Kẻo tro bay mất do NXB Trẻ phát hành sẽ đưa người đọc đi qua mọi cung bậc cảm xúc, thôi thúc mỗi người chiêm nghiệm và chất vấn chính mình để sống trọn vẹn giữa đời này, với tình nghĩa, với trách nhiệm, với lương tâm.
“Nếu nước mắt mà dập tàn đám cháy, thì nhân gian này đâu còn nỗi đau ai. Nhưng nếu nước mắt mà ráo khô đi cả, còn ai thương ai nữa giữa đêm dài…”, đạo diễn Việt Linh đã mở đầu tuyển tập của mình. Bà mong những con chữ trong quyển sách này cũng như nước mắt, “không đủ lực xoay dời nhân thế” nhưng “lặng lẽ đi cùng độc giả”.
Lời mở đầu đó toát lên tinh thần trách nhiệm của một người viết, của một con người. Con người ở đây đau xót, nhưng cũng ôm lấy tình thương mạnh mẽ và tha thiết dành cho tha nhân và cuộc đời này. Đó là âm hưởng xuyên suốt cuốn sách, dù là trong những đoản văn ngắn ngủi khúc chiết về đời sống, những câu chuyện ngồn ngộn tư liệu về phim ảnh, tự thuật riêng tư, chiêm nghiệm về thế sự hay lời bình cho các tác phẩm nghệ thuật.
Qua trang văn Việt Linh, ta thấy cuộc sống không trôi qua, mà lắng đọng. Từng khoảnh khắc, từng góc nhỏ cuộc đời đều được bà lưu tâm, khắc ghi và soi rọi. Đặc biệt, tác giả rất xót xa trước những cảnh đời bất hạnh, nhất là số phận phụ nữ và người xa quê kiếm sống.
Bài viết Kẻo tro bay mất là câu chuyện cô gái lấy chồng Hàn Quốc đi xa giúp mẹ có tiền sửa nhà, để rồi chỉ sau 24 ngày làm dâu đã rơi xuống từ tầng 14. Là người phụ nữ làm nghề dọn rác nhà thương với nhiều đồng nghiệp nhập cư, quần quật kiếm tiền nuôi giấc mơ cho con học bác sĩ và xây nhà thương ở quê hương, bị cười viển vông nhưng kệ, vì “viển vông để có cớ sống”. Tác giả nâng niu những mảnh đời đó, để họ hiện ra trong trang sách một cách hiền hòa mà khó phai nhòa.
Việt Linh không ngừng suy tư, tự hỏi về những vấn đề thời sự, tin tức hằng ngày. Cái tâm với xã hội, mong muốn cho cuộc sống chung ngày một tốt hơn là điều mà bạn đọc dễ dàng đồng cảm và chia sẻ với bà. Là một người mẹ, nữ đạo diễn trăn trở về cách nuôi dạy con mình và rất quan tâm đến việc giáo dục thế hệ trẻ. Sống xa quê hương, bà lo lắng sợ con mất gốc và mừng vui khi con khóc nhớ Việt Nam sau một chuyến về lại quê mình.
Xuyên suốt những tâm sự trải dài qua mọi sự việc cá nhân và xã hội, ta thấy tác giả đang vạch mở chính trái tim mình, khuyến dụ người đọc cùng “xông vào” cuộc đời này: dám nhìn nhận, dám phản biện, trở thành công dân có trách nhiệm và sống sao cho tử tế.
Kẻo tro bay mất như lời nhắc nhở lúc nhỏ nhẹ, có khi mang tiếng vang to như tiếng chuông báo động, hối thúc sự chú ý, hay khẩn thiết đòi thay đổi.
Một phần lớn của tác phẩm này là những trang bình luận, cảm nhận về các tác phẩm điện ảnh, nghệ thuật và những con người đứng sau các tác phẩm đó. Bạn đọc sẽ biết thêm rất nhiều bộ phim gần như chẳng thấy trang mạng sành phim ảnh có tiếng nào ở Việt Nam review, nhưng thấm đượm giá trị nhân văn và hiện thực, mà nổi bật là các phim tài liệu hoặc phim lịch sử. Đó là các bộ phim và con người của Hãng phim Giải Phóng, như đạo diễn Hồng Sến với Đường ra phía trước.
Các tựa phim nước ngoài được Việt Linh lựa chọn giới thiệu cũng khiến người đọc day dứt khó quên như thước phim của đạo diễn Campuchia, Rithy Panh. Trong Giấy không gói được than cháy dở, ông để những cô gái mại dâm – những con người bất hạnh, bị cuộc sống vùi dập quắt queo – tâm sự với chúng ta. Qua máy quay, ông mang trả họ phẩm giá, bằng hình ảnh những bữa cơm ấm cúng, tấm áp phích minh tinh, trong tương ái và tiếng cười thi thoảng.
Ngoài ra, tác giả còn bày tỏ cảm nhận về các tác phẩm nghệ thuật khác như nhiếp ảnh, bài múa Hạn hán và cơn mưa của nữ nghệ sĩ Ea Sola hay triển lãm In Situ Art. Các tác phẩm đều mang đến một cái nhìn khác về cuộc sống, khám phá lịch sử – văn hóa, rút ra những giá trị đẹp đẽ và vĩnh cửu.
Giáo sư Huỳnh Như Phương nhận xét: “Mỗi bài viết của Việt Linh có thể là một phác thảo, một đặc tả hay một cú lia máy… nhưng liên kết lại tất cả sẽ toát ra bức tranh toàn cảnh về nghệ thuật và thời cuộc. Ranh giới giữa chuyện đời và chuyện nghề ở đây chỉ là tương đối. Vì chính chuyện đời đã cung cấp nhiều ý tưởng cho chuyện nghề và ngược lại, từ chuyện nghề đã nảy sinh bao điều nhức nhối về chuyện đời”.
Đạo diễn Việt Linh
Đạo diễn Việt Linh tốt nghiệp hạng ưu khoa Đạo diễn Đại học Điện ảnh Quốc gia Liên Xô VGIK năm 1985. Nhiều tác phẩm điện ảnh nổi tiếng của bà như Gánh xiếc rong, Dấu ấn của quỷ, Chung cư, Mê Thảo – Thời vang bóng, từng giành nhiều giải thưởng tại các Liên hoan phim trong và ngoài nước. Lập gia đình ở Pháp nhưng bà vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, hiện hoạt động chủ yếu trong vai trò biên kịch, đạo diễn, Giám đốc nghệ thuật sân khấu Hồng Hạc.
Việt Linh là tác giả và chủ biên Tủ sách điện ảnh được bà khởi xướng từ năm 2006 với nhiều tác phẩm: Dạo chơi vườn điện ảnh, Ý tưởng nghề nghiệp, Chơi cùng cấu trúc, Khung hình tự sự, Hai mươi bài học điện ảnh, Khi đạo diễn trẻ già dặn, Cẩm nang thư ký trường quay, Gọi tiếng cho hình…