Guy Laliberté, từng là nghệ sĩ chơi đàn Accordion, diễn viên biểu diễn trên đôi cà kheo và nuốt lửa, nay là Tổng giám đốc của Cirque du Soleil – một trong những tổ chức xuất khẩu văn hóa lớn nhất Canada.
Được thành lập năm 1984 bởi một nhóm nghệ sĩ đường phố, để rồi từ đó, các chương trình của đoàn xiếc Cirque du Soleil đã được khoảng 40 triệu người trên khắp thế giới đón xem. Trong chưa đầy 20 năm, Cirque du Soleil đã đạt mức doanh số mà đoàn xiếc hàng đầu thế giới là Ringing Bros. and Bamum & Bailley phải mất hơn 100 năm mới đạt được.
Ảnh minh họa. Nguồn: Las Vegas Weekly. |
Điều đặc biệt là sự tăng trưởng của Cirque diễn ra trong bối cảnh vô cùng khó khăn. Lúc ấy, ngành xiếc đã và đang trong cơn suy thoái dài hạn. Có rất nhiều loại hình giải trí thay thế khác như các trò thi đấu thể thao, tivi, trò chơi điện tử. Trẻ con – đối tượng khán giả chính trước đây thì nay thích chơi Playstation hơn là đến xem những buổi diễn xiếc lưu động.
Hơn thế nữa, ngày càng có nhiều quan điểm chống lại việc sử dụng động vật trong rạp xiếc từ các tổ chức bảo vệ động vật. Về mặt cung, các ngôi sao biểu diễn mà Ringling và các rạp xiếc khác thuê để thu hút người xem cũng có những công việc riêng khác.
Chính vì thế, ngành xiếc phải đối mặt với tình trạng số lượng khán giả giảm sút và chi phí ngày càng tăng. Hơn nữa, bất cứ gánh xiếc nào mới vào nghề cũng vấp phải sự cạnh tranh gay gắt cùng với những chuẩn mực khắt khe của ngành xiếc.
Vậy, làm thế nào mà Cirque vẫn đạt mức doanh thu cao trong 10 năm qua trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt như thế? Điều đặc biệt là một trong những chương trình xiếc đầu tiên được đặt tên “Chúng tôi đổi mới Nghệ thuật Biểu diễn Xiếc”.
Cirque không kiếm tiền bằng cách cạnh tranh hay giành giật khán giả với các đoàn xiếc khác, thay vào đó nó tạo ra một khoảng trống trên thị trường, vô hiệu hóa mọi sự cạnh tranh. Và kết quả là nó đã thu hút được một lượng lớn khán giả vốn không phải khách hàng thường xuyên của xiếc – đó là người lớn, những khách hàng thích xem kịch, opera hay ballet, và họ sẵn sàng trả giá cao gấp vài lần so với mức thông thường để được thưởng thức loại hình nghệ thuật chưa từng có.
Để hiểu được bản chất những thành quả mà Cirque đạt được, bạn hãy tưởng tượng một không gian thị trường được tạo ra bởi hai loại đại dương: đại dương đỏ và đại dương xanh. Đại dương đỏ tượng trưng cho tất cả các ngành đang tồn tại – khoảng thị trường được biết đến.
Ở đại dương đỏ, tất cả ranh giới ngành đã được xác định và chấp nhận, những quy luật cạnh tranh trong cuộc chơi đều rõ ràng. Tại đây, các công ty thường tìm cách vượt trội hơn so với đối thủ cạnh tranh để nắm được thị phần lớn hơn. Khi ngày càng có nhiều người tham gia vào khoảng thị trường này, khả năng thu lợi nhuận cũng như triển vọng tăng trưởng càng giảm xuống. Sản phẩm đó trở thành thứ hàng hóa thông thường và sự cạnh tranh gay gắt khiến cho việc tồn tại trong đại dương đỏ trở nên vô cùng khó khăn.
Trái lại, đại dương xanh được xác lập bởi những khoảng thị trường chưa được khai thác, những nhu cầu chưa được tạo ra và cơ hội cho sự tăng trưởng mang lại lợi nhuận cao và không có cạnh tranh. Trong đại dương xanh, khách hàng do doanh nghiệp tự tạo ra chứ không phải giành giật. Ở đây có vô số cơ hội để tăng trưởng cả về lợi nhuận lẫn vận tốc. Có hai cách tạo ra đại dương xanh.
Trong một vài trường hợp, các công ty có thể kiếm lời bằng cách tạo ra những ngành mới giống như eBay đã làm với ngành đấu giá trực tuyến. Nhưng trong hầu hết các trường hợp, đại dương xanh được tạo ra trong một đại dương đỏ khi các công ty vượt ra khỏi ranh giới một ngành kinh doanh hiện tại. Đó là những gì mà Cirque đã làm sau này. Bằng việc phá vỡ ranh giới truyền thống giữa các rạp xiếc và nhà hát, nó tạo ra một đại dương xanh mới mang lại nhiều lợi nhuận ngay chính bên trong đại dương đỏ của ngành xiếc.
Cirque chỉ là một ví dụ trong 150 doanh nghiệp sáng tạo đại dương xanh trong hơn 30 ngành mà chúng tôi nghiên cứu với số liệu lấy từ cách đây hàng trăm năm. Chúng tôi đã phân tích những công ty tạo ra đại dương xanh và những đối thủ cạnh tranh kém thành công bị mắc kẹt trong đại dương đỏ.
Khi nghiên cứu những số liệu này, chúng tôi đã quan sát đặc điểm tư duy đằng sau việc tạo ra những ngành mới và thị trường mới mà chúng tôi gọi là chiến lược đại dương xanh. Logic đằng sau chiến lược đại dương xanh và những kiểu kinh doanh cũ tập trung vào việc cạnh tranh trong không gian thị trường hiện tại.
Thực ra, người ta nói rằng những khó khăn mà rất nhiều công ty gặp phải khi họ cố gắng thoát khỏi sự cạnh tranh đã khiến họ không nhận ra được sự khác biệt giữa chiến lược đại dương xanh và đại dương đỏ.
Cuốn sách này sẽ giải thích rõ khái niệm chiến lược đại dương xanh và đặc điểm của nó. Đánh giá lợi nhuận và sự phát triển mà đại dương xanh mang lại và thảo luận lý do vì sao sự thay đổi của các công ty lại trở nên khẩn thiết trong tương lai. Những kiến thức về chiến lược đại dương xanh sẽ giúp các công ty đang phải cạnh tranh khốc liệt hiện nay phát triển trong một thế giới kinh doanh rộng lớn.