Giáo viên trung học ở Nhật Bản phải làm việc 11 giờ mỗi ngày. Ảnh: Kyodo. |
SCMP đưa tin hai trong số những công đoàn giảng dạy lớn nhất Nhật Bản đã kiến nghị lên chính phủ để kêu gọi chính phủ giảm giờ làm thêm không lương cho giáo viên. Kiến nghị này thu hút gần 900.000 chữ ký của những người làm giáo dục.
Cụ thể, Liên đoàn Giáo viên Nhật Bản (Nikkyoso) gửi kiến nghị hôm 13/3 lên Bộ Giáo dục với gần 700.000 chữ kỹ. Trước đó một tháng, Liên đoàn Giáo viên và Nhân viên toàn Nhật Bản (Zenkyo) đệ trình tài liệu tương tự với khoảng 180.000 chữ ký, kêu gọi chính phủ lên kế hoạch giảm giờ làm cho giáo viên.
Việc nặng lương thấp
Những lời kêu gọi này được đưa ra trong bối cảnh các giáo viên phải làm việc ngoài giờ không lương. Gọi là không bắt buộc nhưng những công việc ngoài giờ này giáo viên vẫn phải tự nguyện làm trên tinh thần bắt buộc.
Sau giờ học của học sinh, giáo viên phải tham gia hoạt động thể thao vào cuối tuần hoặc đi dã ngoại, nhưng sẽ không được trả lương làm thêm giờ. Các công việc như chấm điểm, soạn giáo án dạy học cũng thường diễn ra ngoài giờ học.
Giáo viên phải làm thêm cuối tuần nhưng không được trả lương làm thêm giờ. Ảnh: Shutterstock. |
Nói về vấn đề này, bà Chihiro Okamoto, đại diện lãnh đạo của Zenkyo, cho biết Bộ Giáo dục đã cắt giảm ngân sách giáo dục hàng năm, gây ra tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng ở mọi trường học. Đó là lý do khiến những giáo viên ở lại buộc phải làm thêm nhiều đầu việc nhưng không được trả lương tăng ca.
Theo một báo cáo trên Mainichi Shimbun vào năm 2023, trung bình giáo viên THCS ở Nhật Bản làm việc 11 giờ mỗi ngày, trong khi giáo viên tiểu học phải làm việc 10 giờ 45 phút mỗi ngày trong tuần.
Đến cuối tuần, giáo viên nước này vẫn phải dành ra trung bình 2 giờ 20 phút để giúp đỡ học sinh. Và trong nhiều năm qua, các nhà giáo dục bị giao thêm việc nhưng không hề nhận được khen thưởng hay công nhận.
Đảm nhận khối lượng công việc khổng lồ, nhưng lương giáo viên Nhật Bản lại khá thấp. Trung bình giáo viên trường công kiếm được khoảng 3,7 triệu yên (tương đương 24.800 USD) mỗi năm và sau 10 năm, mức lương mới tăng lên 5 triệu yên/năm, tức là khoảng 33.500 USD.
“Khi tôi nói chuyện với các đồng nghiệp ở các hiệp hội giáo viên nước ngoài, họ rất sốc vì không thể ngờ rằng giáo viên phải làm thêm giờ mà không được trả lương. Tôi thấy Bộ Giáo dục đang lợi dụng giáo viên vì tin rằng giáo viên sẽ không bao giờ đình công vì sợ làm tổn thương học trò”, bà Chihiro Okamoto nói với SCMP.
Mọi chuyện ngày càng tệ hơn
Những căng thẳng mà giáo viên phải gánh chịu để lại loạt hậu quả nặng nề cho nền giáo dục Nhật Bản.
Tháng 2 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản báo cáo một khảo sát với các giáo viên trên cả nước, kết quả cho thấy số giáo viên trường công nghỉ dạy vì sức khỏe tâm thần đã tăng lên mức kỷ lục vào năm 2022, cụ thể là 6.539 người.
So với khảo sát vào tháng 3/2021, số giáo viên nghỉ dạy vì vấn đề tâm lý đã tăng 642 người, đánh dấu mức tăng thứ hai liên tiếp tại quốc gia này.
Giáo viên tiểu học ở Nhật Bản phải làm việc liên tục, không có giờ nghỉ ngơi. Ảnh: Kyodo. |
Bàn về vấn đề này, một giáo viên nước ngoài làm việc ở Nhật Bản 5 năm thừa nhận rằng cô rất sốc khi thấy lượng công việc mà thầy cô Nhật Bản phải hoàn thành trong ngày. Cô càng sốc hơn khi biết giáo viên làm thêm giờ nhưng không được trả lương.
“Khai giảng năm học mới vào tháng 4, trẻ đổi lớp nhưng giáo viên chỉ được phân lớp trước một tuần. Trong vòng một tuần đó, họ phải nhanh chóng xây dựng bài giảng cho năm học”, giáo viên này thông tin.
Ngoài việc chạy deadline soạn giáo án, giáo viên Nhật Bản cũng phải làm thêm cuối tuần thông qua hoạt động thể thao hoặc đưa học sinh đi dã ngoại nhưng không được trả lương. Một giáo viên giấu tên nói rằng những hoạt động này đều là “tự nguyện trên tinh thần bắt buộc”.
“Do phải làm thêm giờ và căng thẳng liên tục, môi trường sư phạm cũng xảy ra nhiều vấn đề khác, ví dụ như quấy rối”, giáo viên giấu tên chia sẻ.
Giữa lúc tuyệt vọng vì quá tải, rất may là giáo viên nhận được sự ủng hộ từ công chúng. Một độc giả trên TBS News nhấn mạnh nếu giáo viên không được lắng nghe, ngành giáo dục sẽ gặp nguy hiểm.
Trong một tuyên bố mới đây, Liên đoàn Giáo viên Nhật Bản (Nikkyoso) cũng cho biết họ đang kêu gọi Bộ Giáo dục hành động để cứu trường học thoát khỏi khủng hoảng.
Ngoài ra, Nikkyoso đề nghị toàn ngành tuyển thêm giáo viên để chia sẻ gánh nặng với những người đang ở lại, đồng thời bổ sung cố vấn hỗ trợ thầy cô. Liên đoàn cũng mong muốn các lãnh đạo tìm cách để tối ưu hóa công việc của giáo viên và suy nghĩ lại việc trả lương xứng đáng cho người dạy học.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight – 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo”, cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.