Quên hai bộ phim Succession hay The White Lotus đi! Nếu bạn muốn có cái nhìn thực tế về thế giới xa hoa của giới siêu giàu 0,01%, hãy nói chuyện với những người bảo mẫu của họ.
Chính những người này mới chứng kiến tận mắt cuộc sống của giới thượng lưu, quan sát những thói quen kỳ lạ và lối sống xa hoa của họ từ khoảng cách gần nhất.
Tiệc sinh nhật trẻ em được tổ chức với quy mô hoành tráng không kém lễ trao giải Oscar, kỳ nghỉ dưỡng trên du thuyền sang trọng và quà tặng đắt tiền là chuyện thường? Rachael Gunn, 33 tuổi, chính là minh chứng cho điều đó. Gunn đã tích lũy được một số món quà ấn tượng trong 4 năm làm bảo mẫu cho giới siêu giàu.
“Tôi được tặng một chiếc túi Chanel – tôi suýt ngất xỉu. Lúc đầu, tôi còn nghĩ mình nghe nhầm và định trả lại. Nhưng bà chủ nói ‘Không cần đâu! Đáng lẽ tôi phải yêu cầu trợ lý làm việc đó. Bạn có muốn nó không? Tôi chỉ cần lấy nó ra khỏi tủ quần áo'”, Gunn nhớ lại.
Một món quà khác là cuốn sổ tay Smythson được dập nổi đẹp mắt, nằm trong túi quà mà ông chủ mang về từ bữa tiệc được Elton John tổ chức ngay trước lễ trao giải Oscar.
Tuy nhiên, Gunn lưu ý rằng hầu hết món quà cô nhận được đều không mang nhiều ý nghĩa về mặt tình cảm.
“Hầu như không có ông chủ nào tặng quà vì họ trân trọng tôi, mà chủ yếu là ‘Tôi không cần thứ này, hãy tặng nó cho ai đó'”, Gunn chia sẻ.
Sự khác biệt trong ranh giới
Mặc dù công việc có thể hào nhoáng và nhiều phần thưởng nhưng bước chân vào thế giới bên trong của giới thượng lưu “không dành cho những người yếu tim”, chuyên gia chăm sóc trẻ em Nanny Sharz, người đã dành gần hai thập kỷ làm bảo mẫu cho những người nổi tiếng và khách hàng có tài sản ròng cao, chia sẻ.
Ranh giới giữa bảo mẫu và chủ nhân của họ có thể khó xác định. Một số gia đình sẽ coi bảo mẫu như một thành viên trong gia đình, giống như chuyên gia chăm sóc trẻ em và giấc ngủ Hannah Love đã trải qua khi cô làm việc cho một nhóm vận động viên golf chuyên nghiệp trong những năm 2000.
“Mỗi người trong số họ đều coi tôi như một phần của gia đình. Một số bảo mẫu khác phải ngồi ở bàn riêng, bay vé hạng phổ thông. Nhưng với các gia đình tôi từng làm việc, tôi đều bay hạng nhất, cùng ngồi quanh bàn ăn tối, được uống sâm banh giống họ”, Hannah Love cho biết.
Công việc bảo mẫu cho giới siêu giàu không dành cho những người “yếu tim”. Ảnh: Telegraph. |
Khác với Hannah Love, đối với những người khác, ranh giới giữa ông chủ và bảo mẫu được phân định rõ ràng hơn.
Gunn đã có thời gian dài làm việc với các gia đình Trung Đông đến Anh du lịch, những người không thể đưa nhân viên giúp việc gia đình theo do vấn đề thị thực.
Cô phải mặc đồng phục, thường xuyên báo cáo với quản lý hoặc quản gia, phải tuân theo “cả một quy trình vận hành tiêu chuẩn về thời điểm thích hợp để vào phòng, cách vào phòng, cách giao tiếp…”.
“Nhưng theo một cách nào đó, tôi thực sự thấy làm việc cho những người quen có giúp việc lại dễ dàng hơn, vì tôi biết chính xác mình cần mong đợi điều gì. Mọi thứ đều được quy định rất rõ ràng”, Gunn nói.
Trải nghiệm tương phản
Theo chuyên gia Nanny Sharz, tìm được một gia đình hòa hợp với cả bố mẹ và trẻ em được ví như “tìm được vàng”.
Lịch trình của những đứa trẻ thuộc tầng lớp giàu có có thể tương tự một CEO bận rộn. Gunn thường phải nộp lịch trình ngày hôm sau trước 18h mỗi ngày để bố mẹ (hoặc ít nhất là quản gia) duyệt qua.
“Tôi chưa từng làm việc cho gia đình nào thực sự thoải mái về lịch trình. Thông thường, mọi thứ đều được lên kế hoạch rất cụ thể. Điều khiến tôi phát điên nhất là khi họ nói ‘Trẻ không được khóc trong khoảng thời gian này vì có khách đến thăm'”, Gunn kể lại.
Trong khi đó, Adam (27 tuổi) cho biết khi những đứa trẻ lớn hơn, nhiệm vụ của bảo mẫu gần như trở thành trợ lý riêng của chúng. Mọi thứ đều được sắp xếp chặt chẽ.
“Bạn sắp xếp tài xế đưa trẻ đến lớp học đàn cello, piano hoặc tiếng Latin, sau đó đến thẳng một câu lạc bộ khác, rồi lại chuẩn bị bữa tối với đầu bếp riêng”, Adam nói.
Theo kinh nghiệm của Gunn, một số bậc cha mẹ thuê hẳn chuyên gia tư vấn phát triển trẻ em để đảm bảo lịch trình của con cái được lấp đầy bởi các hoạt động.
Cô cho biết thêm nhiều ông chủ, bà chủ “không thích bạn ăn cùng lúc với trẻ, vì vậy, họ thường đợi đến giờ ngủ trưa của trẻ mới ăn và chỉ ăn tạm thanh dinh dưỡng và hoa quả.
Nhiều gia đình không thích bảo mẫu ăn cùng lúc với trẻ. Ảnh minh họa: Pexels. |
Trong khi đó, một số bảo mẫu khác lại được trải nghiệm ăn uống xa hoa.
“Bạn sẽ được ăn ở những nhà hàng sang trọng, nhận được thiệp chúc mừng hoặc tiền mặt từ gia đình. Bạn cũng không cần chi trả bất kỳ khoản nào, mọi thứ đều được lo liệu”, Sharz chia sẻ.
Ella, người từng làm bảo mẫu trên du thuyền siêu sang trọng khi còn là sinh viên, nhớ lại những ông chủ giàu có của cô thường chi tới vài nghìn bảng Anh cho bữa trưa.
“Đối với tôi, khi còn nhỏ, được đi uống trà là niềm vui lớn nhất. Nhưng gia đình đó thì gọi ngay rượu Laurent-Perrier cao cấp… Một lần, người bạn thân nhất của tôi đến chơi vào cuối tuần, và họ đã chi trả mọi thứ”, Ella cho hay.
Có thể được hưởng những đặc quyền xa xỉ nhưng thực tế, các bảo mẫu thường phải sẵn sàng di chuyển đường dài bất cứ lúc nào (mặc dù đi bằng máy bay riêng có thể giảm bớt phần nào sự bất tiện). Adam thậm chí từng được cử đến các quốc gia khác nhau “để lấy một món đồ duy nhất”.
“Khi bạn làm việc với các gia đình giới siêu giàu, không phải lúc nào họ cũng cho bạn biết kế hoạch. Ví dụ, họ yêu cầu ‘trong 1 giờ nữa, chúng ta cần phải ở đây, cần đóng gói 2 túi đồ. Mọi thứ đều rất gấp gáp”, Sharz nói.
Bên cạnh đó, khi phải nói lời chia tay với những đứa trẻ mà bảo mẫu có thể đã nuôi dạy từ khi lọt lòng, điều đó cũng thật khó khăn.
Thời điểm nghỉ công việc bảo mẫu để đi du lịch, Hannah Love nhớ lại cảnh tượng mình đã “khóc suốt dọc đường về nhà”. Khi quay trở lại, điều đầu tiên cô làm là đến thăm gia đình chủ nhà.
Sharz cũng thường xuyên giữ liên lạc với một số khách hàng thân thiết nhất bằng cách đến thăm và gọi điện FaceTime. Nhưng đôi khi, việc xa cách là không thể tránh khỏi.
“Thông thường, họ tôn trọng việc bạn đã chăm sóc tuyệt vời cho con họ trong khoảng thời gian này, nhưng hiện tại, họ đã có người mới và họ không thích giữ liên lạc. Vì vậy, nó thực sự phụ thuộc vào từng cá nhân”, cô nói thêm.
Không phải gia đình siêu giàu nào cũng muốn giữ liên lạc với bảo mẫu sau khi họ nghỉ việc. Ảnh: Independent. |
Đằng sau vẻ hào nhoáng
Nhưng các bảo mẫu cũng nhìn thấu vẻ hào nhoáng bên ngoài. Mặt trái của việc ăn uống gần như liên tục ở ngoài là kỹ năng nấu nướng của các ông chủ, bà chủ thường rất tệ hại.
“Một bà chủ bước vào bếp, cố gắng pha cho mình một tách trà, nhưng bà ấy không thể bật được ấm đun nước. Căn hộ này thuộc về gia đình bà từ khi bà ấy sinh ra, nhưng tôi không nghĩ bà ấy từng vào bếp. Bà ấy không biết cốc ở đâu”, Gunn nhớ lại.
Adam nói thêm giới siêu giàu “thậm chí không thực sự tương tác với thế giới thực”. Họ đi ôtô có tài xế thẳng đến nhà hàng, họ cũng bay bằng máy bay riêng, không đi qua sân bay thông thường… Đó là một thế giới hoàn toàn khác biệt.
Trong khi đó, Sharz cảm thấy rất tiếc cho những khách hàng nổi tiếng vì họ không thể tự do đi chơi.
Trong một chuyến nghỉ dưỡng, bà chủ của cô ấy bị mọi người trên bãi biển chú ý. Đó là khoảng thời gian lẽ ra để dành cho gia đình, nhưng bà ấy phải chụp ảnh với mọi người và ký tặng. Họ hoàn toàn không có được sự riêng tư.
Nhìn nhận điều đó từ góc độ của một bảo mẫu, Sharz cảm thấy thật đáng buồn để chứng kiến. Cô cũng thường xuyên phải hỗ trợ tinh thần cho các bậc cha mẹ.
“Tôi là bảo mẫu, công việc chính của tôi rõ ràng là chăm sóc gia đình, nhưng giờ đây, tôi lại trở thành một nhà tư vấn tâm lý, là bờ vai để họ dựa vào”, cô giải thích.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.