Lake, đã mua 3 thiết bị xịt rửa lắp trực tiếp vào bồn cầu năm 2020.
Chồng của Orgill, người đã đi du lịch đến hàng chục quốc gia trước khi cả hai gặp nhau, “thường nói về việc thiết bị vệ sinh này tuyệt vời như thế nào và… thật kỳ lạ khi ở Mỹ lại không có nó, vì thực sự không có cách nào tốt hơn để tự vệ sinh”, cô kể lại.
Vì vậy, khi nguồn cung giấy vệ sinh khan hiếm, Orgill nhìn thấy quảng cáo thiết bị xịt rửa và quyết định đặt hàng.
“Tôi đã phải lòng chúng”, cô nói. “Tôi không hiểu sao mọi người có thể sống thiếu chúng”.
Giống Orgill, Ryan Deitsch cảm thấy buộc phải suy nghĩ về giải pháp thay thế trước nguy cơ hết giấy vệ sinh trong mùa dịch.
Lớn lên ở Florida, gia đình anh từng nhiều lần tích trữ giấy vệ sinh trong mùa bão.
“Những việc chúng tôi đang làm (tích trữ giấy vệ sinh) có nhất thiết là cách đúng đắn không? Đó có phải phương án tốt nhất, hay còn cách nào khác?”, Deitsch chia sẻ về cân nhắc hồi đại dịch.
Sau tình trạng khan hiếm giấy vệ sinh thời Covid-19, hàng loạt người Mỹ đổi sang sử dụng thiết bị xịt rửa. Ảnh: American Standard. |
“Mọi người thực sự bắt đầu suy nghĩ lại cuộc sống hàng ngày của họ. Và trong trường hợp của tôi cùng nhiều người khác… chúng tôi đã mua vòi xịt vệ sinh”, anh cho hay.
Deitsch tự nhận mình là “người hâm mộ trung thành tuyệt đối” của thiết bị này. Anh cảm thấy sạch sẽ hơn. Việc cắt giảm sử dụng giấy vệ sinh cũng giúp gia đình tiết kiệm tiền và giảm tác động đến môi trường.
Trước đại dịch, Sydney Cano, sống tại bang Virginia, được những người bạn theo đạo Hồi khuyên sử dụng thiết bị xịt rửa. Kinh Koran có hướng dẫn cụ thể về sự sạch sẽ và nhà vệ sinh ở các nước Hồi giáo thường có vòi xịt rửa.
Mặc dù đã mua và lắp đặt thiết bị xịt rửa trong thời gian xảy ra đại dịch sau đó, Cano chỉ ước mình lắng nghe lời khuyên sớm hơn. Cô có niềm ưa thích đặc biệt với thiết bị này và đã thuyết phục thành công mẹ cùng bạn trai tạo thói quen giống mình.
“Cuộc sống của tôi thực sự thay đổi. Tôi không hề phóng đại, giờ tôi không thể sống thiếu nó”, cô cho biết.
Thay đổi thái độ
Bất chấp làn sóng chuyển đổi mới, Mỹ vẫn tụt lại khá xa so với nhiều quốc gia khác về mức độ sử dụng thiết bị xịt rửa, trong khi đứng đầu thế giới về mức sử dụng giấy vệ sinh tính theo đầu người.
Các vòi xịt rửa có thể được tìm thấy trên khắp châu Á, châu Âu và Nam Mỹ. Chẳng hạn, khoảng 8 trong 10 hộ gia đình Nhật Bản có hệ thống xịt rửa hiện đại ở bồn cầu, theo cuộc khảo sát năm 2018 của chính phủ nước này.
Năm 1975, Italy thông qua luật yêu cầu các gia đình cần lắp vòi xịt rửa riêng biệt.
Trong khi đó, thị trường ở các tiểu bang Mỹ dường như chỉ mới được mở rộng. Theo cuộc thăm dò của YouGov, ngày càng nhiều người Mỹ quan tâm đến việc sở hữu chiếc vòi xịt nhưng chỉ có 6% người trưởng thành có sẵn thiết bị này trong nhà.
Dù vậy, Lin cho biết ông đã quan sát thấy sự khác biệt rõ rệt trong thái độ của người Mỹ đối với vòi xịt vệ sinh, thể hiện qua nhận xét dưới quảng cáo trên Facebook của công ty ông.
Trước đại dịch, “có rất nhiều người nói: ‘Ôi Chúa ơi, điều này thật kỳ lạ’, ‘tại sao lại có người muốn làm điều này?’”, ông kể lại và cho hay kiểu nhận xét đó giờ ít xuất hiện hơn nhiều.
Thái độ của người Mỹ đối với vòi xịt vệ sinh đã thay đổi. Ảnh: Tushy. |
Miki Agrawal, người sáng lập và giám đốc sáng tạo của công ty khởi nghiệp chuyên thiết bị xịt rửa vệ sinh Tushy, cho biết họ đã chứng kiến doanh thu tăng gấp 5 lần trong năm 2020 và vẫn chưa chững lại.
Agrawal coi tình trạng thiếu giấy vệ sinh là động lực giúp những người tò mò về vòi xịt cuối cùng cũng có “bước nhảy vọt”.
Bà chia sẻ trong nhiều năm trước đó, những công ty như của bà đã đặt nền móng, thuyết phục thị trường rằng dùng giấy kém vệ sinh và đắt đỏ hơn, có thể tăng nguy cơ một số bệnh mạn tính như nhiễm trùng đường tiết niệu và bệnh trĩ.
“Rồi đến năm 2020, chúng tôi có hàng triệu người chấp nhận vượt qua giới hạn và tất cả đều phát cuồng”, Agrawal nói.
Trên thực tế, nhiều người đã nhảy vào cuộc chơi đến mức một số người tiêu dùng như Josh Stutte khó mà mua được thiết bị này. Sau đó, vào dịp Giáng sinh năm 2020, anh rể của anh đã tặng cho gia đình món quà hoàn hảo: Một vòi xịt vệ sinh.
Theo Bill Strang, chủ tịch điều hành và thương mại điện tử của Toto – nhà sản xuất bồn cầu, vòi xịt vệ sinh cao cấp có trụ sở tại Nhật Bản – vòi xịt rửa đang dần trở thành quà tặng phổ biến.
“(Doanh số bán thiết bị này) tăng gấp 2-3 lần trong một số trường hợp (vào những ngày nghỉ lễ). Thật đáng chú ý”, ông chia sẻ.
Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm “100 cách sống hạnh phúc”. Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.