Trong những năm cuối đời, García Márquez đã viết Cho tới tháng 8 khi trí nhớ của ông ngày càng kém đi. Đó là câu chuyện về một người phụ nữ luôn đến thăm mộ mẹ trên một hòn đảo ở Caribe vào tháng 8 hằng năm. Trong mỗi chuyến đi, cô đều tìm người tình một đêm dù đang có cuộc hôn nhân êm đẹp với chồng.
Khi thấy mình ngày càng lú lẫn, García Márquez đã mất niềm tin vào sáng tác sau cùng của bản thân tới nỗi trước khi qua đời, ông yêu cầu tiêu hủy Cho tới tháng 8 dù đã viết lại 5 lần. Cho đến nay, bản thảo vẫn được cất tại kho lưu trữ di sản của nhà văn người Colombia ở Trung tâm Harry Ransom ở Texas (Mỹ).
Gonzalo García Barcha giới thiệu cuốn sách ‘Cho tới tháng 8’ của cha mình. Ảnh: Reuters. |
Phản bội ý nguyện của cha
Đúng dịp kỷ niệm 97 năm ngày sinh của García Márquez (6/3/1927 – 6/3/2024), hai con trai của ông là Rodrigo và Gonzalo García Barcha đã quyết định xuất bản Cho tới tháng 8 vì cho rằng sách giá trị hơn suy nghĩ của cha họ.
“Là một hành động phản bội, chúng tôi quyết định đặt sự yêu thích của độc giả lên trên tất cả những cân nhắc khác. Nếu họ hứng thú có thể Gabo (tên gọi khác của García Márquez) sẽ tha thứ cho chúng tôi. Chúng tôi tin tưởng vào điều đó”, hai cậu con trai viết trong phần giới thiệu cuốn sách.
Quyết định trên đã làm dấy lên câu hỏi liệu những tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng có nên đưa ra công chúng trái với mong muốn của họ hay không?
Biện minh cho bản thân, Gonzalo, con trai của García Márquez, nói với BBC rằng cha anh “không ở vị trí phù hợp để đánh giá tác phẩm của mình vì ông chỉ có thể nhìn ra những sai sót chứ không thể thấy những điều thú vị ở đó”.
García Márquez bên ngoài ngôi nhà của ông ở Thành phố Mexico vào sinh nhật lần thứ 87, ngày 6/3/2014. Ảnh: Reuters. |
Chê nhiều hơn khen
Gonzalo cho biết anh không thấy cuốn sách thảm họa như cha mình đánh giá và đó là sự bổ sung có giá trị cho tài sản văn chương của García Márquez khi bộc lộ góc nhìn mới độc nhất vô nhị.
Nhưng nhiều nhà phê bình lại không rộng lượng như vậy.
Tờ New York Times bình luận tiêu cực về cuốn sách mới của bậc thầy người Colombia – nhà văn đoạt giải Nobel. Michael Greenberg viết: “Thật khó để nghĩ tới một lời tạm biệt nào thất vọng hơn từ tác giả Trăm năm cô đơn”. Greenberg nhận định, đọc cuốn sách giống như xem một vũ công tài năng đã qua thời kỳ đỉnh cao cố gắng thực hiện những động tác uyển chuyển nhưng không thành.
Trăm năm cô đơn là cuốn tiểu thuyết ra mắt năm 1967 giúp cả thế giới biết đến văn học Mỹ Latinh. Ngược lại, Cho tới tháng 8 “khó được gọi là tiểu thuyết ngắn, chứ đừng nói đến một cuốn tiểu thuyết trọn vẹn”, Greenburg viết.
Tại Tây Ban Nha, nơi García Márquez đã sống ở Barcelona vào những năm 1970, các nhà phê bình tỏ ra tế nhị hơn một chút. Tờ El País viết: “Truyện có những ưu điểm nhưng bạn không nên bị đánh lừa về kích thước thực sự của tác phẩm: Rất nhỏ”. Đây dường như là một cách để ám chỉ cuốn sách có ít giá trị.
Ở Anh, tờ Daily Telegraph đưa ra đánh giá cao hơn: “Cứ như thể cuốn sách chứa đựng cả Márquez già và Márquez trẻ, với nhận thức của tuổi già được thể hiện qua kiểu cách thăm dò, ngập ngừng của người học việc”.
Trong khi đó, theo Guardian, cũng có những người hào hứng với sự ra mắt của cuốn sách dang dở. Tiểu thuyết gia Colum McCann phấn khích: “Thật vui khi nghĩ rằng vẫn còn nhiều điều để khám phá trên thế giới, giống như phát hiện ra tảng băng ở cuối một hành trình dài. Tôi nhớ trải nghiệm đầu tiên của mình với Márquez khi đọc truyện ngắn Người chết trôi đẹp nhất trần gian của ông. Đột nhiên mọi thứ hoàn toàn mới mẻ. Mỗi khi bạn bước vào một cuốn sách của García Márquez, sẽ có điều gì đó khác lạ, dù bạn đã đọc 4-5 lần”.
Bản tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh của ‘Cho tới tháng 8’. |
Hàng loạt nhà văn muốn tiêu hủy sách nhưng không thành
Giống như García Márquez, nhiều nhà văn vĩ đại không muốn giữ lại tác phẩm của họ trước khi qua đời. Tuy nhiên, theo Euronews, nếu người thân của họ bất tuân, điều đó đôi khi lại mang lại lợi ích cho thế giới.
Trước khi Franz Kafka qua đời vì bệnh lao vào năm 1924, ông đã dặn người bạn Max Brod đốt hết tác phẩm của mình. Bất chấp mong muốn của bạn, Brod sau đó đã xuất bản bộ tác phẩm bao gồm Vụ án, Lâu đài, Amerika.
Chuyện kể rằng, nhà thơ La Mã Virgil yêu cầu đốt những cuộn giấy mà ông viết sử thi Aeneid vì ông sợ sẽ không viết xong tác phẩm trước khi mất.
Vladimir Nabokov, tác giả của Lolita, dặn vợ tiêu hủy cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông, Nguyên bản Laura, nếu ông không kịp hoàn thành. Năm 2009, 30 năm ngày mất Nabokov, con trai ông đã phát hành tác phẩm còn dang dở được viết bằng bút chì trên thẻ mục lục.
Những trường hợp trên cho thấy, mong muốn trước lúc lâm chung của các văn hào không phải lúc nào cũng được thực hiện.
Câu chuyện của García Márquez và các nhà văn trên đặt ra một câu hỏi rộng hơn, vượt xa phạm vi của thế giới văn chương: Đã bao nhiêu lần chúng ta quyết định phớt lờ mong muốn trên giường bệnh của những người thân yêu?
Gabriel García Márquez (1927-2014) nổi tiếng toàn cầu với tiểu thuyết Trăm năm cô đơn tiêu biểu cho chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Ngoài ra, ông còn có nhiều tác phẩm khác như Tình yêu thời thổ tả, Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi, Mùa thu của trưởng lão…
Bắt đầu sự nghiệp với tư cách nhà báo, García Márquez dành nhiều năm cuộc đời chu du xa quê nhà Colombia. Ông từng sống ở Paris (Pháp), Barcelona (Tây Ban Nha), Havana (Cuba), Mexico. Ông được trao giải Nobel Văn học năm 1982.