Bị cáo Đỗ Thị Nhàn lý giải việc nhận quà từ thuộc cấp bà Trương Mỹ Lan

Chiều ngày 2/4, phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tiếp tục phần bào chữa bổ sung đối với các bị cáo.

Bào chữa cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát NHNN), luật sư cho rằng, việc VKS quy kết bị cáo Nhàn là trưởng đoàn thanh tra, biết rõ tình trạng ngân hàng SCB thuộc dạng kiểm soát đặc biệt nhưng không kiến nghị chuyển cơ quan điều tra là suy đoán không có lợi cho bị cáo.

Theo luật sư, không thể suy luận việc bị cáo Nhàn bàn với Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) để đưa ra phương án đối phó việc phát hiện thanh tra.

“VKS đưa kết luận bà Nhàn biết rõ thực trạng ngân hàng nên gặp bà Lan thông qua Văn, từ đó bị cáo Nhàn nhận tiền để bưng bít sai phạm. Cáo buộc này mang hướng suy luận, không đủ căn cứ chứng minh” vị luật sư trình bày quan điểm.

Cuu Thanh tra NHNN anh 1

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn.

Tự bào chữa bổ sung, bị cáo Đỗ Thị Nhàn nói kết luận VKS làm bị cáo rất hoang mang, lo lắng. Bị cáo mong HĐXX xem xét hoàn cảnh, điều kiện phạm tội, áp dụng biện pháp có lợi cho bị cáo.

Bà Nhàn bác bỏ lời khai của Võ Tấn Hoàng Văn rằng Văn chơi với con bị cáo. “Văn khai chơi với con bị cáo là sai. Bị cáo quen Văn từ 2009, lúc đó con bị cáo là sinh viên năm nhất thì làm sao là bạn, chơi với nhau?”, bị cáo Nhàn trình bày.

Trần tình về việc nhận quà của bị cáo Văn, bị cáo Nhàn cho rằng đó là ‘bình thường trong cuộc sống’, tặng qua tặng lại nên khi Văn mang thùng xốp đến và gọi nói tặng quà, bị cáo đi vắng nên mới cho mật khẩu vào nhà.

“Cảm ơn Văn thừa nhận việc bị cáo gặp chị Lan 2 lần là do Văn nhờ bị cáo. Nhưng lời khai của Văn tại cơ quan điều tra có nội dung liên quan bị cáo không đúng, đó là về bán tài khoản nợ của 71 khách hàng để không chuyển qua cơ quan điều tra. Bị cáo không biết chị Lan, chỉ do Văn nhờ gặp 2 lần, không quen thì không thể cởi mở trao đổi với chị Lan được”, bị cáo Nhàn trình bày.

Bị cáo Nhàn cho rằng không có cơ sở xác định lời khai Văn tại cơ quan điều tra là trung thực, khách quan. Theo bị cáo, vai trò bị cáo là trưởng đoàn thanh tra đã hoàn thành, không bưng bít sai phạm, cũng đã đề xuất kiến nghị sau thanh tra.

Bào chữa cho bị cáo Dương Tấn Trước (Tổng giám đốc Công ty Tường Việt) luật sư cho biết, gia đình bị cáo đã và đang tích cực khắc phục hậu quả của vụ án. Giai đoạn điều tra và truy tố đã kê biên và phong tỏa khối lượng tiền USD rất lớn của bị cáo.

Cuu Thanh tra NHNN anh 2

Các bị cáo tại tòa.

Theo luật sư, gia đình bị cáo đã khắc phục khoảng gần 2.300 tỷ đồng, còn dư khoảng 600 tỷ đồng sau khi cấn trừ thiệt hại. Với 4 bất động sản có giá trị cao trong vụ án đang bị kê biên, luật sư mong HĐXX xem xét đình chỉ kê biên với số bất động sản này vì đã khắc phục dư thiệt hại.

Bào chữa cho bị cáo Trương Huệ Vân (cháu gái bà Trương Mỹ Lan) luật sư cho rằng mức án mà VKS đề nghị cho bị cáo là quá nghiêm khắc. Theo luật sư, bị cáo không trao đổi bàn bạc với bị cáo Trương Mỹ Lan hay lãnh đạo SCB.

Bị cáo Vân nhận trách nhiệm phần mình. Tuy nhiên, luật sư cho rằng vai trò của bị cáo là thụ động trong hoạt động liên quan tới tín dụng. Sau đợt dịch Covid-19, bị cáo Vân mới tham gia hoạt động của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và không có bất kỳ hoạt động tín dụng nào mà chỉ xúc tiến đầu tư, tháo gỡ pháp lý, truyền thông cho dự án.

Vì vậy, theo luật sư việc VKS quy kết bị cáo Vân 2 tình tiết là phạm tội có tổ chức tích cực, tinh vi xảo quyệt là quá nghiêm khắc.

Về phần khắc phục hậu quả, luật sư cho biết, ngoài nguyện vọng của bị cáo Trương Mỹ Lan chuyển 1.350 tỷ đồng cho bị cáo để khắc phục hậu quả, bị cáo Vân còn vận động chồng khắc phục thêm 2 tỷ đồng.

Tự bào chữa bổ sung, bị cáo Trương Huệ Vân thống nhất ý kiến luật sư và mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo khi lượng hình.

“Trong suy nghĩ bị cáo chưa bao giờ có suy nghĩ chiếm đoạt hay nhận bất kỳ tín hiệu nào từ cô bị cáo là đang chiếm đoạt hay sẽ chiếm đoạt. Bị cáo chỉ nghĩ đây là khoản vay có tài sản đảm bảo, có vay có trả”, bị cáo Vân nói.

Lá thư CEO nước ngoài không phải là luận cứ bào chữa cho Trương Mỹ Lan

Chủ tọa phiên tòa cho rằng lá thư của CEO tập đoàn lớn ở Hong Kong (Trung Quốc) chưa được hợp pháp hóa lãnh sự, nên không thể xem là một phần của luận cứ bào chữa.