Cú sốc khi trở lại văn phòng của freelancer

9h mỗi ngày, Thanh Ngọc (25 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) xách xe ra đường để đến văn phòng ở quận 3. Khung cảnh này trái ngược với thời điểm 3 năm trước, khi cô còn là freelancer (nhân sự tự do) và được tự quyết định thời gian – địa điểm làm việc của mình.

Nhưng có lý do để Thanh Ngọc từ bỏ công việc “trong mơ” của nhiều người.

“Có những chuỗi ngày tôi chỉ lặp đi lặp lại 2 hoạt động: đòi nợ và nằm chờ việc. Khách hàng chậm thanh toán, tôi cũng thiếu tiền sinh hoạt. Đợt dịch, thấy bạn bè vẫn được công ty hỗ trợ lương, phụ cấp trong khi mình chẳng có đãi ngộ gì. Tôi cảm thấy cần tìm việc làm văn phòng trước khi quá muộn”, Ngọc chia sẻ với Tri Thức – ZNews.

Cách đây vài năm, làm công việc tự do được xem là khao khát của nhiều người. Theo khảo sát của Anphabe vào năm 2023, có đến 26% những người làm công việc văn phòng chuyển sang làm freelance. Những “cổ cồn trắng” đều mong muốn tìm được một công việc tự do về thời gian, thoải mái tinh thần và có thu nhập ổn định.

Song, khi thế giới văn phòng bắt đầu xoay chuyển, trước những áp lực về tài chính, quản lý thời gian, mối quan hệ, kỹ năng, nhiều người phải từ bỏ công việc tưởng chường đã là đích đến để quay trở lại văn phòng.

Các yếu tố về lương thưởng, phúc lợi, bảo hiểm là vấn đề được freelancer ưu tiên cân nhắc hàng đầu. Tuy nhiên đổi lại, không ít người phải bối rối làm quen lại với văn hóa doanh nghiệp và những quy định bắt buộc khi trở thành một dân văn phòng.

cuu freelancer,  quay lai van phong,  cong viec freelance,  cham cong,  nhan vien van phong anh 1

Làm công việc tự do từng là ước mơ của nhiều người. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Freelancer bối rối quay lại văn phòng

Trước khi tốt nghiệp, Ngọc đã là cộng tác viên nội dung cho một số công ty truyền thông. Công việc tự do giúp cô có thể làm việc bất cứ đâu. Tuy nhiên, do tuổi nghề còn non trẻ, cô không có nhiều mối quan hệ trong ngành để được nhận các dự án lớn.

Là người chưa từng làm việc văn phòng đúng nghĩa, Ngọc choáng ngợp với nhiều quy định tại công ty.

cuu freelancer,  quay lai van phong,  cong viec freelance,  cham cong,  nhan vien van phong anh 2

Thanh Ngọc trở thành nhân viên văn phòng vì thu nhập bấp bênh, khó phát triển thêm.

Cô phải chấm công 9h30 mỗi ngày, nếu quên check-out sẽ bị tính không ngày lương. Mỗi năm Ngọc có 14 ngày nghỉ phép, tuy nhiên không thể nghỉ kéo dài trên 7 ngày. Cô cũng phải chú ý đến tác phong, cách ăn mặc, thái độ ứng xử khi đến làm việc tại văn phòng.

“Tôi còn phải làm việc với các sếp, chuyện gì cũng phải báo cáo. Thời gian đầu tôi cũng phải cố làm thân với đồng nghiệp. Tôi không giỏi trong chuyện đó”, cô nói.

Song, đổi lại, Ngọc có được mức thu nhập cố định hàng tháng và những phúc lợi như cô mong muốn.

“Việc đều đặn nhận được lương hàng tháng khiến tôi yên tâm có thể chi trả các hóa đơn”, cô nói.

Công việc mới cũng giúp Ngọc được học hỏi, mở ra nhiều mối quan hệ. Theo lời nhân viên này, cô được tham gia các khóa học workshop do công ty tổ chức, được dự các hội thảo, sự kiện chuyên ngành, từ đó Ngọc được mở rộng kỹ năng, kiến thức về nghề nghiệp.

Trong khi đó, Yến Nhi (29 tuổi, quận 3, TP.HCM) tự nhận mình là người thực dụng khi quay trở lại văn phòng. Trước đây, cô là một “cổ cồn trắng” chính hiệu, thậm chí đã lên vị trí quản lý.

Tuy nhiên, sau một thời gian kiệt sức vì văn hóa làm việc OT (làm thêm giờ) tại công ty cũ, cô xin nghỉ việc dù và trở thành freelancer từ đó.

“Tôi sắp lập gia đình và dự định sớm có em bé. Tôi muốn có thu nhập cố định, có bảo hiểm, trợ cấp thai sản để giảm bớt lo toan”, cô nói.

Với Yến Nhi, là freelancer hay nhân viên văn phòng đều có những thuận lợi và bất lợi. Điều quan trọng là xác định thời điểm và ưu tiên mục tiêu nghề nghiệp.

“Tôi khá khó tính khi quay lại văn phòng làm việc. Tôi đã có kinh nghiệm làm việc, nên khắt khe trong việc lựa chọn các công ty để ứng tuyển. Tôi đề cao những công ty có chế độ làm việc hybrid (làm việc kết hợp từ xa và lên văn phòng), sếp trẻ trung, môi trường năng động”, cô nói.

Mất khoảng 6 tháng, Nhi mới có thể đầu quân cho một công ty đáp ứng các tiêu chí cô đề ra. Cô nhận được mức lương cao cố định hàng tháng cùng hàng loạt phúc lợi bảo hiểm, ngày nghỉ, chính sách chăm sóc sức khỏe cho cả bố mẹ.

Song việc quay trở lại văn phòng sau một thời gian cũng khiến Yến Nhi choáng ngợp.

“Tôi phải xây dựng lại cho mình một nhóm nhân sự riêng để quản lý, thích nghi với văn hóa họp hành ở công ty mới. Ngoài ra, tôi phải tham gia những buổi gặp mặt, giữ mối quan hệ với khách hàng của doanh nghiệp. Điều này tốn khá nhiều thời gian riêng tư của tôi”, cô nói.

HR khó tuyển dụng, lãnh đạo khó quản lý

Xem xét hồ sơ ứng tuyển vị trí marketing trong đợt tuyển dụng đầu năm của công ty, Minh Nhi (26 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội), chuyên viên HR, ái ngại khi nhận thấy 5/15 người có kinh nghiệm làm việc freelance (tự do).

Nhi gặp khó khi đánh giá năng lực của ứng viên freelancer. Người lao động tự do không có thư giới thiệu của đơn vị từng công tác, khó chứng thực kinh nghiệm làm việc.

Ngoài ra, portfolio của một số nhân sự cũng chỉ bao gồm thông tin sơ lược về các dự án tham dự, không nêu rõ vị trí, mức độ cống hiến. Minh Nhi cũng không thể xác nhận kết quả của các sản phẩm này.

Bộ câu hỏi cô thường xuyên đặt ra cho ứng viên freelancer là: “Dự án bạn liệt kê đã được phê duyệt chưa?”, “Chương trình đem về hiệu quả truyền thông, doanh thu thế nào cho chủ đầu tư?”. Tuy nhiên, câu trả lời từ phía ứng viên ít khi khiến chuyên viên HR hài lòng.

Không chỉ khó đánh giá năng lực nhân sự một cách chính xác, chuyên viên HR này còn nhiều lần bất ngờ trước hàng loạt yêu cầu mà ứng viên có kinh nghiệm làm việc tự do đưa ra cho công ty. Trong vòng trao đổi về trách nhiệm và quyền lợi, những người lao động này thường đề xuất về thời gian, không gian làm việc linh hoạt, số ngày nghỉ phép nhiều.

“Một số bạn sẵn sàng từ chối công việc nếu doanh nghiệp không cho phép work from home 4 ngày/tuần. Dù công ty có mô hình làm việc hybrid, tôi cũng không thể đồng ý cho các bạn chỉ đến văn phòng 1 ngày/tuần”, Minh Nhi nói.

cuu freelancer,  quay lai van phong,  cong viec freelance,  cham cong,  nhan vien van phong anh 3

Mỹ Lan gặp khó khăn khi quản trị, ứng xử với cấp dưới từng làm việc freelance.

Trưởng phòng kinh doanh Mỹ Lan (31 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng gặp khó khăn khi quản trị, ứng xử với cấp dưới từng làm việc freelance. Với 2 nhân sự từng lao động tự do mới gia nhập bộ phận, Lan thường xuyên phải nhắc nhở về thái độ làm việc.

Cụ thể, 2 nhân viên này hay đi làm muộn đến 30 phút, chậm giờ họp, quá giờ giao ban. Ban đầu, Mỹ Lan không chỉnh đốn nặng nề, sợ nhân sự áp lực, lo lắng, gặp khó khăn khi thích nghi với môi trường làm việc mới.

Tuy nhiên, khi phòng kinh doanh bị lãnh đạo cấp cao nhắc nhở, trưởng phòng này phải mở lời góp ý. Cô thậm chí phải đưa ra hình phạt cụ thể về việc đi làm muộn đối với cả bộ phận.

Không chỉ đến văn phòng muộn, nhân sự có kinh nghiệm làm việc tự do dưới quyền quản lý của Mỹ Lan còn thường xuyên nộp sản phẩm vào tối muộn, khiến cô phải kiểm tra email, tin nhắn trong thời gian nghỉ ngơi. Giờ giấc làm việc tùy hứng của 2 trường hợp này khiến trưởng phòng kinh doanh 31 tuổi nhiều lần đau đầu, song chưa tìm thấy phương án giải quyết phù hợp.

Ngoài ra, một số nhân viên cũng phản ánh với Lan về cách ứng xử kém khéo léo của nhân sự freelance với đồng nghiệp. Họ không quen với hình thức làm việc nhóm, thường chỉ hoàn thành phần việc cá nhân, ít góp công sức cho những tác vụ chung của bộ phận.

2 nhân sự này cũng hiếm khi có mặt trong những buổi liên hoan, team building của phòng ban, không hào hứng với hoạt động tập thể. Bài toán của Mỹ Lan hiện tại là vừa xoa dịu nhân sự cũ vừa giúp nhân viên quen tác phong làm việc tự do hòa nhập với văn phòng.

Thỉnh thoảng, thái độ của những nhân viên này với sếp cũng khiến Lan không hài lòng. Người lao động tự do sẵn sàng phản bác ý kiến của cấp trên một cách gay gắt trong các cuộc họp chung. Dù hiểu rằng họ chưa từng có lãnh đạo, không biết cách ứng xử với quản lý, cô không khỏi bức xúc.

“Khi là freelancer, các bạn làm việc với đơn vị khác dưới cương vị đối tác. Tuy nhiên, khi đi làm ở doanh nghiệp, các bạn là nhân viên của tôi”, Mỹ Lan chia sẻ với Tri thức – ZNews.

Cái giá khi quá thân thiết với đồng nghiệp

Năng suất làm việc giảm và những hiểu lầm không đáng có là những rủi ro có thể xảy ra khi quá thân thiết với đồng nghiệp.

Ưu tiên nhân viên tài năng hay thâm niên?

Có bao nhiêu người trong số nhân viên của bạn mà nếu tuyển dụng lại bạn sẽ chọn họ? Bao nhiêu trong số họ chỉ dừng ở mức tầm trung và bao nhiêu người bạn chỉ đang chịu đựng? Đó cũng là câu hỏi khiến hai tác giả Andreas Krebs và Paul Williams phải băn khoăn trong cuốn Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại.