Cháy rừng ở Los Angeles gây thiệt hại lên tới 150 tỷ USD

Các vụ cháy rừng liên tiếp tại Los Angeles gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và môi trường. Ảnh: Reuters.

Các vụ cháy rừng nghiêm trọng tại Los Angeles đã khiến ít nhất 10 người thiệt mạng, thiêu rụi hơn 16.000 ha và 12.000 công trình. Ước tính từ AccuWeather cho thấy thiệt hại và tổn thất kinh tế có thể rơi vào khoảng 135-150 tỷ USD.

Theo Aris Papadopoulos, nhà sáng lập Quỹ Hành động Tăng cường Khả năng Chống chịu (RAF), việc tái thiết các khu vực bị ảnh hưởng bởi cháy rừng có thể kéo dài từ 5 đến 10 năm, Fortune đưa tin.

Ông dự đoán khoảng 1/3 chủ sở hữu sẽ bán tài sản và rời đi, 1/3 cư dân giàu có hơn sẽ tái thiết trong vòng 3-5 năm. Trong khi đó, phần còn lại, bao gồm những người không giàu có, không được bảo hiểm hoặc bảo hiểm không đầy đủ có thể mất tới một thập kỷ để xây dựng lại.

Những người chọn tái thiết sẽ phải đối mặt với chi phí vật liệu và nhân công tăng cao, cùng thời gian chờ đợi dài hơn do khan hiếm các nhà thầu uy tín. “Những người có tiềm lực tài chính sẽ thuê nhà thầu trước và những người khác phải chờ đợi cho đến khi họ hoàn thành”, vị này chia sẻ với Fortune.

Ngoài ra, gần một nửa số doanh nghiệp nhỏ trong khu vực dự kiến không mở cửa trở lại, làm suy giảm nguồn thu thuế của địa phương và giáng đòn lên kinh tế khu vực. Chính phủ cũng sẽ phải gánh thêm chi phí sửa chữa tài sản công và khôi phục dịch vụ thiết yếu.

Papadopoulos nhấn mạnh rằng cả chủ nhà và chính phủ cần nâng cao tiêu chuẩn xây dựng để tăng khả năng chống chịu trước những nguy cơ cháy rừng trong tương lai.

Ông chỉ trích các nhà thầu trên toàn nước Mỹ vì hạ thấp tiêu chuẩn và các biện pháp an toàn để cắt giảm chi phí, đồng thời cho rằng nhiều chính quyền bang và địa phương đã phớt lờ việc yêu cầu nâng cấp công trình với các biện pháp an toàn cần thiết.

“Vì lợi nhuận và hiệu quả, chúng ta đã chọn con đường gia tăng rủi ro và tổn thương. Giờ đây, tất cả đều phải trả giá”, Papadopoulos nói.

Việc tái thiết cần áp dụng các tiêu chuẩn cao hơn để giảm nguy cơ cháy rừng như sử dụng vật liệu chống cháy, lắp đặt mái kim loại và cửa sổ chống cháy. Những biện pháp này đã được chứng minh là giảm đáng kể nguy cơ thiệt hại nặng nề trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn.

Papadopoulos khuyến nghị tất cả ngôi nhà được tái thiết trong khu vực đều nên áp dụng các biện pháp an toàn này. Ngay cả những ngôi nhà chỉ bị hư hại nhẹ hoặc may mắn tránh khỏi đám cháy cũng cần được nâng cấp để sẵn sàng cho các đợt cháy rừng trong tương lai.

“Đây chắc chắn không phải là đám cháy rừng cuối cùng mà California và khu vực này phải đối mặt”, ông cảnh báo.

Chi phí tái thiết nhà cửa ‘khổng lồ’ sau vụ cháy rừng ở Los Angeles

Dù chọn tái định cư hay xây dựng lại nhà cửa sau cháy rừng, hàng chục nghìn người dân California (Mỹ) vẫn không thể tránh khỏi khoản chi phí tái thiết khổng lồ.

Nhiều nước huy động lực lượng cứu hỏa tới trợ giúp California

Hai nước láng giềng Canada và Mexico đã gửi máy bay phun nước, lính cứu hỏa và kỹ thuật viên sang Los Angeles (Mỹ) để chung tay hỗ trợ khắc phục đợt cháy rừng diện rộng.

California đối mặt khủng hoảng bảo hiểm vì cháy rừng như tận thế

Vụ cháy rừng tồi tệ nhất lịch sử Los Angeles có thể gây thiệt hại khoảng 52-57 tỷ USD, đẩy bang California rơi vào khủng hoảng bảo hiểm nhà ở lớn chưa từng có.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức – Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách – nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo… Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.