Không phải cứ nhìn vào bất kỳ tác gia nổi tiếng nào, ta cũng thấy được niềm cảm thức dân tộc mạnh mẽ – đó là vì ta cảm nhận trong họ thiếu vắng chất keo gắn kết cá nhân với quê hương bản quán, chốn đã dưỡng nuôi tài năng, thậm chí tạo dựng cho họ một sự nghiệp lẫy lừng. Nhiều tác giả tự chọn lấy kiếp sống tha hương, như Lord Byron, Henrik Ibsen, Bertolt Brecht… Những người khác rời đi vì cảm giác chính mình đã bị gạt ra rồi, như Oscar Wilde, D.H. Lawrence, Stefan Zweig…
Một tác gia Na Uy tài hoa
Nói cho cùng, họ rời bỏ về thể xác cũng chỉ khi xa cách về tinh thần đã đi tới cực hạn. Vậy mới thấy, viết nên tác phẩm mang đậm bản sắc “quốc hồn quốc túy” đã khó, mà giữ được chút gì đó hồn cốt dân tộc gắn liền với bản thân tác giả lại càng khó hơn.
Bjørnstjerne Bjørnson năm 1908. Ảnh: Anders Beer Wilse |
Nhưng Bjørnstjerne Bjørnson (1832-1910) đã làm được cả hai điều này. Nhắc đến tên ông, người ta không đơn thuần nghĩ tới một tác gia tài hoa, mà chính xác hơn phải là một tác gia Na Uy tài hoa.
Nhà phê bình văn học Georg Brandes từng nhận xét: “Thật ra, chưa bao giờ dân Na Uy đồng lòng công nhận Bjørnson – lúc đầu là vì phong cách ông mới mẻ quá, sau lại vì ý tưởng ông táo bạo quá – nhưng cả dân tộc ấy vẫn kề bên ủng hộ ông, có lẽ trừ Victor Hugo ra thì chẳng thi sĩ đương thời nào được đến thế. Mà Hugo không mang căn tính nước Pháp nhiều bằng Bjørnson mang căn tính Na Uy. Gọi lên cái tên Bjørnson cũng giống như giương lá cờ Na Uy vậy…
Miệng nói câu thẳng thắn, tay viết lời súc tích, lòng yêu nước lắm thay, nhưng đồng thời ông cũng hiểu rõ cái hạn hẹp, cái thiếu thốn, cái nghèo về tinh thần của dân tộc mình – nhận thức như vậy đã đẩy ông hướng tới Scandinavia, hướng tới tộc người German, hướng tới thế giới – những phẩm chất lạ lùng hòa trộn vào nhau tạo nên đặc thù dân tộc ấy, và bản thân Bjørnson đã bao hàm cả Na Uy trong mình.
Ông hay tự phê bình đất nước ông, không phải kiểu cay độc như Turgenev và Ibsen, mà là can trường nói lên điều nhận xét khắt khe, xuất phát từ tình yêu thương, bộc lộ qua những câu chữ buồn rầu. Không bao giờ ông chỉ ra một khuyết điểm mà lại nghi ngờ cách thức sửa sai và chữa hẳn thói tật đó đi, cũng không bao giờ ông nói về một điều xấu mà lại tuyệt vọng cho rằng chẳng thể trừ tiệt được.
Ông tin chắc vào bản chất lương thiện của con người, và ông lạc quan đến không gì lay chuyển nổi, với niềm hy vọng luôn tràn trề trong mình. Chẳng quốc gia nào khác có thể sản sinh ra được một Bjørnson như vậy, và hẳn ông cũng sẽ không nổi bật gì hơn các tác giả ngoài kia nếu ông sinh ra ở bất kỳ một đất nước nào khác ngoài Na Uy.”
Ba tác phẩm mở đầu cho sự nghiệp lẫy lừng
Nói đến gia tài văn chương của Bjørnstjerne Bjørnson, cây bút mang nặng dân tộc tính như vậy, ta không thể không nhắc tới những tác phẩm ông viết về người nông dân Na Uy, mà cụ thể hơn chính là ba tác phẩm thời kỳ đầu đã mở màn cho sự nghiệp viết lách lẫy lừng của ông về sau.
Ra đời sớm nhất là Bí mật của Synnøve (1857), tiểu thuyết đầu tay được Bjørnson xuất bản dài kỳ trên mặt báo năm ông hai mươi lăm tuổi, khi kinh nghiệm viết lách còn ít ỏi – chủ yếu nằm trong lĩnh vực phê bình kịch nghệ – mà thậm chí kinh nghiệm sáng tác còn ít ỏi hơn.
Đọc Bí mật của Synnøve, ta thấy được câu chuyện cuộc đời và quá trình trưởng thành của cậu trai Thorbjørn ngỗ nghịch từ nhỏ, dẫu luôn gắng kìm nén bản tính mà làm điều đúng đắn để chứng minh bản thân trước cô gái mình yêu thương, nhưng theo một cách nào đó, cậu luôn bị cuốn vào những rắc rối ngày càng chồng chất…
Cốt truyện không phức tạp, bút lực không thâm sâu, tác giả không tên tuổi, nhưng tác phẩm đã thành công ngay tức thì, trước tiên là ở Đan Mạch, rồi dần lan rộng khắp thế giới với bản dịch ra các thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển, Hà Lan…
Thấy tác phẩm vang danh quốc tế như vậy, cây bút đương thời Nordahl Rolfsen đã tiết lộ một chuyện vui bên lề: Khi truyện mình được xuất bản, Bjørnson háo hức chờ nghe lời nhận xét từ bạn bè thân hữu, nhưng mãi chẳng thấy ai nói gì, hóa ra là vì… không ai đọc cả.
Ông đành “hối lộ” chai rượu để nhờ một người bạn đọc thử tác phẩm. Trong khi người bạn nằm dài trên giường, vừa bập thuốc vừa đọc một mạch chẳng nói chẳng rằng, Bjørnson hồi hộp ngồi chờ ngay ở xô pha kế bên. Khép sách lại, bạn ông nhận lấy chai rượu “chiến lợi phẩm”, và dứt khoát tuyên bố ngay: “Quỷ tha ma bắt tôi đi, đây là cuốn sách hay nhất tôi từng đọc trong đời.”
Vậy mới thấy, ở Na Uy thời ấy, phong cách của Bjørnson có thể coi là quá mới lạ, nên chỉ những người mở lòng đón nhận thì mới nhìn rõ được cái thiên tài chớm nở trong đó.
Sách Bí mật của Synnøve, Chuyện tình chàng Arne, Cậu trai vui vẻ. |
Bí mật của Synnøve ban đầu nhận được nhiều đánh giá trái chiều từ người Na Uy, nhưng vẫn có thể coi là thành công khi tác phẩm sớm được in thành sách riêng, tái bản đến hàng chục lần. Rồi Chuyện tình chàng Arne ra đời ngay năm sau đó (1858). Với nội dung xoay quanh một chàng trai vừa mang nỗi khát khao trốn chạy khỏi những đau buồn ám ảnh khôn nguôi trong quá khứ, vừa muốn gác lại ước mơ để được xoa dịu trong vòng tay người thương, câu chuyện chạm tới những khía cạnh u tối hơn trong cuộc sống người nông dân Na Uy, như thói chè chén, đắm mình trong tiệc tùng miên man, ẩu đả đến thừa sống thiếu chết…
Cũng cùng chủ đề xoay quanh chuyện đời, chuyện tình của một anh chàng mới lớn, Cậu trai vui vẻ (1860) lại mang góc nhìn tươi sáng và chan chứa hy vọng hơn, dẫu vẫn nói đến những bất cập về cách làm nông nghiệp và phân cấp giàu nghèo trong xã hội.
Tác giả lồng ghép những thông điệp tích cực, những lời khuyên chí tình trong một cốt truyện kiểu “đũa mốc chòi mâm son” mà dẫu mô-típ đã quen thuộc, diễn biến tình tiết vẫn không khiến người đọc bớt đi phần tò mò và say mê theo dõi.
Ba tác phẩm này đã định hình nên Bjørnstjerne Bjørnson như một tác gia của dân tộc mình, của thời đại ông đang sống, ngay ở giai đoạn cả đất nước Na Uy mò mẫm tìm kiếm bản ngã của chính mình trong văn học nghệ thuật.
Sự thiếu vắng một nền nghệ thuật chính thống riêng biệt khởi nguồn sâu xa từ lịch sử đan xen giữa Na Uy với Đan Mạch và Thụy Điển – ba quốc gia đã thành lập Liên minh Kalmar từ năm 1397, do Margaret I cai trị chung, nhằm đối chọi với thế lực đang bành trướng của Liên minh Hanse gồm các nước quanh vùng Baltic và biển Bắc.
Đan Mạch ở vào vị thế quốc gia phát triển nhất trong ba nước nên đã thống trị liên minh, đặt ra sưu cao thuế nặng cũng như đàn áp quyền lợi của người dân Thụy Điển và Na Uy. Mãi đến năm 1523, Thụy Điển mới thành công thoát khỏi ách thống trị, và Đan Mạch đáp lại điều này bằng cách thắt chặt hơn nữa cái vòng kìm kẹp lên Na Uy, dù tuyên bố cho đất nước này tự trị nhưng thực tế vẫn nằm trong vòng kiểm soát của mình. Đến năm 1814, Đan Mạch suy yếu, buộc phải trao Na Uy cho Thụy Điển. Na Uy tuyên bố độc lập nhưng không được các quốc gia khác công nhận, phải vin đến chiến trận thì Thụy Điển mới nhượng bộ. Trên danh nghĩa vẫn thuộc quyền cai trị của Thụy Điển, song Na Uy đã độc lập theo nhiều phương diện, về sau đến năm 1905 thì chính thức được công nhận. Bởi vậy cũng không có gì là lạ khi nền nghệ thuật Na Uy giai đoạn này hoàn toàn bị bao trùm dưới cái bóng của Đan Mạch, đặc biệt trong lĩnh vực sân khấu.
Bjørnstjerne Bjørnson đã xuất hiện đúng lúc, khi đại chúng đang rất cần một “phát ngôn viên” mang niềm tự hào quốc gia chạm đến tận đáy lòng mỗi người dân Na Uy. Niềm tự hào dân tộc ấy được hiện thực hóa dưới hình hài những người nông dân xuất hiện với vai trò chủ thể trong tác phẩm văn học, đủ để độc giả cảm nhận được cốt cách con người Na Uy cũng như mường tượng ra đời sống thường ngày của họ.
Thời đó, phần lớn người Na Uy là nông dân, dù đã an cư lạc nghiệp ở các đô thị như Bergen hay Christiania (Oslo ngày nay) thì họ vẫn giữ lối sinh hoạt kiểu làng xã thôn quê. Sử gia Rudolf Keyser từng ghi nhận: “Nông dân Na Uy luôn được coi là đại diện đầu tiên cho con người Na Uy.”
Nói vậy không có nghĩa là ngay từ khi đặt bút viết những dòng đầu tiên trên trang bản thảo Bí mật của Synnøve, chàng thanh niên hai mươi lăm tuổi Bjørnson đã nhắm đến khơi dậy tình cảm ái quốc trong đồng bào mình. Có lẽ nói chính xác hơn là vận mệnh đã xếp đặt đúng người vào đúng hoàn cảnh.
Bjørnstjerne Bjørnson sinh ra trong gia đình mang gốc gác nông dân lâu đời ở Kvikne. Cha ông, Peder Bjørnson, cũng từng làm nông trước khi trở thành mục sư, tính tình nổi tiếng cứng rắn và luôn nghiêm khắc với cậu con trai đầu lòng Bjørnstjerne. Ngược lại, Inger Nordraak mẹ ông, con gái một gia đình có truyền thống âm nhạc, thì lúc nào cũng vui tươi, ca hát luôn miệng trong khi làm việc trên đồng hay chăm sóc gia đình.
Sau đó cha ông được phân công quản xứ ở Naesset và đã mang cả gia đình theo. Bjørnstjerne trải qua tuổi ấu thơ sống kề bên những người nông dân, vậy nên cũng chẳng lạ gì khi ông hiểu họ đến vậy, và đã lấy đời sống nhà nông làm đề tài cho những tác phẩm đầu tay của mình, kết hợp vào thể loại truyện saga truyền thống của các dân tộc Bắc Âu. Saga thường kể về chuyện đời của một người mang địa vị tôn quý hay công danh hiển hách, chia ra nhiều thể loại như saga về vua chúa, về một gia tộc, về hiệp sĩ, về các vị thánh và giám mục… Nhưng trong tác phẩm của mình, Bjørnson chỉ viết về chuyện đời của những người nông dân bình thường nhất, ấy cũng là cách ông tôn vinh họ đấy chăng?
Thật vậy, niềm cảm hứng thuở đầu sáng tác hoàn toàn đến từ những gì quen thuộc nhất với chàng trai Bjørnson khi đó: Đọc Bí mật của Synnøve, ta thấy thấp thoáng hình bóng người cha Peder Bjørnson trong nhân vật Sæmund Granliden khắt khe, khó tính, và hình ảnh người mẹ Inger Nordraak trong nhân vật Karen Solbakken vui vẻ, hay chuyện. “Mẹ ông tính tình tươi vui, sôi nổi, hạnh phúc. Cha ông thì chẳng thể giãi bày tình cảm từ tận đáy lòng mình. Thật sự có thể nói rằng tôi hình dung được về cả hai người họ: người mẹ là bà nông dân vui vẻ ở Solbakken, sống trên ngọn đồi ngập nắng, còn người cha là Sæmund trú nơi bóng râm Granliden… Ta thấy rất đáng chú ý rằng Bjørnstjerne Bjørnson đã đưa cả cha lẫn mẹ mình vào Bí mật của Synnøve, cuốn sách đầu tiên mang ông xuất hiện vinh hiển trước mắt công chúng.” (Sử gia văn chương Christen Collin bình luận.)
Đến Chuyện tình chàng Arne, nhân vật chính Arne Kampen cũng được Bjørnson lấy cảm hứng từ một người bạn thuở nhỏ mà ông hết mực thương yêu và quý trọng – Einar Veiten. Anh bạn Einar dí dỏm biết bao, luôn là nguồn vui cho mọi người chung quanh, nhưng vào một dịp tiệc tùng, khi niềm vui đi quá đà làm người bạn thân của Einar phật ý, người bạn ấy đã nắm vai Einar bẻ ngược ra sau trong cơn nóng giận, làm anh bị gãy lưng, thân thể từ đó không cách nào hồi phục được nữa.
Vận mệnh bi thảm của con người vui tươi, dí dỏm ngày nào giờ đây phải chịu cảnh tàn tật suốt đời đã ám ảnh Bjørnson, và ông quyết viết nên một câu chuyện cuộc đời tươi sáng hơn, cho Einar được rời bỏ những bóng ma quá khứ u buồn và sống hạnh phúc mãi mãi trên trang sách.
Cuộc sống người nông dân Na Uy thường chỉ xoay quanh nông trang, trường học và nhà thờ – ba khía cạnh luôn được Bjørnson khắc họa tinh tế trong tác phẩm. Qua ngòi bút ông miêu tả hết sức sinh động, ta thấy rõ đời sống sinh hoạt của người nông dân trên những khu chăn thả gia súc xa xôi, rộng lớn bạt ngàn; những dịp hội hè khiêu vũ để nam thanh nữ tú đến gần nhau hơn, kết nên bao giai thoại tình yêu đẹp đẽ; đời sống tinh thần ngoan đạo, gắn liền với mỗi dịp đi lễ Chúa nhật và lễ kiên tín đánh dấu một con người thành niên; cũng như thói quen chuyện trò kiệm lời, dè dặt, những câu chào tiếng hỏi theo kiểu hết sức đặc trưng Na Uy: “cảm ơn vì lần trước”, “mặc cho khỏe người”…
Chân thật là thế, nhưng cách ông kể chuyện vẫn thấm đẫm chất thơ của cuộc đời được lý tưởng hóa qua góc nhìn văn chương. Hay theo cách nói của Rolfsen, “Bjørnson là con một mục sư; cá nhân ông chưa bao giờ trải qua cảnh ngày ngày lao khổ và góc nhìn làng xã hạn hẹp của người nông dân. Ông cảm nhận được sức nặng của núi non ngự trị trong tâm trí, lòng luôn mong mỏi hướng về đó như một thứ cảm xúc lớn lao, nhưng đường chân trời hạn hẹp trong tâm tưởng không giày vò ông. Ông có nghĩ gì về nó khi đặt bút viết đâu. Suốt những ngày buồn tẻ ở trường học, thung lũng Romsdal xinh tươi luôn nằm đó chờ đợi ông, vẫy tay chào đón ông mỗi dịp nghỉ hè – luôn rực rỡ và đầy lôi cuốn, lờ mờ tỏa rạng vầng sáng điền viên thôn dã.”
Với tài năng thi ca phần nào kế thừa từ gia đình bên ngoại, ông đã lồng ghép vào truyện những đoạn thơ hết sức mềm mại, duyên dáng mà về sau được nhiều tác giả phổ thành nhạc: Morten Eskesen, C.J. Frydensberg, Peter Heise, Anton Nielsen, Oluf Ring…
Ông còn giới thiệu đến cho người đọc những chuyện kể kỳ bí về các nữ yêu, quỷ quái trong thần thoại dân gian Bắc Âu, mang đậm sắc màu dân tộc, được nhắc qua thật vắn tắt thôi, để cuốn hút người ta muốn tìm hiểu thêm nhiều nhiều nữa về đất nước Na Uy tươi đẹp này. Vậy là ngay từ những tác phẩm đầu tiên, Bjørnson đã tìm được hướng đi đúng đắn cho mình, cả về đề tài lẫn phong cách, mở đường cho một sự nghiệp thành công vang dội trong nhiều lĩnh vực.
Sẽ là quá dài nếu ta cố kể ra ở đây cả những thành tựu lớn lao ông đạt được trên sân khấu kịch nghệ và cả vũ đài chính trị nữa, nhưng vẫn phải khẳng định rằng Bjørnson đã góp công sức rất lớn mang hình ảnh Na Uy bước khỏi cái bóng phủ mờ của Đan Mạch và Thụy Điển, đến với thế giới thông qua cả tác phẩm văn chương lẫn sự nghiệp đấu tranh chính trị dài lâu của ông.
Có lẽ vì xa xôi cách trở về địa lý và còn nhiều lạ lẫm về văn hóa mà giới văn sĩ Bắc Âu chưa được giới thiệu nhiều đến với độc giả Việt Nam, bằng chứng là tác phẩm của Bjørnson được dịch ra tiếng Việt đều nằm chung trong các tập truyện ngắn với nhiều tác giả khác.
Với mong muốn vinh danh Bjørnstjerne Bjørnson, nhà văn Na Uy đầu tiên đạt giải Nobel Văn chương vào năm 1903, nay Đông A xin giới thiệu ba câu chuyện Bí mật của Synnøve, Chuyện tình chàng Arne và Cậu trai vui vẻ, lần đầu tiên được ra mắt bạn đọc Việt Nam qua bản chuyển ngữ của dịch giả Minh Khoa và tranh minh họa của họa sĩ Phạm Ngọc Tân.
Chúng tôi hy vọng rằng đây chỉ là bước khởi đầu để mang văn chương Bắc Âu nói chung và văn học Na Uy nói riêng đến gần với người Việt hơn nữa, để hình ảnh quốc gia này không còn lờ mờ nhòe nhoẹt trong tâm trí ta, mà được gắn liền với những phong tục, những con người “không ai nhớ mặt đặt tên, nhưng họ đã làm ra đất nước”.