Quan điểm của Biden và Trump về TikTok đã đảo ngược. Ảnh: Business Insider. |
Theo 3 nguồn tin quen thuộc với vấn đề, chính quyền đang tích cực thảo luận để tìm giải pháp khả thi. “Mọi người không nên nghĩ rằng TikTok sẽ đột ngột bị cấm vào 19/1”, một quan chức nói. Người này cũng nhấn mạnh các quan chức đang “tìm thêm các lựa chọn” để thực thi luật một cách linh hoạt, tránh để TikTok ngừng hoạt động ngay lập tức.
Nếu chính quyền tiến hành kế hoạch này, TikTok sẽ không bị ngừng hoạt động ngay lập tức trong ngày cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống Biden. Thay vào đó, vấn đề sẽ được chuyển giao cho ông Donald Trump sau khi nhậm chức vào 20/1, theo CNBC.
Mike Waltz, cố vấn an ninh quốc gia sắp tới của Trump, tuyên bố trên Fox News hôm 15/1 rằng Tổng thống đắc cử sẵn sàng can thiệp để bảo vệ sự tồn tại của ứng dụng này tại thị trường Mỹ. Pam Bondi, người được Trump đề cử vào vị trí Bộ trưởng Tư pháp, từ chối cam kết thực thi lệnh cấm khi được hỏi trong buổi điều trần tại Thượng viện.
Những động thái này thể hiện nỗ lực song song của 2 tổng thống nhằm vượt qua Quốc hội và Tòa án Tối cao. Trước đây, cả 2 từng ủng hộ việc cấm ứng dụng này, nhưng hiện tại, họ đang tìm cách bảo vệ nó, CNBC nhận định.
Lệnh cấm TikTok được ban hành với lý do an ninh quốc gia. Các nhà lập pháp lo ngại dữ liệu của người dùng Mỹ có thể bị Trung Quốc sử dụng cho các mục đích bất chính, hoặc Bắc Kinh có thể kiểm soát nội dung trên TikTok để ảnh hưởng đến công chúng Mỹ. TikTok đã nhiều lần bác bỏ những lo ngại này, viện dẫn luật cấm sẽ vi phạm quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án Thứ nhất.
Luật mới yêu cầu ByteDance, công ty mẹ của TikTok đặt tại Trung Quốc, phải bán lại TikTok cho một bên mua bên ngoài trong vòng 9 tháng. Thời hạn này sẽ kết thúc vào 19/1. Luật cũng cho phép tổng thống gia hạn một lần trong 90 ngày nếu có “tiến bộ đáng kể” trong quá trình chuyển nhượng.
TikTok đang cân nhắc các phương án, bao gồm cả việc ngừng hoạt động hoàn toàn vào 19/1, hoặc giữ ứng dụng hoạt động nhưng không tung các bản cập nhật và sửa lỗi trong tương lai.
Theo CNBC, các động thái trong những ngày gần đây cho thấy cả Trump lẫn Biden đều tìm cách tránh để lệnh cấm này làm tổn hại đến hình ảnh của họ. Ông Trump đã hứa sẽ “cứu TikTok” trong chiến dịch tranh cử năm ngoái.
Tuần trước, Trump đã nộp một tài liệu lên Tòa án Tối cao. Tài liệu yêu cầu trì hoãn thực thi luật để tổng thống kế nhiệm có thể “theo đuổi một giải pháp thương lượng”, ngăn TikTok bị ngừng hoạt động. Luật sư John Sauer của ông Trump lập luận rằng tổng thống đắc cử đã nhận được “ủng hộ mạnh mẽ từ cử tri Mỹ” để bảo vệ quyền tự do ngôn luận của tất cả người dân, bao gồm cả 170 triệu người dùng TikTok tại Mỹ.
Về phía Biden, Dân biểu Ro Khanna là một đồng minh lâu năm của ông và cũng là một trong số ít các nhà lập pháp kêu gọi Nhà Trắng và Tòa án Tối cao ngăn chặn lệnh cấm. “Tôi hy vọng rằng Tổng thống Biden sẽ lắng nghe hàng triệu tiếng nói không muốn cấm TikTok tại Mỹ. Ông ấy có quyền gia hạn thời gian để tìm giải pháp thay thế”, Ro Khanna nói.
Trong khi đó, tại những phiên điều trần gần đây, các thẩm phán Tòa án Tối cao tỏ ra không bị thuyết phục trước lập luận về quyền tự do ngôn luận của TikTok. Chánh án John Roberts đã chỉ ra rằng Quốc hội phát hiện công ty mẹ của TikTok chịu sự chi phối của luật pháp Trung Quốc. Ông cũng nhấn mạnh rằng luật này không yêu cầu TikTok ngừng hoạt động, mà là “Trung Quốc phải ngừng kiểm soát TikTok”.
Một số nghị sĩ đảng Cộng hòa từng bỏ phiếu ủng hộ luật cấm TikTok kỳ vọng Trump sẽ tìm kiếm một bên mua lại TikTok nếu ông nhậm chức. “Họ phải thoái vốn theo luật, để Trump có thể đóng vai trò tìm kiếm người mua. Nếu không, tôi đoán là ứng dụng sẽ phải ngừng hoạt động trừ khi ông ấy tìm cách chuyển nhượng nó”, Hạ nghị sĩ Mike McCaul, là một người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, nhận định.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.