Áp lực không thể làm trụ cột kinh tế khiến đàn ông trầm cảm

Ap luc kinh te anh 1

Khi không thể gánh vác vấn đề tài chính trong gia đình, người đàn ông sẽ cảm thấy tự ti, buồn bã. Ảnh: D.K.

Đã một thời gian dài tôi không nói chuyện với anh trai, anh cũng không hỏi han gì tôi. Không có nguyên nhân gì đặc biệt, chỉ là tôi sợ mỗi chữ mình nghe đều khiến bản thân đau đớn khôn tả.

Trong thời gian học đại học, anh trai tôi có một người bạn gái. Tôi không rõ về thời điểm hai người bắt đầu hẹn hò, nhưng sau khi tốt nghiệp, anh trai tôi cùng bạn gái đến phương Nam kết hôn và làm việc.

Ban đầu, quyết định của anh bị cả gia đình cực lực phản đối. Cho dù anh ấy nói hết lời, nhấn mạnh hết lần này đến lần khác rằng anh ấy đi theo tiếng gọi của trái tim mình, chúng tôi vẫn không thể nhìn hành động này theo hướng tích cực.

Song, dù sao đó cũng là cuộc sống của anh ấy. Nếu anh ấy đã lựa chọn như vậy thì gia đình cũng chỉ có thể ủng hộ. Tôi nhớ ngày tiễn anh lên đường, bố mẹ tôi và họ hàng đều dặn dò anh nhất định phải sống hạnh phúc với bạn gái, gặp chuyện phải bàn bạc cùng nhau, đừng để xảy ra bế tắc. Không ngờ, những lời căn dặn ấy lại trở thành lời tiên tri.

Cuộc sống tân hôn của hai người vẫn ngọt ngào và ấm áp. Đặc biệt là vào một năm sau đó, khi con gái Nữu Nữu chào đời, anh tôi khoe ảnh con bé khắp nơi, hết ảnh chụp ngày chào đời, đầy tháng, một trăm ngày, đến ảnh chụp sinh nhật một tuổi. Nhưng từ sau đấy, tôi mãi không thấy tin tức gì mới của anh trai. Lúc bấy giờ là tròn ba năm kể từ khi anh tôi kết hôn.

Từng có người nói với tôi rằng, rất nhiều cuộc hôn nhân ban đầu thì mĩ mãn nhưng sau cùng đều thất bại bởi “tam niên chi dương, thất niên chi thống”. Tôi nhớ khi nghe xong câu này đã liếc đối phương một cái khinh bỉ, “hừ” một tiếng nhắc nhở anh ta rằng tôi không tin vào những quan niệm cổ hủ này. Đến bây giờ tôi mới hiểu chỉ có bản thân mình là quá trẻ người non dạ.

Khi xưa, chị dâu tôi khăng khăng chuyển đến phương Nam lập nghiệp là bởi trường đại học phân công chị ấy đến một công ty ở đó làm việc sau khi tốt nghiệp. Mức lương của chị dâu tôi không hề thấp. Nhưng anh trai đi cùng chị dâu lại khác.

Một sinh viên đại học vừa mới tốt nghiệp, lần đầu đến một thành phố xa lạ, không có các mối quan hệ có thể nhờ cậy hay nguồn tài chính vững vàng, thậm chí kĩ năng nghề nghiệp cũng còn thiếu sót. Anh ấy chỉ có thể xin làm việc toàn thời gian tại một công ty có quy mô bình thường, bắt đầu từ vị trí thấp nhất. Công việc của anh ấy nói dễ nghe một chút thì là ở đâu cần thì đến đó chi viện, còn nói khó nghe thì chính là chân sai vặt.

Thành phố tuyến ba, doanh nghiệp tư nhân, nhân viên cấp cơ sở không có gì nổi bật. Những điều kiện này cộng lại đã định trước mức lương của anh ấy chỉ tạm đủ để duy trì cuộc sống của một nhà ba người.

Chị dâu tôi không phải là người mơ mộng viển vông, lười biếng hay thích bới móc, soi mói. Hiểu rõ tình hình kinh tế của gia đình nên chị ấy chưa từng đòi hỏi anh trai tôi phải tặng quà hay mua cho mình quần áo, trang sức sang trọng. Song, là một người phụ nữ, việc thích mua sắm là điều rất tự nhiên và bình thường.

Về sau, anh tôi phát hiện ra một chiếc áo khoác đắt tiền còn mới trong tủ âm tường, một chiếc vòng tay mới trong hộp trang sức, một lọ nước hoa mới trên bàn trang điểm. Chị dâu cố gắng khiến anh tôi không quá để tâm đến những món đồ này, nhưng anh ấy lại không thể giả vờ như không nhìn thấy. Chị dâu mua những món đồ ấy bằng tiền lương của mình, nên anh tôi cũng cho rằng bản thân không có quyền chỉ trích.

Song, là một người đàn ông nhưng không thể gánh vác toàn bộ trách nhiệm kinh tế cho gia đình, anh ấy cảm thấy rất mất thể diện. Cứ như vậy, anh tôi ngày càng tự ti, không muốn nói chuyện với chị dâu. Còn chị dâu lại cảm thấy chồng mình thật yếu kém và ngày càng phiền phức.

Sợi dây gắn kết anh tôi và chị dâu đang dần mỏng đi từng chút một. Cái gọi là khủng hoảng hôn nhân bắt đầu xuất hiện.

Trước khi chị dâu đến phương Nam làm việc, gia đình từng mua cho chị ấy một chiếc xe đạp điện, đến nay đã cũ, nên thay chiếc khác. Thế nên, chị ấy đang chuẩn bị cho việc này. Đến bữa tối, chị dâu phá vỡ bầu không khí gượng gạo giữa hai vợ chồng bằng việc phân tích ưu và khuyết điểm của mấy loại xe đạp điện, cuối cùng tổng kết: “Em muốn mua chiếc này, anh thấy thế nào?”

Việc chị dâu đi thẳng vào vấn đề, trên thực tế không phải là muốn bàn bạc với anh tôi. Chị ấy đã có quyết định của mình, câu hỏi cuối cùng chỉ mang tính chất thông báo.

Sau một khoảng trầm lặng, anh trai tôi buông một câu: “Nhiều tiền quá nhỉ, không thể đổi nhãn hiệu khác sao?”

“Em đâu có bắt anh bỏ tiền ra. Đây vốn là nhãn hiệu dành cho những cô gái trẻ trung. Đợi em thành bà lão 70, 80 rồi mới lái, anh không cảm thấy rất châm biếm sao?”

Anh trai tôi im lặng. Về sau, anh ấy nói với mẹ tôi rằng: “Khi nghe cô ấy nói như thế, con cảm thấy rất khó chịu, hệt như cô ấy đang mắng con vậy.” Dứt lời, anh ấy lẳng lặng lau nước mắt.

Một thời gian sau, bác sĩ chẩn đoán anh trai tôi mắc bệnh trầm cảm. Uống thuốc trở thành bài tập mỗi ngày của anh ấy. Anh ấy không muốn gây ra bất cứ bóng đen tâm lí nào cho Nữu Nữu, vì vậy luôn giấu con gái việc mình phải uống thuốc chữa bệnh. Thế nhưng, có một buổi sáng, anh ấy đã bị Nữu Nữu nhìn thấy.

Khi con bé chớp đôi mắt to tròn, ngây thơ hỏi bố đang uống gì, anh ấy cười nói: “Bố ăn vụng kẹo đấy, con đừng nói với mẹ nhé!”

“Nhưng kẹo không ngọt ạ? Sao bố lại khóc? Xấu quá đi mất.”

Niềm vui nên trao đi để lan tỏa cảm xúc tích cực. Bi thương, thất vọng, đau khổ cũng cần san sẻ để giảm bớt sự tiêu cực. Đừng nghĩ đó là sự ích kỉ. Đôi khi, mớ cảm xúc hỗn độn bên trong giống như một quả bóng căng phồng và chia sẻ giúp chúng ta làm nó xẹp xuống, dịu lại.

Yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công là sự cộng tác. Một người dù có bản lĩnh lớn đến mấy chắc chắn vẫn có điểm yếu, chỉ dựa vào bản thân để bù đắp cho thiếu sót này là việc không tưởng.

Đừng quên rằng, mỗi người chỉ có một đời để sống. Khi cảm thấy khó khăn ở phía trước quá lớn, không thể một mình vượt qua, hãy nhờ đến sự giúp đỡ của những người xung quanh. Cho dù chỉ có một người đưa tay trợ giúp cũng tốt hơn nhiều so với việc đơn thương độc mã liều mạng.

Hãy nghĩ lại xem, khi một mình vùng vẫy trong chiếc hộp của mình, kết quả sẽ thế nào?

Lời giải thích của bạn dù là trong bất cứ trường hợp nào cũng sẽ thiếu sức thuyết phục. Bởi vì chỉ khi có điều cần che đậy, bạn mới nghĩ mọi cách biện giải. Nói cách khác, giải thích chính là che đậy, che đậy chính là sự khởi đầu của lừa gạt. Lừa người thì vô đức, lừa mình thì vô tri.

Anh trai tôi nói rằng bản thân sợ nhất là làm con gái bị tổn thương. Nhưng thực ra, đến cuối cùng, người làm tổn thương con bé lại chính là anh ấy.

Tôi không biết đến bao giờ anh ấy mới có thể bước ra khỏi chiếc hộp đóng kín ấy. Thế nhưng, nếu đã lựa chọn sống cùng người vợ giỏi kiếm tiền hơn mình, lại có một cô con gái mà anh muốn bảo vệ suốt đời, vậy thì anh phải dũng cảm, mạnh mẽ đối diện.

Không phải tiền bạc hay bất kì ai khác, kẻ địch lớn nhất đang chặn đường anh tôi chỉ có anh ấy mà thôi. Gây khó dễ với chính mình, cuối cùng người chịu tổn thương lớn nhất vẫn sẽ là mình. Trên đường đời dài đằng đẵng, chúng ta đều cần học cách hòa giải với chính mình, dẫu cho quá trình này vừa chậm chạp vừa gian nan.