Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2024 hôm 20/3, Phần Lan giữ vững vị trí quốc gia hạnh phúc nhất thế giới 7 năm liên tiếp, vượt qua Đan Mạch ở vị trí thứ hai và Iceland ở vị trí thứ ba.
Cái tên đứng đầu bảng xếp hạng không khiến nhiều người bất ngờ. Trái lại, mọi người đổ dồn sự chú ý về những cái tên không lọt top.
Mỹ chưa bao giờ nằm trong top 10 của Báo cáo Hạnh phúc Thế giới và nay thì ra khỏi top 20. Nếu dựa vào kết quả phân loại theo từng độ tuổi, Mỹ xếp thứ 10 đối với người 60 tuổi trở lên nhưng đứng thứ 62 đối với người dưới 30 tuổi. Phải chăng, người Mỹ dưới 30 tuổi đang trở nên “kém hạnh phúc một cách trầm trọng”?
Một quốc gia khác là Anh tụt từ vị trí thứ 19 xuống 20, thậm chí xuống 30 nếu chỉ tính những người dưới 30 tuổi.
Có điều gì đó không ổn đang xảy ra với những người trong độ tuổi từ 15-24 ở Mỹ, Anh, Australia và khắp châu Âu, theo The Guardian.
Tổng hòa nhiều yếu tố
Báo cáo Hạnh phúc Thế giới mô tả người trẻ ngày nay giống cha mẹ họ – những người kiệt sức và “nặng gánh” lo toan thường nhật, chứ không đạt chỉ số hạnh phúc cao như thế hệ lớn hơn.
Thị trường chứng khoán tăng vọt và sự bùng nổ bất động sản toàn cầu đã mang lại cho những người trên 55 tuổi độ giàu có chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Sự giàu có và các chương trình hưu trí do nhà nước tài trợ đã mang đến cảm giác hạnh phúc cho nhóm người này.
Ngược lại, người trẻ vật lộn với cuộc sống hàng ngày và rơi vào “khủng hoảng trung niên” sớm. Dù không phải tất cả người trẻ đều khổ sở với cuộc sống song một số lượng lớn và ngày càng tăng những người thuộc nhóm này không thể đương đầu với hoàn cảnh lận đận, ít bằng cấp trong một nền kinh tế nhiều thách thức qua từng năm.
Người trẻ Mỹ, Anh ít cảm thấy hạnh phúc hơn so với thế hệ trước. Ảnh: GNN Media. |
Phương tiện truyền thông mạng xã hội được cho là một phần nguyên nhân khiến giới trẻ suy giảm hạnh phúc. Nhưng chính sự thiếu hụt các phúc lợi xã hội như nhà ở, giáo dục và đào tạo kỹ năng đã củng cố thêm ánh nhìn tiêu cực của giới trẻ về cuộc sống.
Theo tổ chức từ thiện Intergenerational Foundation (IF), thanh niên đang bị ảnh hưởng nhiều mặt, từ chính sách nhà nước, khủng hoảng chi phí nhà ở cho đến tiền lương trì trệ và phí sinh hoạt đắt đỏ. “Không có gì ngạc nhiên khi mức độ mắc bệnh tâm lý của thế hệ này cao chưa từng có vì tương lai của họ thật ảm đạm”, IF nhận định.
Đại học giờ đây cũng không đảm bảo tài chính và hạnh phúc. Những người không học lên cao phải tự xoay xở khi bị hạn chế cơ hội tiếp cận khóa học nghề và giáo dục nâng cao (giáo dục bổ sung cho chương trình học ở trường trung học – PV) – điều có thể cải thiện vị thế xã hội, thu nhập và lòng tự trọng của mỗi người.
Ngoài ra, tiến sĩ Lorenzo Norris, phó giáo sư tâm thần học tại Đại học George Washington, nhận định đại dịch Covid-19 gây gián đoạn cuộc sống cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến người trẻ Mỹ gặp thách thức về sức khỏe tâm thần.
“Đại dịch ảnh hưởng đến các hành vi tương tác xã hội cũng như mong muốn kết nối với cộng đồng. Tình trạng xa lánh xã hội xảy ra với nhiều người, đặc biệt là học sinh trung học, và vẫn tiếp diễn”, ông nói với New York Times.
Mức độ không hài lòng của giới trẻ Mỹ với cuộc sống là tổng hòa của nhiều yếu tố. Ảnh: ANTONI SHKRABA production/Pexels. |
Nghiên cứu của Đại học Harvard vào năm 2022 cho thấy mức độ hạnh phúc của thanh niên Mỹ thực chất đã giảm sút trong 20 năm trước đó.
Những người trong độ tuổi 18-25 có mức độ hạnh phúc thấp nhất so với các nhóm tuổi khác, kéo theo sức khỏe thể chất, tinh thần, ý thức về mục đích sống, tính cách, đạo đức, các mối quan hệ xã hội và sự ổn định tài chính kém nhất. Những phát hiện tương tự cũng đã xuất hiện ở Anh và Canada.
Jade Song (27 tuổi, tiểu thuyết gia) tự coi mình là một trong số những người trở nên bất hạnh trong những năm gần đây. “Khi trưởng thành, chúng ta biết tất cả tin tức trên thế giới và chú ý nhiều hơn đến những gì mình có thể kiểm soát, nhưng rồi nhận ra có rất ít thứ như vậy. Dù có thể trả tiền thuê nhà, hóa đơn đúng hạn hay tham gia biểu tình, hành động của chúng tôi ít tác động ở phạm vi rộng lớn”, cô bày tỏ.
Tiến sĩ Robert Waldinger, giám đốc dự án nghiên cứu về sự phát triển của con người (Đại học Harvard), bổ sung rằng vòng lặp tiêu thụ và phản hồi tiêu cực đối với tin tức hàng ngày cũng là yếu tố cần xem xét. Tình hình thế giới, sự phân cực chính trị cho đến biến đổi khí hậu đều khiến nhiều người trẻ không yên lòng.
Kỳ vọng lớn?
Mỹ không phải quốc gia duy nhất đối phó với đại dịch, mạng xã hội và biến đổi khí hậu. Một số nơi khác như Croatia, Thụy Sĩ và Áo vẫn chứng kiến mức độ hạnh phúc gia tăng ở người trẻ trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới.
Hơn nữa, quyền mưu cầu hạnh phúc từ lâu đã xuất hiện trong bản tuyên ngôn độc lập như một sự thật hiển nhiên và trở thành trụ cột của văn hóa đại chúng Mỹ sau này.
Vậy thì ngoài những yếu tố như đại dịch, phúc lợi xã hội, nền kinh tế…, điều gì cản trở người trẻ Mỹ chạm tay vào hạnh phúc?
Về điều này, Eric Weiner, tác giả cuốn The Geography of Bliss, chia sẻ: “ Một phần của vấn đề là chúng ta có kỳ vọng rất lớn về hạnh phúc ở Mỹ. Vì thế, chúng ta phần nào chịu đựng nỗi bất hạnh khi không được hạnh phúc như kỳ vọng”.
Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2024 có thể là động lực để chính phủ hành động vì người trẻ. Ảnh: Polina Tankilevitch/Pexels. |
Để hoàn thành cuốn sách, ông Weiner, cựu phóng viên nước ngoài của Đài Phát thanh Công cộng Quốc gia (NPR), đã đặt chân đến một số quốc gia được xếp hạng là những nơi hạnh phúc nhất thế giới.
“Có một giả định rằng nếu bạn là người Mỹ hội tụ đủ yếu tố: giàu có, thành công và trình độ công nghệ cao thì bạn nên hạnh phúc. Nhiều tài liệu chứng minh là kỳ vọng càng lớn thì càng ít hạnh phúc”, ông chia sẻ.
Tuy nhiên, Jade Song lại cho rằng người trẻ ngày nay có ít điều để mong đợi. “Trong tương lai, khí hậu thay đổi sẽ ảnh hưởng đến cách ta sinh sống. Chúng ta cũng không vạch ra quỹ đạo rõ ràng cho cuộc sống, bởi trong một thời gian dài, thật dễ dàng khi biết mình có thể kết hôn, sinh con và trả tiền nhà. Nhưng viễn cảnh đó giờ đây đã khép kín hơn nhiều”, cô bày tỏ.
Dẫu vậy, báo cáo hôm 20/3 đã lóe lên tia hy vọng cho người trẻ ở những quốc gia như Mỹ, Anh…
Giáo sư Richard Layard tại Trường Kinh tế London và là một trong các tác giả của báo cáo, nói rõ rằng những phát hiện này cho thấy cần nhiều nỗ lực hơn nữa để hỗ trợ giáo dục, đào tạo kỹ năng và sức khỏe tinh thần cho giới trẻ. Ngay cả khi họ chỉ được coi là “đơn vị sản xuất kinh tế” thì toàn bộ nền kinh tế sẽ hưởng lợi nếu họ cảm thấy hạnh phúc.
Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2024 đồng thời là hồi chuông cảnh báo các chính quyền đã ưu ái phúc lợi người già hơn người trẻ.
Sự thật là nếu những người trẻ không thể ổn định nơi làm việc, có một ngôi nhà tươm tất, đủ thời gian và tiền bạc để thăm bạn bè, gia đình thì hậu quả sẽ xảy ra trực tiếp với những người cao tuổi. Hai điều có thể lường trước là tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm và sụt giảm quỹ hỗ trợ người về hưu.
Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm “100 cách sống hạnh phúc”. Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.