‘Bảo hiểm xã hội’ của các đào nương xưa

Tạo hình một đào nương (Jun Vũ thủ vai) trong phim “Người bất tử”.

Ngày 1/10/2009, UNESCO đã chính thức ghi danh nghệ thuật ca trù của Việt Nam vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Tuy nhiên trong đời sống xã hội, loại hình nghệ thuật, vốn có tên ả đào, này vẫn chưa được nhiều người biết tới và quan tâm tìm hiểu.

Sáng 6/4, tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã diễn ra sự kiện ra mắt cuốn sách Ả Đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền. Sự kiện không chỉ giới thiệu tác phẩm dày công nghiên cứu, thực hiện của tác giả trong 9 năm trời ròng rã mà còn giới thiệu thêm cho độc giả những góc nhìn mới về một di sản nghệ thuật quý báu nghìn năm tuổi trong kho tàng âm nhạc cổ truyền dân tộc.

Một loại hình nghệ thuật đặc biệt

Chia sẻ tại sự kiện, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền khẳng định ả đào là thể loại âm nhạc mang nhiều tên gọi nhất trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam. “Ả đào” là tên gọi xưa cũ nhất có từ thời Lý.

“Điều tôi cho rằng rất cảm xúc và kỳ vĩ là trên thế giới có lẽ không một thể loại âm nhạc nào sử dụng danh từ chỉ người ca nữ, tức đào nương, để đặt tên cho một thể loại. Điều đó thể hiện sự tôn vinh rất lớn đối với vai trò nữ giới trong thể loại nghệ thuật này”, ông nói.

Nhà nghiên cứu cho biết thêm tùy vào môi trường diễn xướng, thể loại này có rất nhiều tên gọi khác nhau, ví dụ “hát cửa đình”, “hát cửa đền” vì thể loại này luôn được dùng trong tín ngưỡng hát thờ ở dân gian, thờ thần ở đình hay đền.

Trong cung vua phủ chúa, nó được gọi là “hát cửa quyền”, trong dinh thự quan lại, nhà giàu có mời đào nương về hát, nó lại được gọi là “hát nhà tơ”. Cũng có nơi gọi thể loại này là “hát nhà trò”, vì trong buổi hát cửa đình, kết thúc buổi bát bao giờ cũng có trò diễn. Khoảng thế kỷ 19, người ta bắt đầu đổi “ả” thành “cô”, “đào” thành “đầu”, như vậy “ả đào” thành tên Nôm là “cô đầu”.

nghe thuat a dao anh 1

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (giữa) tại sự kiện ra mắt sách.

“Còn một giai đoạn trung gian nữa là trước khi thành ‘cô đầu’, nó còn được gọi là ‘ả đầu’. Ngày xưa, ‘đầu’ là từ thể hiện quan hệ thầy trò rất mật thiết trong giáo phường, tức là một đào đơn đào kép càng dạy nhiều học trò, sau này học trò đó đi diễn phải trích một phần nhỏ trong suất diễn của mình đóng cho giáo phường để đưa thầy, tiền đó gọi là ‘tiền đầu’. Vì thế ngày trước, sử ghi lại rằng phải những đào nương rất danh giá, có rất nhiều học trò được tôn vinh thì sẽ có nhiều ‘tiền đầu’, thực ra giống như bảo hiểm xã hội cho đào nương khi về già. Tôi cho điều này quá kỳ vĩ và hấp dẫn”, tác giả chia sẻ thêm.

Từng có một giai đoạn, quan niệm xã hội cho rằng cô đầu là từ xấu, gắn với tất cả thú ăn chơi như nhà hát cô đầu. Loại hình này nhanh chóng bị coi là không phù hợp vào thời điểm đó, nó biến mất trong khoảng 50-60 năm.

Tuy nhiên, những người yêu thương ả đào vẫn nói về nó, viết về nó nhưng bắt đầu sử dụng từ khác là ca trù. Vì vậy, có thể nói ca trù là từ mới hơn so với từ gốc.

“Hôm nay, khi tôi viết về nó, tôi quay trở lại tên gọi xưa cũ nhất, xuyên suốt cả 1.000 năm lịch sử là ả đào”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền lý giải tên cuốn sách.

Ấn phẩm công phu, tâm huyết

Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền là người có nhiều cống hiến cho việc phục dựng và nghiên cứu chuyên sâu âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Những thôi thúc tìm hiểu về thể loại ả đào đã khiến ông tìm kiếm, sưu tầm và bỏ công viết lại, ghi lại tất cả kiến thức về âm luật, khổ đàn, khổ phách… trong kho tàng ả đào Việt Nam cả thế kỷ qua.

Với Ả Đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật vừa ra mắt, có thể coi tác phẩm như bộ “sách giáo khoa” về ca trù, các thể cách, lối hát, âm luật… thật chuẩn mực, để những người trong nghề lấy đó làm quy chuẩn. Nội dung ấn phẩm gồm 7 phần:

Phần 1: Không gian văn hóa – chức năng xã hội và những hình thức biểu hiện của nghệ thuật Ả đào: Đem đến cái nhìn toàn diện hơn về thể loại nhạc hơn nghìn năm tuổi này.

nghe thuat a dao anh 2

Cuốn Ả đào – Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền.

Phần 2: Khổ phách – khổ đàn: Làm sáng tỏ những khuôn thước trong bài bản bấy lâu nay vẫn được xem như bí truyền của giới nghề. Mọi vấn đề đưa ra đều được minh họa bằng những ví dụ đoạn nhạc ký âm chi tiết.

Phần 3: Cung điệu nhạc Ả đào: Với phương pháp tiếp cận mới, hệ thống cung điệu nhạc Ả đào đã được định nghĩa theo cách nhìn khoa học âm nhạc. Từ đó xác định có bao nhiêu loại cung điệu trong thể loại, cấu tạo các cung điệu ứng với hệ thống bài bản Ả đào như thế nào. Đây là một trong những phát hiện mới mẻ, quan trọng của công trình.

Phần 4: Hình thức – cấu trúc bài bản: Thông qua phần này, đào kép thế hệ mới hoàn toàn có thể tiếp cận, nhận diện bài bản một cách dễ dàng và khoa học cũng như hiểu thêm về vai trò, chức năng của chúng trong nhạc Ả đào.

Phần 5: Nghệ thuật trống chầu: Căn cứ vào lời giảng của nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, kết hợp với tài liệu dạy trống chầu ấn hành từ đầu thế kỷ 20 cùng các căn cứ trong tư liệu, đã tổng kết toàn diện và từng phần chi tiết nguyên tắc chơi trống chầu của quan viên Ả đào.

Phần 6: Nhà hát Cô đầu – Góc nhìn lịch sử văn hóa: Đưa ra một cách nhìn khác về nhà hát Cô đầu, một cách nhìn nhân văn hơn với thế hệ những nghệ sĩ Ả đào – họ đã trở thành một phần của lịch sử văn hóa dân tộc.

Phần 7, phần cuối của cuốn sách là phụ lục, gồm những bức ảnh tư liệu giúp công chúng có cái nhìn trực quan về loại hình âm nhạc này.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Khám phá văn hóa Việt Nam qua ‘Tiểu luận về nghệ thuật An Nam’

Đây là một tư liệu quý không chỉ dành cho những người yêu nghệ thuật mà còn cho những ai quan tâm đến văn hóa và lịch sử Việt Nam.