D.B.H. (trú tại Hiệp Hòa, Bắc Giang) run bần bật, giật thót khi nghe chẩn đoán sán lá gan. Bản thân cô gái chưa từng lơ là trong ăn uống, thậm chí các món tái sống của chưa bao giờ động đũa.
“Tôi hoảng hồn thật sự, không thể ngờ bản thân có thể mắc căn bệnh đáng sợ này”, cô gái 32 tuổi nói với Tri thức – Znews trên giường bệnh.
Không hiểu mắc bệnh từ đâu
Trước đó 10 ngày, H. thấy đau tức vùng hạ sườn phải nên quyết định đi khám tại bệnh viện gần nhà. Bác sĩ chẩn đoán cô bị áp xe gan do ký sinh trùng và giới thiệu điều trị tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, Viện Sốt Rét – Ký Sinh Trùng – Côn trùng Trung Ương, Hà Nội.
Sau một tuần điều trị tại cơ sở y tế này, kết quả xét nghiệm của cô gái quê Bắc Giang có biến chuyển tích cực, cơn đau ở hạ sườn phải cũng giảm đi nhiều.
Tuy nhiên, cảm giác hoang mang, sốc khi nghĩ đến những con sán lá gan mang trong người khiến cô gái không thôi sợ hãi.
B.H. hoang mang khi được chẩn đoán nhiễm sán lá gan. |
Nằm cùng khoa Điều trị, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, chị T. (trú tại Điện Biên) nhìn con trai 3 tuổi mắc giun đũa chó mèo đầy lo lắng. Trước khi nhập viện, chị T. cho hay thấy con thường xuyên gãi và cơ thể xuất hiện nhiều nốt sẩn ngứa.
Người phụ nữ này đưa con đi khám chuyên khoa da liễu tại cơ sở y tế gần nhà nhưng không khỏi, những mảng da bị tổn thương xuất hiện ngày càng nhiều.
“Tôi tiếp tục gọi xét nghiệm máu tại nhà. Điều khiến tôi rất bất ngờ là bé lại kết quả dương tính với giun đũa chó mèo. Trong khi đó, gia đình tôi không nuôi những con vật này”, chị T. chia sẻ.
TS.BS Đinh Tuấn Đức, Trưởng khoa Điều trị, cho rằng những trường hợp như B.H. hay con chị T. không hiếm. Ngoài việc ăn rau sống, rau thủy sinh, đồ tái sống, người dân còn có thể nhiễm từ nguồn đất, nước, dụng cụ chế biến thức ăn vô tình chứa ấu trùng giun sán.
Ở xứ nhiệt đới như Việt Nam, với môi trường sinh sống và thói quen ăn uống đa dạng, vấn đề lây nhiễm các loại ký sinh trùng khó tránh khỏi. Thế nhưng, các bác sĩ tại Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương lại gọi đây là “căn bệnh bị lãng quên”. Bởi đây là những bệnh lý đặc thù, không nghĩ đến và khó phát hiện.
Những mẫu vật giun đũa, sán dây cùng tác hại của chúng đối với sức khỏe con người được sưu tầm và trưng bày tại bảo tàng thuộc Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương. |
Căn bệnh ít được nhớ đến
Mỗi ngày, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ tiếp nhận khoảng 150-200 bệnh nhân đến khám, ngày cao điểm có thể lên tới 250-300 trường hợp.
Theo bác sĩ Tuấn Đức, điều kiện sinh hoạt, vệ sinh môi trường đã cải thiện hơn trước đây nhưng số bệnh nhân mắc bệnh lý về ký sinh trùng không giảm, thậm chí có xu hướng tăng lên. Nguyên nhân là chúng thường bị quên lãng và người dân vẫn coi nhẹ bệnh này.
Không giống với các bệnh lý khác “đau đâu thì biểu hiện ở đó”, đa số bệnh về ký sinh trùng triệu trứng thường mơ hồ. Không ít bệnh nhân đã khám ở nhiều nơi, được chẩn đoán và điều trị triệu chứng động kinh. Tuy nhiên, bệnh không khỏi do chưa tìm ra căn nguyên, sau khi đến điều trị tại Bệnh viện Đặng Vặn Ngữ thì phát hiện sán não.
Vị chuyên gia này cũng cho hay những năm gần đây, bệnh nhân mắc giun đũa chó mèo cũng tăng mạnh do xu hướng ôm ấp, hôn hít và vuốt ve “thú cưng” của người dân.
Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thị Thanh, Trưởng khoa Khám Bệnh, cho biết trong số những người đến khám và xét nghiệm ký sinh trùng, tỷ lệ người dương tính với giun đũa chó mèo có thời điểm lên tới 70%. Người bệnh thường có triệu chứng ngứa, mề đay, đi khám da liễu, dị ứng nhưng không khỏi.
Bác sĩ Thanh phân tích người lớn hay trẻ em vô tình bị nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo qua thức ăn, nước uống bẩn, tay bẩn sau khi nựng nịu, chăm sóc thú cưng. Khi vào cơ thể, ấu trùng ký sinh ở khắp nơi, đặc biệt nhiều ở phủ, tạng như gan, phổi, mắt, não và chúng sẽ gây tổn thương cho bộ phận đó.
“Bệnh ký sinh trùng là căn bệnh âm thầm, thường được phát hiện khi vô tình đi khám, chiếu chụp ở chuyên khoa khác. Bản thân bệnh nhân và đến cả các bác sĩ cũng không nghĩ đến bệnh ký sinh trùng”, bác sĩ Thanh nói.
PGS.TS Đỗ Trung Dũng cho rằng nhiều bệnh rất phổ biến ở Việt Nam nhưng lại thuộc danh sách bệnh bị lãng quên của WHO. |
PGS.TS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh Trùng, Viện Sốt rét – Ký sinht trùng – Côn trùng Trung ương, cho rằng nhiều bệnh rất phổ biến ở Việt Nam nhưng lại thuộc danh sách bệnh bị lãng quên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Các bệnh đó như giun truyền qua đất, ấu trùng sán lợn, sán truyền qua thức ăn (sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ, sán lá phổi), giun chỉ bạch huyết…
“Sán dây lợn có thể sống hàng chục năm trong cơ thể người. Tôi từng gặp bệnh nhân có sán dây lợn hơn 25 năm nhưng không phát hiện. Sức chịu đựng của con người đôi khi rất khủng khiếp”, PGS Dũng nói.
Nhiễm giun sán khó nhận biết nhưng hậu quả rất nặng nề. Chúng thường gây rối loạn tiêu hóa, ngứa ngáy, suy kiệt sức khỏe… Tình trạng nặng dẫn đến mù mắt, áp xe gan, áp xe phổi, thủng ruột, viêm phúc mạc, phù não, viêm não, xuất huyết não, liệt nửa người…
Bệnh ký sinh trùng đường ruột như giun đũa, giun móc, giun kim, điều trị đơn giản. Tuy nhiên, với ký sinh trùng ở phủ tạng, việc điều trị sẽ gian nan hơn rất nhiều.
Các chuyên gia khuyến cáo bệnh giun sán nói chung là bệnh mọi đối tượng người dân đều có nguy cơ nhiễm. Biện pháp tốt nhất là dùng thực phẩm phải qua chế biến, nấu chín kỹ, uống nước đun sôi để nguội, rửa tay trước khi ăn. Đồng thời, người dân nên định kỳ tẩy giun 6 tháng/lần cho cả người và vật nuôi.
Máu là sức mạnh tự nhiên, là nguồn năng lượng quan trọng đã duy trì sự sống của chúng ta từ thời xa xưa. Bạn có thể không biết mình thuộc nhóm máu nào trừ khi bạn từng đi hiến máu hoặc cần truyền máu. Tại sao nhóm máu của chúng ta lại mạnh mẽ đến vậy? Vai trò thiết yếu của nhóm máu đối với sự tồn tại của chúng ta là gì – không chỉ trong hàng nghìn năm trước mà cho đến tận ngày nay?
Cuốn sách Ăn theo nhóm máu của BS Peter J D’Adamo gợi ý những chế độ ăn theo nhóm máu và những tác động đến sức khỏe, đời sống và tuổi thọ.