Trong hành trình trưởng thành cùng con, cha mẹ hãy giúp bé khắc phục các khuyết điểm. Ảnh: T.N. |
Đối với cha mẹ, thử thách lớn nhất không phải là chứng minh con mình hoàn hảo hay giáo dục con thành công, mà là học cách chấp nhận sự không hoàn hảo của con và thực hành việc đón nhận những điều chưa hoàn thiện. Hành trình trưởng thành của trẻ giống như một quá trình đi lên theo hình xoắn ốc, và ở mỗi giai đoạn khác nhau, cha mẹ có thể bất ngờ khi thấy con mình trở nên xa lạ, vì trẻ đã bước vào một giai đoạn mới trong sự phát triển trí tuệ và khả năng.
Ở những thời điểm này, cha mẹ cầu toàn thường lo lắng quá mức, dẫn đến việc thúc ép con liên tục, từ đó làm rối loạn nhịp điệu phát triển tự nhiên của trẻ. Điều này có thể gây hại lớn cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
Qua điều tra và nghiên cứu, một tổ chức tại Đức đã nhận ra rằng: Trong hai năm đầu sau khi sinh con, những người lần đầu làm cha mẹ phải chịu áp lực rất lớn trong việc nuôi dạy con cái, thậm chí còn khủng khiếp hơn áp lực từ công việc hay ly hôn.
Nguyên nhân chính do họ cảm thấy thất vọng với chính bản thân trong quá trình chăm sóc con, không đáp ứng được kỳ vọng trở thành những bậc cha mẹ hoàn hảo như mong đợi.
Rõ ràng, không ai có thể ngay lập tức trở thành những ông bố, bà mẹ hoàn hảo. Mỗi bậc cha mẹ đều cần không ngừng học hỏi và tự hoàn thiện bản thân. Trước tình hình này, tất cả chúng ta, đặc biệt là những bậc cha mẹ trẻ, nên thể hiện sự bao dung đối với đấng sinh thành của mình.
Khi chứng kiến cha mẹ loay hoay cố gắng trở thành các bậc phụ huynh đủ tốt, chúng ta nên ủng hộ họ, cũng như ủng hộ chính mình. Chỉ có như vậy, nhiều bậc cha mẹ mới dám thừa nhận rằng họ chưa thực sự đủ tốt ở thời điểm hiện tại, và sẽ có thêm nhiều người can đảm đối mặt với những thách thức trong quá trình nuôi dạy con cái mà không cần phải khoác lên mình chiếc mặt nạ hoàn hảo, giả vờ rằng mọi thứ đều dễ dàng hay thành công.
Cha mẹ nào cũng sẽ mắc sai lầm và không ai là hoàn hảo. Điều quan trọng là con cái cần những ông bố, bà mẹ không hoàn hảo. Chính những bậc cha mẹ này mới nhận thức được rằng họ cần không ngừng học hỏi và thay đổi để đồng hành, lắng nghe và thấu hiểu con.
Họ biết cách đáp ứng những nhu cầu chính đáng của con và thậm chí có thể cùng con trải nghiệm những khoảnh khắc bất ngờ, chẳng hạn như “trốn học” để chơi đùa trong ngày tuyết đầu mùa. Trong khi cha mẹ hoàn hảo thường cứng nhắc, cha mẹ không hoàn hảo lại mang đến niềm vui và sự gần gũi. Điều này giúp họ và con cái ngày càng gắn kết và yêu thương nhau hơn.
Hãy cùng trở thành những bậc cha mẹ không hoàn hảo, không ngừng phát triển bản thân, và quyết tâm đồng hành cùng con trẻ vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Dĩ nhiên, làm cha mẹ không hoàn hảo không có nghĩa là chúng ta thờ ơ hay bỏ mặc mối quan hệ với con cái, mà phải nỗ lực trưởng thành và hoàn thiện bản thân, dựa trên việc chấp nhận những điều chưa hoàn hảo.