Cưới vợ cho “con trai”
Ngày 20/3 vừa qua, ông Nguyễn Trung Chắt (SN 1952, Lạng Sơn) đứng ra tổ chức lễ cưới cho “con trai” Quốc Hưng (SN 1991, Lạng Sơn) tại khuôn viên Trung tâm Hy Vọng Lộc Bình (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn).
Ông Chắt là người sáng lập Cơ sở Bảo trợ xã hội ngoài công lập Trung tâm Hy Vọng (2 cơ sở ở Lạng Sơn, 1 ở Hưng Yên), nuôi dưỡng hơn 200 trẻ mồ côi, hoàn cảnh khó khăn.
Anh Hưng được ông Chắt nhận nuôi tại Trung tâm Hy Vọng Lộc Bình từ năm 2003. Anh Hưng mồ côi cha. Mẹ anh đau ốm không đủ sức nuôi 8 người con. UBND xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình, đã đề nghị ông Chắt hỗ trợ gia đình anh Hưng.
Ông Chắt phát biểu tại lễ cưới của “con trai”. |
Ông Chắt đến thăm, thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, quyết định nhận nuôi anh Hưng là người con bé nhất trong nhà.
Anh Hưng là 1 trong 48 trẻ được ông Chắt đưa về Trung tâm Hy Vọng Lộc Bình nuôi dưỡng đợt đầu tiên.
Trong quá trình nuôi dạy, ông Chắt nhận thấy anh Hưng nỗ lực học tập, có ý chí vươn lên. Thế nên, ông tạo điều kiện cho anh học hành thành tài.
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành Công tác xã hội, anh Hưng quyết định trở về quê, hỗ trợ ông Chắt quản lý trung tâm.
Dù không gọi ông Chắt một tiếng “cha” nhưng trong tâm khảm, anh Hưng luôn nghĩ: “Bác không sinh ra tôi nhưng chăm sóc, lo lắng không khác một người cha. Nếu không có bác thì không có tôi bây giờ”.
Với lòng kính trọng vô vàn, anh Hưng luôn cậy nhờ ông Chắt chỉ bảo, lo liệu những chuyện hệ trọng của đời người.
Khi tìm được một nửa yêu thương, anh Hưng về tâm sự, nhờ ông Chắt đến nhà gái xin phép, bàn chuyện cưới xin.
Vợ chồng ông Chắt đại diện, dẫn đoàn nhà trai đi rước dâu. |
“Hưng trưởng thành ở trung tâm, được tôi nuôi dưỡng, chăm sóc. Dù không có công sinh nhưng vẫn được Hưng xem như cha.
Việc lớn việc nhỏ, cháu đều tin tưởng, nhờ tôi tư vấn. Vì vậy, việc quan trọng nhất đời người là dựng vợ gả chồng, tôi tất nhiên phải đứng ra lo liệu cho cháu.
Cuộc sống gia đình bắt đầu từ đám cưới. Lễ cưới có tròn đầy, thuận lợi thì vợ chồng mới hạnh phúc. Vậy nên, vợ chồng tôi đại diện nhà trai làm lễ ăn hỏi, tổ chức lễ cưới cho Hưng”, ông Chắt chia sẻ.
Ông Chắt cho biết, anh Hưng chưa có thu nhập ổn định. Hàng tháng, ông hỗ trợ anh một khoản nhỏ để tiêu dùng cá nhân. Vì vậy, chi phí cưới xin cho phía nhà trai đều được ông chi trả.
Để tiết kiệm, ông huy động học viên của trung tâm chung tay chuẩn bị lễ cưới cho “anh cả”. Những bạn trưởng thành, biết việc thì ông mua vải về, nhờ họ may phông màn. Số khác làm nhiệm vụ giăng đèn kết hoa, trang trí phòng cưới.
Mặt khác, ông thuê người sửa sang nhà cửa, làm lại phòng tân hôn, mua sắm tủ bàn, giường ghế, chăn màn… cho “con trai”.
Người cha không cùng máu mủ tặng quà cho vợ chồng con trai trong ngày cưới. |
Ông Chắt vui vẻ cho biết: “Tôi có con trai, con gái. Tôi lo cho con ruột thế nào thì đến Hưng, tôi cũng lo đầy đủ như thế. Con cái xây dựng gia đình, mình phải lo trọn vẹn mới đúng.
Trong hôn lễ, vợ chồng tôi trao cho vợ chồng Hưng món quà nho nhỏ, thuê người chuẩn bị mâm cỗ. Hôm đó thật rộn ràng, có nhiều người đến chúc phúc cho hai cháu”.
Yêu cầu “các con” không gọi “cha”
Sau lễ cưới, ông Chắt định hướng, ngoài quản lý Trung tâm Hy Vọng, anh Hưng cần tìm thêm việc bên ngoài.
Với kiến thức được học, anh hoàn toàn có thể phát triển dịch vụ chăm sóc trẻ đặc biệt, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình riêng.
Không chỉ đối xử tốt với anh Hưng, học viên của trung tâm đều được ông Chắt quan tâm, chăm sóc như nhau.
Ông muốn học viên xem nhau như anh em một nhà. Thế nên, ông làm gương cho “các con” bằng việc quan tâm, chăm lo đồng đều.
Năm 2003, ông nhận nuôi 48 em đầu tiên. Ông không để ý từng cá nhân, không phân biệt lớn bé, ngoan hay không ngoan. Nếu mua bánh, ông sẽ mua đủ 48 cái, cái nào cũng bằng nhau.
Tất cả học viên được ông giúp đỡ đến nơi đến chốn, định hướng học nghề hoặc cao đẳng, đại học.
Ông Chắt tâm sự: “Theo quy định, trung tâm bảo trợ chỉ nuôi trẻ đến đủ 18 tuổi thì các cháu phải ra ngoài tự lập. Thế nhưng, tôi thường giúp đến nơi đến chốn đối với những cháu có chí, năng lực phát triển.
18 tuổi, các cháu chưa đủ sức để vừa học vừa làm. Không đủ tiền trang trải thì làm sao tiếp tục học nghề, chứ chưa kể đến học cao đẳng, đại học.
Mình đã giúp các cháu hơn 10 năm ở trung tâm thì tiếc gì mà không cố gắng lo thêm 2 năm học nghề. Có tay nghề, các cháu có thể tự lập, ra đời trọn vẹn hơn”.
Vợ chồng ông Chắt chụp ảnh cùng bạn bè và những đứa con không cùng máu mủ. |
Dù chăm lo cho học viên không khác một người cha, nhưng ông Chắt quy định mọi người không được gọi cha mà phải gọi là bác.
Ông lý giải, bản thân đã lớn tuổi, trong khi học viên có nhiều độ tuổi khác nhau. Nếu để học viên gọi cha thì không ổn, không đúng, gọi là bác có vẻ hợp lý hơn.
Bác thì lớn hơn cha mẹ một chút, kém ông bà một chút, vừa vặn để ông dạy dỗ các cháu.
Ngoài ra, ông Chắt không muốn cách xưng hô “cha – con” trở thành sợi dây ràng buộc trách nhiệm.
“Nếu gọi tôi là cha thì sau này, khi rời khỏi trung tâm, các cháu vẫn nặng lòng, nghĩ đến chuyện ‘uống nước nhớ nguồn’.
Tôi không muốn các cháu mang nặng tâm lý trả ơn. Cháu nào nhớ thì nhớ, không nhớ, không về thăm cũng không sao. Đôi bên chẳng có ràng buộc, các cháu không cần có trách nhiệm với tôi.
Với lại, mỗi người chỉ có một bố một mẹ, phân biệt bố nuôi, bố đẻ chi cho phức tạp”, ông Chắt cho biết.
Tấm lòng nhân ái của ông Chắt đã giúp anh Hưng và các học viên khác có ngày hôm nay tốt đẹp hơn. Ông đã gieo hy vọng cho những đứa trẻ mồ côi, khó khăn về một tương lai tốt đẹp hơn.