Tại sao người Hàn Quốc đam mê đi dép lê ra đường dù trời rét buốt

Đi dép lê ra đường giữa trời có tuyết là điều bình thường ở Hàn Quốc.

Một TikToker đã ghi lại khoảnh khắc kỳ lạ khiến anh kinh ngạc khi thấy những người Hàn đi dép lê hoặc Crocs giữa thời tiết âm hơn chục độ C, kèm theo bình luận: “Ở nước tôi, không thể tưởng tượng nổi có mốt ăn mặc như vậy”.

Trên Instagram, nhiều người khác bày tỏ sự ngạc nhiên tương tự. “Tại sao họ che phủ cơ thể bằng những chiếc áo phao siêu dài nhưng lại để chân bị lạnh? Như vậy có tốt cho sức khỏe hay không?”, dân mạng đặt câu hỏi.

Có người còn hài hước cho rằng người Hàn Quốc có “siêu năng lực” điều tiết nhiệt độ chân một cách tự nhiên”.

Để tìm câu trả lời nhằm giải đáp tò mò này, The Korea Herald đã phỏng vấn những người thích đam mê đi dép lê vào mùa đông để khám phá bí mật đằng sau xu hướng kỳ quặc.

Nghịch lý mặc áo phao đại hàn, đi dép lê

Han Ji-won (26 tuổi, tốt nghiệp Đại học Hongik) cho biết hệ thống sưởi sàn truyền thống trong các ngôi nhà Hàn Quốc, được gọi là “ondol”, có thể là lý do khiến mọi người không mấy lo lắng đến việc chân họ bị lạnh.

“Vì sàn nhà luôn ấm nên tôi không thường nghĩ đến việc chân mình bị lạnh. Có lẽ đó là lý do tôi chỉ mặc một chiếc áo khoác dày và đi dép lê khi đến cửa hàng tiện lợi hoặc phòng tập thể dục gần đó”, Han, người đang đi dép cao su trên phố Yeonnam-dong (Seoul) vào ngày 9/1, khi cảnh báo thời tiết lạnh giá được ban hành, cho biết.

phong cach Han Quoc anh 1

Han Ji-won đi dép lê giữa trời lạnh giá.

Theo truyền thống, ondol là hệ thống sưởi ấm chạy dưới sàn, sử dụng nguồn nhiệt trực tiếp từ đốt củi gỗ để đưa không khí nóng chạy khắp sàn nhà.

Thời hiện đại, người ta sử dụng ống nước nóng hoặc các bộ phận làm nóng bằng điện bên dưới sàn. Khi nhiệt tỏa lên trên, hệ thống này tạo ra sự ấm áp đồng đều, khiến sàn nhà có cảm giác ấm áp dễ chịu ngay cả trong thời tiết lạnh.

“Tôi đoán người Hàn Quốc nói chung có thể ít quan tâm đến việc giữ ấm chân hơn nhờ ondol. Thật thú vị khi người nước ngoài thấy khía cạnh này hấp dẫn đến vậy”, Han nói thêm.

Yoon Jeong-hwan, một nhân viên văn phòng 42 tuổi sống tại Mapo-gu, (Seoul), cho biết lý do khiến người Hàn Quốc phát cuồng vì dép lê vào mùa đông là do hệ thống giao thông công cộng và các cơ sở công cộng khác ở nước này đều ấm áp.

“Tàu điện ngầm ở Hàn Quốc vào mùa đông không chỉ ấm mà còn thường quá nóng. Khi đi tàu điện ngầm, mặc áo khoác có chần bông và nhiệt độ quá nóng, việc có đôi chân mát mẻ khiến tôi dễ chịu hơn một chút”, Yoon giải thích.

phong cach Han Quoc anh 2

Không gian trong nhà ấm áp nên đôi chân mát mẻ khiến người Hàn Quốc thấy thoải mái hơn.

Anh chia sẻ rằng trong chuyến công tác đến New York (Mỹ) vào mùa đông năm ngoái, anh đã rất ngạc nhiên khi thấy tàu điện ngầm lạnh đến thế, bên trong còn lạnh hơn cả ngoài trời.

Điều này khiến anh nhận ra rằng người Hàn Quốc quen với việc được giữ ấm không chỉ ở nhà mà còn ở các không gian công cộng.

“Cho dù là nhà hàng hay quán cà phê đều luôn ấm áp. Ngay cả những nhà hàng có sân hiên ngoài trời cũng lắp đặt lò sưởi lớn, đảm bảo ấm áp ở mọi góc”, anh nói.

No Jae-ok (38 tuổi) lại có một giả thuyết khác.

Anh sống tại một khu chung cư cao tầng, rộng lớn, có đầy đủ tiện ích như trung tâm cộng đồng, cửa hàng bán lẻ và phương tiện giao thông công cộng.

Trước khi No chuyển đến ngôi nhà hiện tại, nằm ngay cạnh lối ra của Ga Hapjeong thuộc tuyến tàu điện ngầm Seoul, anh chưa bao giờ đi dép ra ngoài vào mùa đông.

Nhưng giờ đây, với một cửa hàng tiện lợi, thư viện và trung tâm mua sắm chỉ cách nhà chỉ 2-3 phút đi bộ, anh bắt đầu bước ra ngoài bằng đôi dép thoải mái, bất kể thời tiết bên ngoài như thế nào.

“Đối với những người sống trong các tòa nhà chung cư được kết nối trực tiếp với quán cà phê, tiệm giặt là và các cơ sở thương mại khác, việc đi dép lê ra ngoài phổ biến hơn”, anh cho biết.

“Ngoài ra, còn có các khu chung cư hỗn hợp ở Seoul được kết nối trực tiếp với tàu điện ngầm, vì vậy, người dân ở đó thậm chí ít bận tâm đến việc mang giày ấm khi ra ngoài hơn”, No nói thêm.

Một phần của văn hóa tuổi teen

Ở Hàn Quốc, hầu hết trường tiểu học đều yêu cầu học sinh phải đi loại giày đi trong nhà, chủ yếu là bởi yêu cầu vệ sinh. Đây là lý do học sinh Hàn Quốc, ngoài ba lô, thường mang theo túi đựng giày, chứ không phải túi đựng đồ ăn trưa (hầu hết trẻ em ăn bữa ăn do trường cung cấp).

Shin Jeong-min (48 tuổi), một bà mẹ có con gái đang học trung học, tin rằng người Hàn Quốc đã quá quen với sự thoải mái của giày đi trong nhà từ khi còn nhỏ đến nỗi họ không thấy phiền khi phải đi dép lê vào mùa đông, bất chấp thời tiết lạnh giá.

“Tôi đã nhiều tuổi rồi, nên ngay cả khi đi dép lê ra trước nhà để đổ rác tái chế, tôi vẫn cảm thấy quá lạnh. Vì vậy, tôi thường đi tất và giày sục. Tôi thật sự rất ngạc nhiên khi thấy những người trẻ tuổi đi dép lê vào mùa đông. Dường như với họ, sự tiện lợi quan trọng hơn bảo vệ khỏi cái lạnh”, Shin nói.

Vì quy định về đồng phục không áp dụng cho giày dép, nên lựa chọn phổ biến cho giày đi học là dép lê sọc, thiết kế dường như chịu ảnh hưởng từ giày 3 sọc tương tự của adidas. Những đôi dép lê này được bán rộng rãi tại các cửa hàng văn phòng phẩm địa phương với giá khoảng 3.000 won (2 USD) một đôi.

Dép adidas chính hãng, có giá 20.000-30.000 won (13,75-20,62 USD), cũng rất được ưa chuộng. Trong khi nhiều sinh viên đi dép với tất, một số khác lại chọn không đi tất.

Những người trẻ tuổi quan tâm nhiều hơn đến cái lạnh đã sử dụng dép dành riêng cho mùa đông như dép lót lông, dép Crocs mùa đông và bốt kiểu dép lê.

Lee Ji-in, một học sinh tiểu học ở Mapo-gu, thường đi dép lông hoặc dép Crocs đến trường luyện thi tư thục (hagwon), và thấy chúng thoải mái hơn giày thể thao.

“Cháu luôn đi giày trong nhà khi đến trường, vì vậy cháu chỉ đi dép lê ở hagwon. Chúng rất thoải mái. Lớp học hagwon ấm áp, vì vậy cháu hiếm khi cảm thấy chân mình lạnh”, Lee, người đi dép Crocs cao su màu đen với tất màu hồng vào sáng thứ 5, cho biết. Vào ngày hôm đó, nhiệt độ buổi sáng ở Seoul giảm xuống mức thấp tới -15 độ C.

“Cháu cũng có một đôi Crocs lông. Gần đây cháu còn trang trí chúng bằng Jibbitz (những vật trang trí nhỏ có thể gắn vào lỗ giày Crocs)”, Lee nói.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Sinh viên mới ra trường ‘chật vật’ chi tiêu dịp Tết

Mới ra trường, công việc chưa ổn định nhưng lại sắp đến Tết, nhiều sinh viên bộc bạch nỗi áp lực tài chính những ngày cuối năm.