Telegram ra mắt năm 2013, là sản phẩm của 2 anh em Nikolai và Pavel Durov – người được gọi là Mark Zuckerberg của nước Nga.
Ứng dụng này bắt đầu nổi danh từ 2/2014 – khi WhatsApp “chết” tạm thời trong 4 tiếng đồng hồ.
Tuy nhiên, để kiếm tiền thông qua quảng cáo và chuẩn bị IPO tại những thị trường tiềm năng như Mỹ, Telegram sẽ phải đối mặt với áp lực phải “chế ngự” mặt tối của chính mình.
Thiên đường tội phạm
Hàng ngày, kênh Telegram Gun Shop America đăng tải đều đặn các bức ảnh về hàng lậu để bán cho gần 26.000 người dùng đăng ký.
Gần đây nhất, mặt hàng được rao bán trên kênh này bao gồm một khẩu Glock 9 mm kèm đạn có giá 500 USD, cocaine Bolivian với giá 1.000 USD cùng một thẻ ngân hàng được làm giả có giá 5.000 USD, theo Financial Times.
Thực tế, cửa hàng buôn lậu này chỉ là một trong hàng chục nghìn nhóm và kênh Telegram được các chuyên gia an ninh mạng theo dõi.
Một kênh buôn lậu những món đồ bất hợp pháp phổ biến trên Telegram. Ảnh: Financial Times. |
Họ lập luận rằng ứng dụng truyền thông mạng xã hội này đã trở thành web đen mới, nơi những tội phạm và hacker trao đổi các dịch vụ bất hợp pháp một cách trắng trợn mà không phải chịu hậu quả.
Sự bùng nổ của thế giới ngầm tội phạm trên Telegram chỉ là một khía cạnh trong sự phát triển chóng mặt, rộng lớn hơn của nền tảng này trong những năm gần đây.
Từ một ứng dụng nhắn tin tự do, Telegram hiện đã trở thành một nguồn tin tức và tài nguyên không thể thiếu với các tổ chức trong những cuộc xung đột Nga – Ukraine và Israel – Hamas.
Bên cạnh đó, việc cung cấp một nền tảng cho phép người dùng né tránh sự giám sát đã mang đến nhiều vấn đề riêng cho Telegram.
Trong những năm gần đây, tổ chức IS đã sử dụng Telegram để tổ chức các âm mưu khủng bố, tuyên truyền và yêu cầu bồi thường trách nhiệm đối với các cuộc tấn công.
Một kênh Telegram chuyên buôn các loại thẻ tín dụng ăn cắp. Ảnh: CloudSEK. |
Đây cũng là nơi IS đứng ra nhận trách nhiệm cho vụ tấn công khủng bố tại Paris năm 2015. Trước đó, IS cũng dùng Telegram để nhận trách nhiệm vụ bắn rơi máy bay Nga.
Khi ưu điểm là vấn đề
Có trụ sở chính tại Dubai, Telegram có thể thoát khỏi phần lớn sự giám sát theo quy định và các yêu cầu thủ tục pháp lý vốn là thứ đã gây khó khăn cho các nền tảng tương tự ở Thung lũng Silicon trong những năm gần đây.
“Ở Dubai, chính phủ không làm phiền chúng tôi”, Durov nói với Financial Times.
Telegram sử dụng biện pháp mã hóa đầu cuối giống như WhatsApp và Signal. Loại mã hóa này chuyển đổi tin nhắn thành mật mã mà không cần sự trợ giúp của máy chủ ở giữa, khiến nó gần như không thể truy cập vào giao tiếp giữa hai người dùng khi không có sự đồng ý của họ.
Minh họa về giao thức bảo mật của Telegram. Ảnh: Telegram API. |
Tuy nhiên, khác với WhatsApp, Telegram sử dụng giao thức bảo mật của riêng họ được gọi là MTProto. Hiện có rất nhiều tranh luận xung quanh hệ thống này. “Không ai biết cách nó hoạt động, và rất nhiều phân tích an ninh đã chỉ ra rằng nó không an toàn như nhiều người nghĩ”, ông Woodward nói.
Durov và anh trai Nikolai lần đầu phát triển Telegram như một “công cụ riêng tư” để cặp đôi này liên lạc khi không có ứng dụng nhắn tin an toàn nào khác.
Sau những tiết lộ của Edward Snowden về việc giám sát quy mô lớn ở Mỹ, Telegram nổi lên như ứng dụng nhắn tin số một trong việc đảm bảo quyền riêng tư.
Cách tiếp cận này đã giúp thúc đẩy tăng trưởng của Telegram. Từ việc tập trung vào tính bảo mật khi trò chuyện, mỗi năm, nền tảng này đã tích hợp hàng tá tính năng mới, bao gồm giao diện có thể tùy chỉnh, công cụ chia sẻ tệp lớn.
Mỗi nhóm trong Telegram có thể chứa tới 200.000 thành viên. Các kênh phát tin nhắn một chiều của ứng dụng này cũng không giới hạn số lượng thuê bao.
Kể từ khi thành lập, Pavel Durov đã biến Telegram trở thành một giải pháp thay thế cho các nền tảng thuộc Big Tech.
Nói cách khác, Telegram là một nền tảng không thể bị chính phủ can thiệp, một nơi “trú ẩn” an toàn cho những công dân ở các khu vực có chế độ kiểm duyệt gắt gao như Belarus, Iran.
Mặc dù vậy, việc đặt nặng vào sự bảo mật của người dùng đã dẫn đến một mặt tối khác. Nhiều nghiên cứu cho thấy nền tảng này đã trở thành điểm nóng của hoạt động tội phạm.
Sự tự do quá mức của Telegram có thể lại chính là điểm yếu của nền tảng này khi muốn thâm nhập vào những thị trường như Mỹ. Ảnh: New York Times. |
“Telegram hỗ trợ, tạo điều kiện cho tội phạm trực tuyến và ngoại tuyến trên toàn thế giới. Đó có thể là lừa đảo, buôn vũ khí, ma túy hay thậm chí là cả con người”, David Maimon, giáo sư khoa tư pháp hình sự và tội phạm học tại Đại học bang Georgia nhận định.
Đáp trả lại, Durov nói rằng Telegram đang tích cực kiểm duyệt hoạt động tội phạm trên các phần công khai của nền tảng và đã xóa “hàng triệu nội dung độc hại” hàng ngày.
Tuy nhiên, các chuyên gia nghi ngờ rằng liệu các nhà quảng cáo có sẵn sàng chi tiền cho một nền tảng nhiều rủi ro như Telegram hay không.
“Các nhà đầu tư nên lo lắng về thế giới tội phạm ngầm cũng như các vấn đề về tính minh bạch tại Telegram. Họ sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nhà quảng cáo sẵn sàng liên kết thương hiệu của họ với lượng lớn nội dung độc hại trên nền tảng này”, Jeff Allen, đồng sáng lập kiêm giám đốc nghiên cứu của tổ chức tư vấn Integrity Institute.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.