Bố mẹ yêu ngành xuất bản nhờ ‘nhà có cô con gái làm sách’

Ngọc Anh hiện là nhân viên thiết kế tại Gamma.

Năm 2019, bố mẹ Đàm Thị Ngọc Anh (sinh năm 2001, Hà Nội) bất ngờ khi thấy phiếu điền nguyện vọng đại học của con gái có khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Thời điểm đó, đây không phải là ngành học triển vọng, phù hợp với Ngọc Anh trong mắt hai vị phụ huynh so với những cái tên ổn định như giáo viên hay có thu nhập tốt như tài chính ngân hàng. Hai người không mấy ủng hộ quyết định của con gái.

“Tôi có thể hiểu phần nào suy nghĩ của bố mẹ. Bây giờ nhìn lại, chính tôi cũng thấy khó hiểu với quyết định của bản thân khi đó bởi tôi vốn không phải người quá mê sách”, Ngọc Anh nói.

Cái duyên với ngành xuất bản

Chia sẻ với Tri thức – Znews, Ngọc Anh cho biết hồi cấp 3, cô vốn không mấy thích môn Văn, “học chủ yếu để phục vụ thi cử”. Cuối năm lớp 12, cô bỗng thích đọc một số bộ truyện, tiểu thuyết tình cảm nên dần thích sách truyện hơn và bắt đầu quan tâm đến công việc xuất bản, tò mò những người đằng sau và các công đoạn tạo ra các tác phẩm ấy.

Ngọc Anh tìm hiểu các trường đại học có chuyên ngành đào tạo liên quan đến xuất bản và quyết định chọn Học viện Báo chí và tuyên truyền.

“Thời gian đầu theo học ngành này, tôi cũng phải thuyết phục, giải thích cho bố mẹ mãi”, cô kể.

nhan vien nganh xuat ban anh 1

Ngọc Anh may mắn được làm việc trong môi trường năng động, thoải mái.

Đến năm 4 đại học, Ngọc Anh đến thực tập tại Gamma – dòng sách ngoại ngữ thuộc công ty CP Xuất bản & Dữ liệu ETS, thành viên của Alpha Publishing – với vị trí quản trị viên fanpage, cập nhật các ấn phẩm mới và sáng tạo nội dung thu hút người đọc theo dõi. Sẵn có chút kiến thức từng học vẽ và cũng thích thiết kế, cô thường tự lên ý tưởng, trang trí cho các bức ảnh đăng trên trang.

“Một lần, chị Thu – cấp trên của tôi – đi ngang qua khi tôi đang thiết kế ảnh cho bài đăng giới thiệu cuốn sách mới. Chị khen: ‘Ơ, cái này được này’ và phát hiện ra sở thích, khả năng của tôi dành cho việc thiết kế. Từ đó, chị dần giao cho tôi nhiều việc hơn liên quan đến mảng này”, Ngọc Anh kể.

Không còn chỉ là ảnh đăng fanpage giới thiệu sách mới, Ngọc Anh bắt đầu được đảm nhận thiết kế banner hội sách, bookmark, phụ kiện đi kèm sách rồi tới bìa sách cho công ty.

Vì không học chuyên thiết kế, cô gái sinh năm 2001 vừa hào hứng vừa lo trước những cơ hội, nhiệm vụ mới. Cô đầu tư một số lớp thiết kế, học thêm trên mạng để nâng cao khả năng của mình.

“Tôi không nghĩ cơ hội đến với mảng thiết kế trong xuất bản lại tới nhanh như vậy, giống như cảm giác được công nhận, cũng là thách thức”, Ngọc Anh bày tỏ.

“Nhà có cô con gái làm sách”

Hiện, Ngọc Anh đã chuyển hoàn toàn sang bộ phận thiết kế tại Gamma. Trước khi thực hiện bìa cho một cuốn sách, nhóm Ngọc Anh sẽ tổ chức cuộc họp bàn về tên, ý tưởng, các chi tiết muốn đưa lên bìa. Cô sẽ là người hình ảnh hóa các ý tưởng đó để đưa lên cấp trên duyệt trước khi đưa vào sản xuất. Đến nay, Ngọc Anh đã thiết kế bìa cho 3 tựa sách.

Đi kèm những lần được thông qua thiết kế bìa, được cấp trên, đồng nghiệp khen và động viên cũng là những ngày vò đầu bứt tai tìm ý tưởng, chạy nước rút giữa các dự án đến đêm khuya. Tuy nhiên, cô cảm thấy rất may mắn vì luôn có mọi người ở bên hỗ trợ, tạo điều kiện. Mỗi nhiệm vụ là mỗi lần cô có những kỷ niệm đáng nhớ.

“Ví dụ như lần tôi thực hiện bìa cho cuốn Tranh biện sao cho đúng (tác giả Juseung Yi). Sau khi thành phẩm và gửi lại cho tác giả Hàn Quốc, bìa của tôi được khen ‘đẹp hơn sách gốc’, vui lắm. Rồi cả những lần bí ý tưởng hay tạo tới bản thiết kế ‘thứ n’ vẫn chưa được duyệt”.

Vui nhất với nữ nhân viên 23 tuổi có lẽ là khoảnh khắc được cầm trên tay những ấn phẩm mình góp công thực hiện, được đem về khoe với gia đình. Cũng nhờ những lần chia sẻ, tâm sự của con gái, bố mẹ Ngọc Anh dần hiểu hơn về công việc con đang làm, thay đổi suy nghĩ về ngành vốn bị nhiều người đóng khung “cũ kỹ, nhàm chán và ít cơ hội”.

“Lần nào có sách tôi thiết kế bìa được ra mắt, bố mẹ cũng dặn đem về nhà một cuốn để làm kỷ niệm. Lâu lâu gặp họ hàng, bố mẹ lại tự hào kể ‘nhà có đứa con gái làm sách’ và đem ra khoe những cuốn ấy”.

Càng gắn bó, Ngọc Anh cũng nhận ra ngành xuất bản có nhiều điều khác so với tưởng tượng của cô thời còn đi học.

“Nhân sự ngành xuất bản giờ cũng khác trước nhiều, năng động, đa năng hơn và phải không ngừng học tập, trau dồi để theo kịp sự phát triển của thị trường. Đơn cử, nhiều biên tập viên không chỉ đơn thuần làm việc với sách mà có thể tham gia vào hoạt động marketing, làm host cho các chương trình ra mắt sách bởi chính họ là những người rất hiểu tác phẩm đó”.

Bên cạnh đó, Ngọc Anh nhận xét có không ít bạn trẻ ngày càng quan tâm đến các vị trí làm việc trong lĩnh vực xuất bản. Cô thường nhận được các cuộc gọi, tin nhắn từ bạn bè, sinh viên khóa dưới về cơ hội việc làm và yêu cầu công việc.

“Ngành xuất bản đang ngày càng thay đổi theo hướng đa dạng, nhiều thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội hơn. Bản thân tôi cũng hy vọng có thể thử sức thêm ở các vị trí công việc khác nếu có cơ hội”, Ngọc Anh chia sẻ.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Người làm xuất bản Việt có thu nhập bình quân 9,6 triệu/tháng

Lương bình quân của nhân sự tại 57 NXB là 9,6 triệu đồng/tháng, song có sự chênh lệch lớn trong mức thu nhập bình quân này giữa nhân sự các đơn vị.