YTL đang tìm kiếm cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Ảnh: YTL. |
Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Joshua Yeoh Keong Junn, Tổng giám đốc Fico-YTL cho biết Việt Nam đã luôn là thị trường chiến lược trong khu vực mà tập đoàn YTL chú trọng.
Khởi đầu là một nhà thầu nhỏ tại Malaysia từ năm 1955, YTL hiện là tập đoàn đa quốc gia với vốn hóa khoảng 25,2 tỷ USD, hoạt động xuyên suốt ngành xây dựng như phát triển bất động sản, đầu tư cơ sở hạ tầng, viễn thông và sản xuất vật liệu xây dựng. Các dự án của YTL đã hiện diện ở các thị trường quốc tế như Anh, Nhật Bản, Singapore, Australia…
Tại Việt Nam, tập đoàn gia nhập cách đây 6 năm thông qua thương vụ mua lại CTCP Xi măng Fico Tây Ninh (TAFiCO) và đổi tên thành Fico-YTL. Công ty hiện có nhà máy đặt tại Tây Ninh cùng hệ thống trạm nghiền tại TP.HCM và Bình Dương.
“Sau 6 năm đầu tư vào Việt Nam, chúng tôi muốn tiếp tục tận dụng những cơ hội đầu tư khác, bên cạnh xi măng, là những ngành nghề có trong hệ sinh thái hoạt động của tập đoàn 70 năm qua, để góp phần vào hành trình phát triển sắp tới của Việt Nam”, ông Joshua Yeoh Keong Junn chia sẻ.
Tìm cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam
Chia sẻ với Tri Thức – Znews, ông Joshua nhấn mạnh tiềm năng của năng lượng tái tạo tại Việt Nam, bao gồm cả việc phát triển các dự án điện mặt trời độc lập lẫn xây dựng trung tâm dữ liệu “xanh”, tương tự dự án công viên dữ liệu “xanh” lớn nhất thế giới do tập đoàn hợp tác đầu tư với Nvidia tại Johor Bahru, Malaysia, với công suất lên đến 500 MW và được vận hành hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời.
“Với kinh nghiệm của tập đoàn và các cơ hội tại Việt Nam, chúng tôi rất tự tin và đang tích cực tìm kiếm cơ hội trong các lĩnh vực này”, ông Joshua Yeoh Keong Junn chia sẻ, nhưng từ chối tiết lộ các kế hoạch cụ thể của YTL.
Ông Joshua Yeoh Keong Junn, Tổng giám đốc Fico-YTL chia sẻ với báo chí. Ảnh: YTL. |
Ông Nguyễn Công Bảo – Giám đốc điều hành Fico-YTL nói thêm rằng hơn 2 năm qua, tập đoàn đã và đang đánh giá những cơ hội mua bán và sáp nhập (M&A), đầu tư trong ngành xi măng cũng như các lĩnh vực khác, trong đó có trung tâm dữ liệu, có thể thông qua Fico-YTL hoặc một công ty mới sau này.
Trước đó, cuối tháng 11/2024, trong buổi làm việc với Tổng Bí thư Tô Lâm tại Malaysia, ông Francis Yeoh Sock Ping, Chủ tịch Điều hành Tập đoàn YTL Corporation Berhad đã bày tỏ tin tưởng vào xu hướng phát triển năng lượng sạch, chuyển đổi số của Việt Nam và mong muốn xây dựng một trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.
Tiềm năng của vật liệu xây dựng “xanh”
Riêng trong lĩnh vực xi măng, ông Nguyễn Công Bảo cho hay tập đoàn này sẽ tiếp tục đầu tư dây chuyền sản xuất mới cho nhà máy ở Tây Ninh, nâng công suất nhà máy khoảng 50% lên khoảng 3,5 triệu tấn nhằm hiện thực hóa mục tiêu là một trong những nhà sản xuất xi măng hiệu quả nhất và xanh nhất tại Việt Nam.
Hiện tại, doanh nghiệp công bố toàn bộ danh mục sản phẩm đều là sản phẩm “xanh”, đạt chuẩn tối thiểu giảm phát thải CO2 so với xi măng truyền thống ít nhất là 30%, cao nhất giảm tới 70%.
Tuy nhiên, cơ hội cho dòng sản phẩm này tại Việt Nam, theo ông, chủ yếu chỉ nằm ở phân khúc xây dựng công nghiệp.
“Về cơ sở hạ tầng, tư duy hiện nay là giá thành và chất lượng, khái niệm xi măng xanh chưa được thẩm thấu, hiện cũng chưa có tiêu chí vật liệu xanh trong phát triển hạ tầng. Với nhà dân dụng, người dân thường không trực tiếp mua xi măng. Do đó, cơ hội chỉ còn trong phân khúc xây dựng công nghiệp, tức các nhà máy, tòa nhà văn phòng, chung cư, trung tâm thương mại. Chúng tôi rất mong chờ một tiêu chuẩn công trình xanh bắt buộc tại Việt Nam”, ông Bảo phân tích.
Ông Nguyễn Công Bảo – Giám đốc điều hành Fico-YTL (phải) cùng ông Joshua trả lời báo chí. Ảnh: YTL. |
Chia sẻ thêm với Tri Thức – Znews về hợp tác với các tổng thầu và chủ đầu tư trong phân khúc xây dựng công nghiệp, ông Bảo cho biết tại Việt Nam hiện có hai công trình nhà máy có vốn đầu tư lớn như Lego và Pandora hướng đến chuẩn LEED, và cả hai đều chọn Coteccons làm tổng thầu.
Theo ông Bảo, Fico-YTL và Coteccons đã ký hợp đồng hợp tác chiến lược, qua đó Fico-YTL là đối tác của Coteccons trong các dự án “xanh” tương tự. Tuy nhiên, ông khẳng định giá cả phải rất cạnh tranh, không thể vì yếu tố “xanh” mà ảnh hưởng hiệu quả kinh doanh.
“Ngoài ra, hiện tại các dự án thường cân nhắc lắp đặt điện mặt trời áp mái hơn là tổng thể công trình bao gồm tất cả hạng mục xây dựng và vật liệu xây dựng. Do đó, bước tiếp theo để tạo sự thay đổi vượt bậc là tiêu chuẩn công trình xanh bắt buộc”, ông một lần nữa nhấn mạnh.
Dù vậy, ông cho rằng với sự trở lại Nhà Trắng của ông Donald Trump, thị trường có thể hi vọng vào làn sóng đầu tư công nghiệp tại Việt Nam. Hiện tại, ông cho biết ở một số địa phương, chẳng hạn Tây Ninh nơi Fico-YTL có nhà máy, hoạt động xây dựng nhà xưởng đang rất tích cực. Ông dự báo nhu cầu xi măng tăng nhẹ 2-3% trong năm 2025 và sẽ mạnh hơn từ năm 2026 trở đi.
Hiện tại, doanh nghiệp đang chủ động làm việc với các đối tác tại các vùng dự kiến là trọng điểm phát triển khu công nghiệp phía Nam trong năm 2025 như Long An, Tây Ninh… đồng thời tìm kiếm cơ hội để góp mặt vào các dự án lớn về cầu đường, sân bay, năng lượng như nhà máy điện gió, điện khí, cảng Cần Giờ, khu đô thị lấn biển Cần Giờ…
Tri Thức – Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.