Biệt thự, nhà phố ồ ạt biến thành kho hàng livestream

Hai năm nay, anh Chu cho một nhà phân phối sữa thuê mặt bằng 6.000 m2 ở Đức Hòa, Long An làm kho chứa hàng với giá 6.000 đồng/m2/tháng. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, phía khách thuê liên tục thanh toán tiền thuê chậm với lý do kinh doanh khó khăn.

Đúng lúc này, một cá nhân ở Hà Nội đề nghị thuê lại với giá 7.000 đồng/m2/tháng và đặt cọc trước 6 tháng. “Đại lý phân phối sữa đã vi phạm hợp đồng ký kết nên tôi yêu cầu chấm dứt hợp đồng. Ngay tháng sau, người thuê mới đã cho dọn dẹp, sửa sang lại kho để chứa hàng”, anh Chu nói và cho biết lúc thoả thuận, anh cũng chỉ được biết là khách thuê mới dùng nơi này để chứa hàng.

Nhưng theo quan sát, anh thấy người chủ này thiết kế kho thành hai phần: Một phần lớn dùng để chứa hàng, khu vực nhỏ còn lại được bố trí khá đẹp mắt với hệ thống đèn chiếu sáng chuyên nghiệp.

“Sau tôi mới biết người thuê kho hàng đồng thời tổ chức livestream bán hàng ngay tại kho. Khách thuê cho biết mô hình này rất phổ biến ở Trung Quốc, đang lan rộng ở phía Bắc và giờ đã vào đến phía Nam”, anh Chu chia sẻ.

Đặt cược vào mô hình mới

Thực tế, làn sóng livestream bán hàng đã nổi lên nhiều năm gần đây như một xu hướng mới của thương mại điện tử Việt Nam, buộc các thương hiệu và doanh nghiệp cũng phải nhanh chóng thích ứng.

“Theo quan sát của tôi, nhiều đơn vị bán được số lượng lớn đơn hàng qua livestream, thương mại điện tử hiện nay đều livestream ngay tại kho. Đây thường là các kho quy mô lớn tương tự mô hình truyền thống nhưng sẽ bố trí thêm một khu vực nhỏ để livestream ngay tại chỗ, hoặc cũng có thể là một căn nhà riêng, diện tích lớn để có thể đóng hàng giao đi ngay sau khi kết phiên livestream”, chị Yến Trần – CEO H.Y Group – một đơn vị chuyên phân phối mỹ phẩm cho biết.

Chính công ty chị cũng đang có kế hoạch giữa năm nay sẽ thuê thêm một căn nhà phố ở khu vực quận Thanh Xuân hoặc Hà Đông (Hà Nội) để vừa làm văn phòng và kho chứa hàng, vừa bố trí phòng livestream.

livestream anh 1

Các doanh nghiệp, thương hiệu đều đặn livestream 1-2 phiên/ngày, mỗi phiên kéo dài 1-2 tiếng. Ảnh: NVCC.

“Trước đây công ty tôi tập trung chủ yếu vào bán sỉ nên hệ thống kho xưởng khá đặc thù, nay muốn mở rộng thêm mảng bán lẻ thông qua thương mại điện tử, đặc biệt là livestream thì cần thuê mặt bằng riêng. Đơn hàng hiện chưa nhiều nhưng tôi nhìn thấy hiệu quả của hình thức này nên muốn đặt cược đầu tư để phát triển hơn về cả cơ sở vật chất lẫn nhân sự”, chị chia sẻ.

Sau khi tìm hiểu thực tế, chị Yến ước tính giá thuê một căn nhà riêng phù hợp yêu cầu khoảng 15 triệu đồng/tháng, còn tổng chi phí đầu tư ban đầu cho các trang thiết bị máy móc, bàn ghế, phông nền phục vụ livestream tối đa vài chục triệu đồng.

Tương tự, anh Trần Lâm – chủ thương hiệu Julyhouse – nhà bán hàng có nhiều năm thành công trên các sàn thương mại điện tử, cách đây 1-2 năm rộ lên câu chuyện mở kho, đặc biệt là đa kho ở nhiều tỉnh thành lớn, thì các doanh nghiệp giờ đây có xu hướng tận dụng kho của các công ty logistics hơn.

Thay vào đó, họ ưu tiên thuê nhà phố làm văn phòng để vừa có không gian làm việc, chứa hàng, vừa có thể bố trí khu vực livestream. Đơn cử như với công ty của anh Trần Lâm, các phiên livestream kéo dài vài tiếng mỗi ngày hiện đóng góp 15-20% doanh số. Hiện anh Lâm đang tập trung cải thiện hiệu quả bán hàng qua livestream, với kỳ vọng nâng tỷ trọng lên 30-40%.

Nở rộ cho thuê phòng livestream

Đáng chú ý, trong làn sóng thuê kho bãi, nhà riêng để bán hàng livestream, thị trường còn xuất hiện nhóm khách thuê là các công ty chuyên về dịch vụ livestream, affiliate marketing (tiếp thị liên kết).

Những đơn vị này thường thuê nguyên một căn biệt thự, sàn văn phòng hoặc mặt bằng kho xưởng lớn, sau đó cải tạo thành các phòng livestream nhỏ và cho KOL, KOC hoặc các nhà bán hàng thuê lại để thực hiện các phiên livestream.

livestream anh 2

Các công ty dịch vụ thường thuê nguyên căn biệt thự hoặc một sàn văn phòng rồi chia thành các phòng livestream nhỏ để cho thuê, cũng như triển khai dịch vụ livestream, affiliate. Ảnh: GMV.

Anh Hoàng Tuấn Anh, một nhà đầu tư bất động sản lâu năm, cũng cho biết đang thương lượng với một số khách để cho thuê sàn văn phòng làm dịch vụ livestream ở khu vực quận 2 cũ, nay thuộc TP Thủ Đức, TP.HCM.

“Những khách này mới thuê nguyên sàn trong một tòa nhà văn phòng lớn ở quận 10 nên tôi muốn thuyết phục họ mở rộng thêm ở các sàn tại quận 2”, anh chia sẻ.

Chị Quỳnh Anh, làm việc nhiều năm trong lĩnh vực bất động sản, cũng cho biết đã nhận được yêu cầu thuê văn phòng với mục đích này từ quý II-III/2023.

“Có thời điểm cả chục khách hỏi thuê liên tục, đặc biệt nhu cầu bùng nổ vào giai đoạn 2 tháng trước Tết Nguyên đán 2024. Khách thuê thường là các công ty Trung Quốc hoặc một số công ty của Việt Nam do các bạn trẻ 9x làm chủ, đã triển khai mô hình này thành công ở phía Bắc và muốn mở rộng vào TP.HCM”, chị Quỳnh Anh cho biết.

Theo chị, những khách thuê này cần các sàn văn phòng có diện tích lớn từ 300 m2 đến cả nghìn m2, giá dưới 15 USD/m2/tháng nên thường là văn phòng hạng C ở các khu vực rìa như quận 2 cũ, TP Thủ Đức… Tuy nhiên, nguồn cung đáp ứng không nhiều, vì đặc thù phục vụ livestream nên rất ồn ào và phải hoạt động 24/7, đặc biệt vào ban đêm và cuối tuần, do đó không nhiều tòa nhà hỗ trợ.

Vài tháng trở lại đây, chị nhận thấy các doanh nghiệp chuyển hướng sang tìm thuê các căn biệt thự quy mô lớn hoặc kho xưởng rộng, quy mô đủ để chia ra hàng chục phòng livestream. Lý do là sàn văn phòng giá rẻ đáp ứng các tiêu chí thuận lợi cho dịch vụ livestream không nhiều, nên một số khách chuyển sang loại hình kho xưởng rộng hoặc biệt thự.

“Ở Trung Quốc, ngành công nghiệp livestream đã phát triển từ lâu và đến nay đã đạt đỉnh. Vì vậy, mặc dù Việt Nam mới manh nha thời gian gần đây nhưng tôi nghĩ vẫn sẽ là một xu hướng kéo dài”, chị Quỳnh Anh đánh giá.

KOLs, AI livestream đem về hàng tỷ đồng doanh số cho chợ Bến Thành

Trong khi hàng chục phiên livestream của các nhà sáng tạo nội dung đem về 4,2 tỷ đồng cho các tiểu thương, thì đội “người ảo” cũng đóng góp thêm hơn 150 triệu đồng doanh thu.

Hệ lụy khi thuê TikToker livestream bán hàng giá sốc

Phân phối sản phẩm trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội được xem là xu hướng phát triển của ngành bán lẻ, song các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc quản trị về giá.

TP.HCM sắp có chuỗi hoạt động livestream bán hàng tại chợ truyền thống

Sắp tới, Sở Công Thương và Sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM sẽ phối hợp đẩy mạnh tập huấn, đào tạo cho thương nhân, đưa hoạt động thương mại điện tử vào chợ truyền thống.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức – Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách – nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo… Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.