‘Cho con đi học thêm ở nhà cô chủ nhiệm, điểm thi chắc chắn cao hơn’

Phụ huynh lo ngại nếu không còn lớp học thêm, giáo viên chủ nhiệm sẽ không “rộng lượng” cho điểm cao. Ảnh: VTC News.

Hè năm ngoái, khi con trai chuẩn bị vào lớp 5, chị Ngô Thị Thu Huyền (41 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) cho con đi học thêm Toán tại một trung tâm gần nhà để củng cố kiến thức, chuẩn bị hành trang vào lớp 6.

Học thêm để cô không gây khó dễ

Một buổi học do giáo viên đứng lớp, kéo dài khoảng 2 giờ với mức giá 150.000 đồng/học sinh/buổi, tuần học 2 buổi. Thấy mức thu hợp lý, con trai đi học vui vẻ, hiệu quả, chị Huyền dự định cho con theo học đến hết năm.

Sau khai giảng vài hôm, giáo viên chủ nhiệm lớp 5 của con cũng mở lớp dạy thêm môn Toán, lịch học 2 buổi tối/tuần, học phí 200.000 đồng/buổi.

“Giáo viên chủ nhiệm ‘đánh tiếng’ với phụ huynh việc mở lớp dạy thêm Toán tại nhà và từng đạt nhiều thành tích trong quá trình dạy học, luyện thi môn này. Tuy nhiên, không muốn con học thêm quá nhiều, tôi quyết định không đăng ký”, chị Huyền kể lại.

Cũng kể từ đó, nữ phụ huynh cảm nhận thái độ khác lạ của giáo viên chủ nhiệm với con trai. Theo lời con kể lại, cô thường chê con trước lớp vì những lỗi nhỏ. Có hôm tan học, vừa thấy mẹ ở cổng trường, con trai òa khóc nức nở, chạy đến kể vừa bị cô phê bình vì làm bài chậm.

Trò chuyện với một số phụ huynh trong lớp, chị Huyền được khuyên “cho con đi học thêm ở nhà cô giáo chủ nhiệm, điểm thi chắn chắn cao hơn”. Không muốn con trở thành học sinh “cá biệt” trong mắt cô, nữ phụ huynh liền về bàn bạc với chồng để ra quyết định gửi gắm. Ngay khi đặt vấn đề, giáo viên chủ nhiệm của con trai liền thêm chị Huyền vào nhóm Zalo, thông báo lịch học.

Kể từ đó, đôi lúc con trai vẫn còn mắc lỗi, nhưng cô giáo không còn phê bình, trách phạt trước lớp như trước. Điểm cuối kỳ 1 của con đẹp long lanh, toàn lời phê chăm ngoan giỏi.

“Việc học thêm ở đâu là do các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, để học lấy kiến thức, nơi nào dạy tốt thì mình chọn, nhưng để không bị gây khó dễ và lấy điểm tổng kết cao thì phải học với chính giáo viên chủ nhiệm”, nữ phụ huynh nói.

Ở hoàn cảnh tương tự, được đồng nghiệp khuyên nhủ, chị Phạm Thu Quyên (39 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) cho con trai lớp 5 học thêm giáo viên chủ nhiệm môn tiếng Anh ngay từ đầu năm học. Tuy nhiên, sau một tháng theo học, con về tâm sự với mẹ rằng cô dạy nhanh, con không hiểu bài.

Thấy con không phù hợp với cách dạy của cô chủ nhiệm, nữ phụ huynh liền đăng ký một giáo viên khác cùng trường, có tiếng dạy giỏi. Kể từ đó, con trai chị Quyên theo học song song hai giáo viên/bộ môn.

Không ít lần vợ chồng chị Quyên bàn bạc, thôi không cho con theo học nhà cô chủ nhiệm để đỡ tốn kém phần nào, cũng khiến con giảm bớt áp lực. Nhưng rồi vẫn quyết định theo, cốt để cô lại ưu ái cho con có điểm tổng kết cao, học bạ đẹp, dễ dàng vào trường cấp 2 top đầu.

“Mặc dù tốn thêm khoản chi phí, khiến con vất vả hơn và cũng không mang lại kết quả tốt hơn nhưng tôi buộc chọn kiểu học ‘ngoại giao’ này để con có được điểm tổng kết cao. Tôi cũng dặn con khi đi học nhà cô chủ nhiệm đừng quá áp lực, vừa học vừa chơi cũng không sao”, nữ phụ huynh nói.

Phụ huynh ngừng tâm lý lo sợ

Trước thông tin Bộ GD&ĐT cấm giáo viên dạy thêm học sinh của mình bên ngoài nhà trường, chị Huyền và chị Quyên vừa mừng, vừa lo. Theo 2 nữ phụ huynh, trong trường hợp này, các con sẽ có lý do chính đáng để nghỉ học thêm nhà cô chủ nhiệm mà không bị cô “chú ý”.

“Điều khiến tôi cũng như nhiều phụ huynh khác lo ngại là nếu không học thêm, liệu giáo viên chủ nhiệm còn ‘rộng lượng’ cho con điểm tổng kết cao nữa không?”, chị Quyên băn khoăn.

Cô Phạm Thị Thuý, giáo viên Ngữ văn cấp THPT tại Thái Bình, cho hay mỗi giáo viên đều có phương pháp giảng dạy khác nhau. Việc học sinh không phù hợp với phương pháp của thầy cô này và tìm thầy cô khác để học là chuyện rất bình thường.

Theo cô Thuý, việc cho trẻ đi học thêm quá nhiều dễ khiến các em dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi quá mức, gây ức chế tinh thần, trẻ sợ và càng lười học hơn.

Khi bị ép buộc, học sinh sẽ học máy móc và thụ động. Vì không có niềm yêu thích và say mê nên các em thường có tư duy chống đối, coi việc học như nhiệm vụ khó khăn. Từ đó dẫn đến trạng thái ỷ lại, lười suy nghĩ mà chỉ trông chờ vào việc kèm cặp, ôn luyện của giáo viên, làm hạn chế khả năng sáng tạo và phát triển tư duy.

Nữ giáo viên khuyên các bậc phụ huynh hãy ngừng tâm lý sợ con không bằng bạn bằng bè, sợ bị cô đì, rồi cố cho trẻ đi học thêm.

“Muốn con trẻ học hành tiến bộ, thay vì bắt ép học hết lớp này, trung tâm nọ, nhà trường và phụ huynh nên giáo dục kỹ năng tự học cho con ngay từ khi còn nhỏ. Điều này vừa tạo tâm lý thoải mái, vừa giúp trẻ phát huy hết năng lực của mình”, cô Thuý nhấn mạnh.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học – câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau – hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.

Còn nhiều tâm tư khi cấm dạy thêm thu tiền trong trường

Các nhà trường chỉ được dạy thêm không thu tiền và chỉ dành cho 3 nhóm học sinh, nhiều phụ huynh lo ngại con không có chỗ học thêm, trong khi nhà trường băn khoăn kinh phí.