Sau khi đón “công chúa” đầu lòng vào năm 2023, gia đình Đinh Mai (24 tuổi, Lâm Đồng) đã đầu tư một chiếc máy lọc không khí và một máy giặt cho riêng con. Gia đình còn trồng hẳn một vườn rau để đảm bảo chất lượng thực phẩm cho con.
Trong khi đó, vợ chồng chị Anh Thư (31 tuổi, Đà Nẵng) đã thôi đi du lịch xa hay xem phim cuối tuần để dành hầu hết thời gian cho bé Mây vừa tròn 18 tháng tuổi.
Hầu hết gia đình trao đổi với Tri thức – Znews cho biết đứa con đầu lòng đã thay đổi hoàn toàn sinh hoạt gia đình. Có người còn bị trầm cảm sau sinh vì phải đối mặt quá nhiều vấn đề.
Mua máy lọc không khí, máy giặt riêng cho con
Đinh Mai và chồng là Hải Nam đang sống ở Lâm Đồng. Đôi vợ chồng trẻ vừa đón em bé đầu lòng vào tháng 6/2023.
“Bé Vừng (tên gọi ở nhà của bé – PV) là một ‘món quà bất ngờ’ của hai vợ chồng mình. Mới đầu thì cả hai cũng ngỡ ngàng lắm vì cũng chưa lên kế hoạch để có con nhưng sau đó thì vỡ òa hạnh phúc”, Đinh Mai kể.
Từ đây, mọi sinh hoạt trong gia đình Đinh Mai và Hải Nam đều thay đổi, theo chiều hướng tích cực.
Gia đình Đinh Mai – Hải Nam vừa đón một thành viên mới vào tháng 6/2023. Ảnh: NVCC. |
Mẹ chồng của Mai trồng cho cô hẳn một vườn rau để đảm bảo dinh dưỡng cho con dâu và cháu nội. Trong khi đó, hai vợ chồng cũng bàn nhau mua một chiếc máy lọc không khí và máy giặt dành riêng cho con.
“Ngày xưa thì nhà mình chưa bao giờ nghĩ đến việc mua máy lọc không khí hay máy giặt đâu vì ở quê thì không khí cũng trong lành, đồ thì giặt một chút là được.
Nhưng có con rồi nên cũng “bấm bụng” mua để đảm bảo chất lượng sống cho con. Giờ con đi đâu cũng phải có máy lọc không khí, đi ngoại thì mang qua nhà ngoại, đi nội thì mang về nội”, Đinh Mai cho biết thêm gia đình cô chi cho bé Vừng khoảng 3 triệu/tháng để mua sữa, bỉm, bột ăn dặm…
Không chỉ thay đổi về thói quen tiêu dùng, cách thư giãn của gia đình Mai cũng thay đổi hẳn. “Trước đây, hết giờ làm thì hai vợ chồng cũng la cà một chút như đi ăn hay dạo một vòng. Giờ thì chỉ muốn đi thật nhanh về nhà với con. Có thời gian rảnh thì dẫn con ra vườn khám phá thiên nhiên. Những phút giây đó mới gọi là vui vẻ đối với vợ chồng mình”, Mai nói.
Tương tự, vợ chồng Anh Thư – Quốc Thắng cũng đã tạm “chia tay” những chuyến du lịch xa hay những buổi xem phim cuối tuần để dành thời gian cho con gái vừa hơn 1 tuổi.
Từ khi có con, Anh Thư và Quốc Thắng thống nhất luôn dành cho nhau một khoảng thời gian trong ngày. Ảnh: NVCC, |
“Bé Mây (tên gọi ở nhà của bé – PV) ra đời theo kế hoạch của chúng mình. Dù vậy, khi con ra đời thì vợ chồng mình đôi khi cũng bối rối. Thời gian cá nhân mỗi ngày giờ chỉ còn tầm 1-2 tiếng sau khi con ngủ. Việc chi tiêu cũng phải tính toán kỹ hơn vì mỗi tháng phải lo gần 7 triệu cho con”, Anh Thư kể lại.
Gia đình Anh Thư còn đề ra một “quy tắc” giữa hai vợ chồng để đảm bảo gia đình luôn hòa thuận, dù có những thay đổi đáng kể.
“Vợ chồng mình hiểu là khi có con rồi thì sẽ dành rất nhiều thời gian cho bé và dễ bỏ bê nhau. Vì vậy cả hai thống nhất luôn dành một thời gian nhất định để trò chuyện, ví dụ như lúc ăn trưa hoặc lúc anh đưa mình đi làm. Như vậy thì sẽ ít nguy cơ cãi vả hơn”, Anh Thư chia sẻ.
Nguy cơ trầm cảm sau sinh
Chị Thu Ngân (38 tuổi, ở Đồng Tháp) bắt đầu làm mẹ vào năm 2014. “Con trai mình là một ‘món quà bất ngờ’ chứ mình cũng không có kế hoạch gì cụ thể. Dù vậy mình cũng không ngạc nhiên lắm vì có gia đình thì có con là lẽ tự nhiên thôi”, chị nói.
Tưởng chừng mọi thứ sẽ diễn ra như một “lẽ tự nhiên”, gia đình chị Ngân lại gặp biến cố. Mẹ chị không may qua đời trong một tai nạn giao thông.
“Thời điểm mẹ mất thì mình cũng đang mang thai nên mình gặp vất vả về thể chất lẫn tinh thần, một phần vì mình là mẹ đơn thân nữa. Mình vừa mất mẹ mà vừa phải chuẩn bị làm mẹ”, chị Ngân kể lại với Tri thức – Znews.
Lúc bé trai ra đời, mọi thứ tưởng chừng “tự nhiên” trong cuộc sống chị Ngân dần trở nên “mất tự nhiên”. Chị vừa phải một mình chăm con vừa đi làm để xoay xở 7 triệu/tháng tiền bỉm, sữa, giúp việc… Thời gian thư giãn như trước đây gần như không còn tồn tại. Cuối cùng, chị bị trầm cảm khi con tròn 9 tháng tuổi.
“Lúc đó mình áp lực quá. Có khi mình còn la toáng lên với con. Dù con còn nhỏ thôi nhưng mình nhìn vào mắt con mình vẫn thấy sự sợ hãi trong đó. Giờ nhìn lại thì đó là điều làm mình hối hận nhất”, chị Ngân kể với đôi chút nghẹn ngào.
Theo các chuyên gia, nguy cơ trầm cảm sau khi có con của nam giới là 10% và nữ giới là 25%. Ảnh: CNA. |
Theo một nghiên cứu vào năm 2021 của Đại học Born, các cặp vợ chồng càng có nhiều con thì càng cảm thấy ít hạnh phúc hơn. Đặc biệt, các bà mẹ có con nhỏ là những người ít hạnh phúc nhất: chỉ 38% phụ nữ đã có con cho biết họ đang hạnh phúc, ít hơn gần gấp đôi so với 62% phụ nữ đã kết hôn nhưng không có con.
Các chuyên gia cảnh báo rằng việc có con có thể dẫn đến trầm cảm, ở cả mẹ và cha, nếu các vấn đề không được giải quyết phù hợp. Cụ thể, tỷ lệ trầm cảm sau khi có con là khoảng 25% ở nữ giới và 10% ở nam giới.
Sau tất cả, chị Ngân dần thích nghi với sự có mặt của một thành viên mới. Tìm được một công việc mới với mức lương tốt hơn, chị cũng bớt được phần nào áp lực tài chính. Hai mẹ con dần trở thành chỗ dựa tinh thần cho nhau những lúc khó khăn.
“Trong giai đoạn đó mình nghĩ cũng nhờ có con mà mình có thêm một động lực để tiếp tục. Nếu nói về sự thay đổi sau khi sinh con thì mình nghĩ thay đổi lớn nhất là có thêm một người để yêu thương, một động lực để phát triển và một nơi để hy vọng”, chị nói thêm rằng bản thân chỉ hy vọng con trai sẽ trở thành một người lịch thiệp, biết yêu thương mọi người.
Dự kiến, gia đình Ngọc Hân sẽ đón con gái đầu lòng vào tháng 7 năm nay. Ảnh: NVCC. |
Ngọc Hân (26 tuổi) từng là chuyên viên tổ chức sự kiện ở TP.HCM. Sau khi kết hôn vào tháng 1/2023, hai vợ chồng dự kiến đón em bé đầu lòng vào tháng 7 năm nay.
“Con gái là một món quà bất ngờ đối với gia đình. Vợ chồng mình cũng e ngại khi biết rằng mọi sinh hoạt sẽ thay đổi sau khi có con. Tuy nhiên, mình tin là cả hai sẽ thích nghi được vì dù có việc gì, con gái cũng sẽ là sợi dây kết nối cả gia đình với nhau”, Ngọc Hân tự tin nói.
Rèn luyện kỹ năng tự học cho con
Tác giả sách Kỹ năng tự học cho trẻ tiểu học, TS Nguyễn Thị Thu, cho rằng trẻ cần có mục tiêu để tạo động lực học tập. Phụ huynh nên tìm hiểu, quan sát sở thích của con, rồi lồng ghép những hoạt động tìm hiểu khám phá kiến thức trong những sở thích đó để nuôi dưỡng sự tìm tòi nghiên cứu trong con. Ngoài ra, đọc sách là một cách hay và lành mạnh để trẻ tiếp nạp kiến thức.